Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Choáng ngợp với thị trường collagen

Bình An

LTS: Trong thời gian qua, các mỹ phẩm, chế phẩm được gắn “mác” có collagen trở nên rầm rộ. Quảng cáo các sản phẩm này xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông cho đến mạng xã hội. Nhiều cá nhân cũng đã lao vào kinh doanh các sản phẩm này dưới dạng hàng xách tay từ Mỹ, Nhật...

Cùng với thực phẩm chức năng, collagen hiện nay đang được nhiều phụ nữ xem như “thần dược” với công năng giúp cho cơ thể khỏe, trẻ đẹp làn da. Giá bán của các loại mỹ phẩm chứa collagen vì thế cũng không hề rẻ cho dù chất lượng thế nào thì chưa ai kiểm chứng.

Từ tiệm thuốc tây đến Facebook

Dạo quanh một số nhà thuốc tây, siêu thị, thẩm mỹ viện… phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận, nơi nào cũng có bán sản phẩm có yếu tố collagen. Đó là chưa kể đến các trang mạng, các diễn đàn, các mạng xã hội rao bán nhộn nhịp các chế phẩm chứa collagen theo dạng “hàng xách tay”. Sản phẩm được các nhà sản xuất đưa ra thị trường với nhiều hình thức khác nhau như dạng kẹo có chứa collagen, các loại viên nén, bột, nước uống, đắp mặt, mỹ phẩm collagen, và collagen dạng kem, gel, nước hoa… Với các sản phẩm này, rẻ một chút thì có giá khoảng 150.000 đồng/sản phẩm, cao hơn thì đến vài triệu đồng/sản phẩm.

Nhiều sản phẩm đắp mặt được ghi là có công dụng dưỡng gia, làm đẹp da vì chứa collagen, được bày bán ở siêu thị.  Ảnh: Thành Hoa
Nhiều sản phẩm đắp mặt được ghi là có công dụng dưỡng gia, làm đẹp da vì chứa collagen, được bày bán ở siêu thị. Ảnh: Thành Hoa

Hàng ngoại nhập collagen được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và theo đánh giá của một số người bán là “khá chạy” với lượng khách hàng là người có thu nhập cao; bao gồm những sản phẩm mang nhãn hiệu Shisendo, Mejii Amino, Avon, Hanami, Transino (Nhật), Costar, Amex, Rebirth (Úc), NuHealth, Now@, Neocell, ResVitále (Mỹ), Wrinkle (Hàn Quốc)... Giá bán trên thị trường của những sản phẩm này khá cao, từ 500.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng.

Rầm rộ nhất hiện nay có thể kể đến các sản phẩm được quảng cáo là collagen nhập khẩu từ Nhật với giá từ thấp đến cao như Collagen Beauty Marine 10000 giá 520.000 đồng/hộp; viên uống Fine Pure Collagen có giá 1,29 triệu đồng/hộp; lọ Super Collagen 750 ml của Nhật bổ sung collagen và vitamin C giá 3,3 triệu đồng/lọ.

Với các sản phẩm chứa collagen được sản xuất tại Việt Nam, giá bán có phần mềm hơn, dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng/hộp. Ví dụ, collagen Adiva được bán ở nhà thuốc tây có giá từ 350.000 đồng đến trên 400.000 đồng/hộp. Sản phẩm này có bảy lọ trong mỗi hộp và để có tác dụng hoàn hảo, người sử dụng phải mua thêm một lọ vitamin C uống kèm có giá 95.000 đồng.

Ngoài ra, viên uống đẹp da collagen Tây Thi được quảng cáo là hỗ trợ làm đẹp, chống lão hóa da cũng bán với giá 550.000 đồng/hũ; nước dưỡng da collagen Tây Thi có giá 320.000 đồng; kem dưỡng da collagen Tây Thi có giá 350.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có nước uống collagen với giá gần 300.000 đồng/thùng (24 lon); sản phẩm collagen pha với nước ép trái kiwi, cherry có giá 160.000 đồng/12 lon… Theo ước tính của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa collagen ra thị trường với nhiều hình thức khác nhau.

Một người có công ty kết nối các tour đi Nhật cho biết bà cũng tham gia bán hàng xách tay từ Nhật về Việt Nam. Theo bà, mỹ phẩm chứa collagen ở Nhật rất nhiều và người tiêu dùng cũng ưa chuộng. Do đó, bà đưa sản phẩm này về Việt Nam và bán trên các trang mạng như Facebook… “Khi thu nhập của người dân ngày một cao lên, người ta thường quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp của mình”, người này nói.

Cẩn thận với hàng giả gắn mác ngoại

Chị N.H.K., nhân viên bán bảo hiểm cho một công ty nước ngoài, cho biết chị dùng collagen dạng nước gần nửa năm nay. Trung bình mỗi tháng chị phải chi khoảng 500.000 đồng. Với thu nhập trung bình chị chỉ dám dùng hàng sản xuất trong nước. Do sinh ba đứa con, sức khỏe xuống nhiều, chị nghe quảng cáo dùng collagen đẹp da, xóa nếp nhăn lão hóa, xương khớp chắc khỏe là mua uống ngay. Còn hiệu quả, chị thấy người ta nói uống từ một năm trở lên mới thực sự có tác dụng.

Không chỉ mong muốn đẹp lên, nhiều khách hàng còn hy vọng chữa được “bách bệnh” bằng cách uống collagen mà không hề biết gì về thành phần, công dụng cũng như nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chị L.H.N., ngụ tại quận Gò Vấp (TPHCM), mỗi tháng bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua sản phẩm collagen dạng viên nén với công dụng quảng cáo chữa bệnh đau khớp. “Uống gần ba tháng nay vẫn không thấy tình trạng sức khỏe chuyển biến tốt lên mà còn bị sưng tấy nặng hơn. Bác sĩ cho biết, thường collagen chỉ có tác dụng trên da chứ không có tác dụng cho xương khớp. Do đó tôi phải điều trị theo toa của bác sĩ”, chị N. nói.

Để đáp ứng tâm lý sính ngoại của một số người tiêu dùng, hàng loạt lời mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội là “collagen xách tay từ Nhật, Mỹ, Đức”. Thế nhưng, theo một cán bộ quản lý thị trường tại TPHCM thì đôi khi người tiêu dùng không ngờ rằng collagen mà họ đang dùng rất có thể là hàng “dỏm” đã được biến thành hàng “xịn” để bán với giá cao. Đơn cử, hồi đầu tháng 2-2015, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội đã bắt quả tang, tịch thu hơn 10 tấn sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen cùng hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được “phù phép” thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu với các nhãn hiệu nổi tiếng.

Một cán bộ quản lý thị trường tại quận 6, TPHCM nói rằng, theo ghi nhận của mình, rất nhiều người đã vô tình dính họa khi mua phải collagen được quảng cáo là “hàng xịn xách tay” nhưng không rõ nguồn gốc được giới thiệu qua cách truyền miệng, bán trực tuyến, bán ở chợ truyền thống, spa, nhà thuốc, thẩm mỹ viện…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối