TRẦN THU -
Trong vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng mua lại các công ty tài chính để khai thác thị trường cho vay tiêu dùng. Việc này giúp cho các sản phẩm cho vay tiêu dùng dành cho khách hàng dưới chuẩn (tức không đủ điều kiện để vay ngân hàng) phong phú và đa dạng hơn.
Ngân hàng nào cũng muốn
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngày 6-10 vừa qua, các cổ đông đã thông qua phương án sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào MB và thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT MB, được trích lời trong thông tin được MB công bố rằng việc sáp nhập và thành lập công ty tài chính nhằm phục vụ cho mục đích phát triển mảng tín dụng tiêu dùng của ngân hàng này.
Nhiều ngân hàng mua lại các công ty tài chính để khai thác thị trường cho vay tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa
Trước MB, khá nhiều ngân hàng khác cũng đã mua các công ty tài chính, nhiều đến mức được xem như một trào lưu của các ngân hàng tập trung vào mảng khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt May Việt Nam (TFC) và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB-FC).
Theo Maritime Bank, tại một đất nước trên 90 triệu dân, có tỷ lệ dân số trẻ và GDP trên đầu người tăng mạnh như Việt Nam, tài chính tiêu dùng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng. Việc mua lại TFC của Maritime Bank là nhằm mục tiêu phát triển hơn nữa mảng hoạt động này, phù hợp với chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, chú trọng phân khúc khách hàng hộ kinh doanh, hộ sản xuất, tiểu thương… bên cạnh khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ mà Maritime Bank đang theo đuổi.
Trước đó, vào tháng 6-2014, VPBank cũng thông báo về việc mua lại Công ty TNHH Tài chính Than- Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) để làm công ty con của ngân hàng. Sau đó, vào tháng 11-2014, VPBank thông báo đã chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang công ty tài chính mới có tên là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) với thương hiệu FE Credit.
Mới đây, ngày 6-10, ngân hàng này cũng thông báo về việc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho FE Credit nâng mức vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng. Đến nay, FE Credit đã phục vụ khoảng 1,2 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 3.100 đối tác tại hơn 4.300 điểm bán hàng tại 58 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Vào tháng 10-2013, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) mua Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDFinance). Tháng 4-2015, HDBank đã bán 49% cổ phần tại HDFinance cho Tập đoàn Tài chính Credit Saison (Nhật Bản) sau đó đổi tên công ty tài chính này thành HD Saison Finance.
Ngoài ra, hiện cũng có một số ngân hàng lớn đang có kế hoạch thành lập/mua lại các công ty tài chính. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính để lấy ý kiến. Theo dự thảo này, ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng (cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng) thì phải thành lập/sở hữu công ty tài chính.
[box] Công ty tài chính hoạt động chủ yếu sử dụng vốn điều lệ thường do công ty mẹ cấp, vốn tự có, và chủ yếu vẫn là huy động vốn của tổ chức thông qua phát hành giấy tờ có giá theo kỳ hạn trung và dài hạn, không được huy động vốn ngắn hạn và không được huy động vốn tiết kiệm trong dân. Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng, cho vay tiêu dùng chiếm tỷ lệ 6,8% tổng tín dụng, tương đương khoảng 80.000 tỉ đồng.[/box]
Người tiêu dùng có lợi
Theo NHNN, tính đến ngày 30-6- 2015, Việt Nam có tổng cộng 17 công ty tài chính. Trong số đó có bốn công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, là Mirae Asset, Home Credit, Prudential Việt Nam và Toyota Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, nhìn chung, việc các ngân hàng mua lại các công ty tài chính không làm tăng số lượng công ty tài chính hoạt động trên thị trường. Nhưng với sự tham gia của ngân hàng vào thị trường này, các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng đa dạng và phù hợp hơn.
Chẳng hạn, với FE Credit, người tiêu dùng có thể vay tiền mặt, mua sắm đồ tiêu dùng, với giá trị vay lên đến 100 triệu đồng. Hay HD Saison Finance phát triển thêm dịch vụ cho vay trả góp để mua ô tô, xe tải nhẹ, đi du lịch trước trả tiền sau và tổ chức tiệc cưới. Ngoài ra, các công ty tài chính cũng có xu hướng phát hành thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Vấn đề hiện nay khiến người tiêu dùng dễ gặp rủi ro khi vay vốn của các công ty tài chính là lãi suất khá cao. Ngoài ra, với một số công ty, hợp đồng vay cũng khá đơn giản, và người đi vay không được giải thích đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, lãi suất cho vay tiêu dùng, đặc biệt ở các công ty tài chính và cả trong ngân hàng, hiện áp dụng theo hình thức lãi suất thỏa thuận, nhưng lãi suất của công ty tài chính hiện khá cao.
Theo thống kê của ngành ngân hàng TPHCM, hiện nay lãi suất của công ty tài chính thấp nhất là 15-17%/năm, cao nhất là 60-70%/năm, và bình quân dao động ở mức phổ biến là 30-39%/năm. Nếu so với ngân hàng thương mại, lãi suất của các công ty tài chính cao hơn gấp ba lần.
Theo ông Minh, trên địa bàn TPHCM, các công ty tài chính chủ yếu cho vay các món nhỏ lẻ, hồ sơ thủ tục nhanh chóng, đơn giản nên có nhiều rủi ro. Trong thời gian vừa qua, NHNN chi nhánh TPHCM đã tổ chức phối hợp cùng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng đi thanh tra, kiểm tra một số công ty tài chính có dấu hiệu buông lỏng điều kiện cho vay, để từ đó không thực hiện đúng các quy định về cho vay đối với khách hàng theo quy định của NHNN.
Hiện nay, NHNN đang triển khai kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính này để có những giải pháp phù hợp hơn, tạo điều kiện hạn chế rủi ro cho ngành ngân hàng, khách hàng, đề xuất các giải pháp phù hợp để lãi suất cho vay của các công ty tiêu dùng phù hợp hơn, và hiệu quả hơn cho người dân có nhu cầu vay tiêu dùng.