Chí Thịnh -
Sự cố khai thác dữ liệu người dùng trên Facebook vừa qua là vấn đề không mới, song ít nhiều cũng đã khiến nhiều người giật mình khi đang tham gia vào các mạng xã hội và các diễn đàn. Một số người lo lắng tìm chuyên gia tư vấn bảo vệ thông tin cá nhân, thậm chí một số người đang nghĩ đến việc “đóng cửa”, rời sân chơi có nhiều niềm vui nhưng cũng lắm lời thị phi này.
Phó mặc cho người khác
Trên thực tế, có những lúc người dùng bất cẩn, vô tình “dâng” hết thông tin cá nhân cho tội phạm mạng (hacker), hoặc đơn giản hơn là cung cấp toàn bộ lý lịch trích ngang cho các đơn vị cung cấp ứng dụng mang tính giải trí, chẳng hạn như ứng dụng đố vui, bói toán.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook, sẽ được cấp quyền khai thác dữ liệu của người dùng. Do đó, nếu như người chơi cứ vô tư cung cấp thông tin cá nhân lên mạng sẽ dẫn tới nguy cơ bị các ứng dụng này khai thác dữ liệu (thông tin cá nhân, hình ảnh).
Diệu Hiền, 28 tuổi, đầu bếp chính của một công ty tại TPHCM, cho biết cô dùng mạng xã hội từ năm 2011 đến nay, xem Facebook như một kênh liên lạc với bạn bè ở quê cũng như mở rộng thêm các mối quan hệ xã hội. “Còn chuyện bảo vệ dữ liệu cá nhân phải do Facebook lo chứ vì tôi dùng dịch vụ của họ mà!”, Diệu Hiền nói với Sài Gòn Tiếp Thị.
Cô gái người Đồng Tháp này cho biết thêm, thỉnh thoảng cô cũng chơi các trò đổi avatar theo nhân vật, chẳng hạn như Võ Tắc Thiên, hay click vào trò chơi Bạn trông như thế nào… Với cô, tất cả chỉ để cho vui, chẳng việc gì phải suy nghĩ sâu xa cho mệt đầu, những gì cô đăng trên trang thường là những dòng tâm trạng vu vơ, ảnh đi chơi với bạn bè. “Bản thân tôi là người bình thường, có phải người nổi tiếng đâu mà sợ”, Diệu Hiền nói.
Nam Khôi, 18 tuổi, sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng việc dùng mạng xã hội là một nhu cầu tất yếu của xã hội ngày nay. Đó là nơi mọi người có thể chia sẻ hình ảnh, nhắn tin, hay đơn giản chỉ là để cập nhật tin tức từ bạn bè. Thi thoảng anh cũng đổi ảnh đại diện theo một sự kiện hay trào lưu nào đó. “Vì đây là dịch vụ mạng xã hội, nên vấn đề bảo mật mình cũng không quan tâm lắm, cứ để cho Facebook “lo” thôi!”, Nam Khôi nói.
Cũng có người cho rằng, chức năng bảo mật trên mạng xã hội có thể bảo vệ tài khoản không bị người ngoài xâm nhập nếu người chơi làm theo đầy đủ các bước bảo mật và thường xuyên kiểm tra email thông báo đăng nhập. Vấn đề là, chính mạng xã hội thiếu tôn trọng người chơi, mang thông tin người dùng cho bên thứ ba. Nói như Tuấn Cường, 27 tuổi, lập trình viên, thì chuyện này đâu phải bây giờ mới diễn ra.
Tuy nhiên cũng có những người dùng mạng xã hội khá thận trọng, chẳng hạn như Bích Diệp, 25 tuổi, chuyên viên tài chính ngân hàng. Cô chơi Facebook, cũng làm đủ các bước bảo mật của mạng xã hội này, mặc dù ít đổi mật khẩu. “Tôi không lo lắng nhiều về chuyện bảo mật vì tôi cực kỳ hạn chế đưa thông tin cá nhân. Theo tôi, đó là chốn công khai, thị phi, nên cách tốt nhất là giữ kín những thông tin cá nhân quan trọng như ngày sinh, địa chỉ thư điện tử (email) và số điện thoại”, Bích Diệp cho biết.
Theo một nghiên cứu toàn cầu của hãng bảo mật Kaspersky Lab và công ty nghiên cứu thị trường Toluna, có 21% người dùng đã từng theo dõi người yêu cũ thông qua các tài khoản trực tuyến mà họ từng truy cập vào. Đây chỉ là sự bắt đầu khi các rủi ro riêng tư đi kèm với những người dùng sau khi chia tay người yêu.
Sự riêng tư của người dùng thiết bị di động hoặc máy tính đang trở thành một khái niệm ngày càng trở nên lỏng lẻo trong thế giới số, và các mối quan hệ riêng tư đã khiến cho điều kiện bảo mật thông tin cá nhân trở nên kém hơn. Cụ thể, có tới 70% số cặp đôi đã chia sẻ mật khẩu (password), mã PIN hoặc dấu vân tay (Touch ID) để truy cập thiết bị cá nhân của họ và 26% lưu trữ một số dữ liệu thân mật ngay trên thiết bị của đối phương như tin nhắn, hình ảnh riêng tư.
Hay tự bảo vệ?
Anh Lê Bảo Long, quản trị diễn đàn công nghệ VOz, cho rằng không phải người dùng không quan tâm tới việc bảo mật, nhưng phần đông là do sự hiểu biết của họ về việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng có giới hạn. Thậm chí có người còn chưa hiểu rằng việc bảo mật thông tin cá nhân quan trọng như thế nào. Với những người rành kỹ thuật, có hiểu biết công nghệ thì đơn giản, còn người dùng bình thường chỉ quan tâm đến thao tác sử dụng như thế nào thôi.
Ông Thắng của Athena ví von, việc này giống như sự cố cháy chung cư Carina (quận 8, TPHCM) vừa rồi. Lúc xảy ra chuyện người ta mới nháo nhào, đổ xô đi học các kỹ năng thoát hiểm, tự trang bị các công cụ bảo vệ mình. Sự cố rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng xã hội vừa qua cũng như vậy, do người dùng chưa thực sự có đầy đủ kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, chưa ý thức rằng thông tin có giá trị như thế nào nên họ không quan tâm đến việc này.
Theo các chuyên gia, chiếc điện thoại thông minh (smartphone) lưu trữ các loại tài khoản nên phải “ôm” khư khư bên mình. Người dùng không chỉ cài mật khẩu đăng nhập mà còn phải tính đến việc đăng nhập bằng vân tay, mống mắt… Người dùng nên cẩn trọng khi tham gia các trò chơi (game) giải trí theo lời mời của bạn bè trong danh sách liên hệ trên mạng xã hội. Các game này thường yêu cầu cho phép truy cập, sử dụng danh sách bạn bè để tiếp tục phát tán lời mời chơi game. Đặc biệt, cần lưu ý tới việc tải về các ứng dụng hoặc tiếp nhận các lời cảnh báo trên trang web… Có khi ứng dụng tải về không có mã độc, sau đó người dùng mới bị “dính” mã độc do hacker gửi kèm qua các thông tin cảnh báo.
Trên thực tế đã xảy ra trường hợp tấn công thông qua việc tải ứng dụng di động. Kịch bản tấn công như thế này: đầu tiên, hacker đưa các ứng dụng sạch kiểu như lịch vạn niên, đèn pin, la bàn… lên kho ứng dụng để mọi người tải về. Sau đó, ứng dụng này sẽ phát ra cảnh báo an ninh như điện thoại bị nhiễm mã độc hoặc tốc độ điện thoại bị chậm… kèm theo hướng dẫn. Theo chuyên gia bảo mật, thực chất đây là những cảnh báo giả mạo. Nếu người dùng làm theo, điện thoại sẽ nhiễm virus, bị chiếm quyền điều khiển và bị ăn cắp mật khẩu tài khoản mạng xã hội.
Do đó, nếu không quá cần thiết phải cài đặt các ứng dụng giải trí thông qua mạng xã hội, người dùng nên hạn chế cung cấp thông tin cá nhân cho các ứng dụng này. Về mặt tương tác trên mạng xã hội cũng thế, không nên “chất” những thứ riêng tư lên mạng (hình ảnh gia đình, ảnh chụp thẻ ngân hàng, hộ chiếu…) hoặc chia sẻ rộng rãi các thông tin cá nhân qua mạng xã hội. Để an toàn trên không gian mạng, người dùng nên sống “khép mình” một chút, chỉ nên chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng xã hội nếu thực sự cần thiết.
Lê Nguyễn Quỳnh Như, 17 tuổi, học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh
Tôi từng gặp rắc rối khi đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội, nhất là khi cung cấp số điện thoại và địa chỉ trường học để mua hàng trực tuyến trên các fanpage.
Sau khi đọc thông tin Facebook làm lộ thông tin người dùng, tôi cũng cảm thấy lo lắng, vì vậy từ giờ tôi sẽ hạn chế đưa thông tin riêng tư lên mạng, nhất là số điện thoại, số thẻ căn cước...
Tôi cũng chú ý hơn khi đăng tải những dòng trạng thái, hình ảnh liên quan đời sống cá nhân, hoạt động thường ngày, hạn chế “check in” địa điểm mình đang có mặt.
Nguyễn Thị Thùy Dung, 28 tuổi, nhân viên văn phòng
Thật sự, tôi không lo lắng nhiều về vụ việc Facebook làm rò rỉ thông tin người dùng vừa qua, nhưng tôi nghĩ người dùng mạng xã hội nên cẩn thận hơn trong việc sử dụng nó.
Những thông tin mang tính cá nhân như ngày sinh, email, số điện thoại, địa chỉ nhà và nơi mình đang đến… cần hạn chế đưa lên Facebook. Đối với tin nhắn, những thông tin tài khoản, mật khẩu… không nên trao đổi qua tin nhắn Facebook. Ngoài ra, những hình ảnh về gia đình, con cái, trường con học... cũng cần cân nhắc khi đăng lên mạng.
Riêng những ứng dụng của bên thứ ba, có vẻ giống như trò giải khuây như “kiểu tóc nào hợp với bạn”, “bạn là nhân vật nào trong phim”… thường yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc muốn truy cập hình ảnh, trang cá nhân của người dùng, vì vậy tốt nhất là không tham gia những ứng dụng này.
Huỳnh Nhân, nhà báo
Sau sự cố vừa qua của Facebook, tôi vẫn nghĩ là mình sẽ vẫn sử dụng Facebook. Theo tôi phản ứng bỏ Facebook là hơi cực đoan, bởi lợi ích của mạng xã hội này mang lại nhiều hơn thế.
Chúng ta cần cẩn trọng trong việc sử dụng, chia sẻ thông tin trên đó hơn là từ bỏ nó. Hơn nữa, việc bán thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ ba, không phải chỉ giờ mới xảy ra và xảy ra với mỗi Facebook. Chúng ta dùng rất nhiều phần mềm, ứng dụng, mạng xã hội trên Internet. Mỗi khi đăng ký tài khoản là mỗi lần chúng ta cung cấp thông tin của mình cho một người khác. Mọi thứ không hề miễn phí, và chúng ta phải chấp nhận sự rủi ro này.
Mỗi khi sử dụng tính năng mới trên mạng xã hội, tôi nghĩ người dùng cũng phải cân nhắc. Ví dụ như khi chia sẻ hình ảnh, chúng ta thường nhận được câu hỏi có cho phép phần mềm truy cập vào kho ảnh trên điện thoại? Hay như để thêm bạn bè, Facebook thường hỏi có kết nối messenger với danh bạ điện thoại? Họ luôn đưa câu hỏi và chúng ta là người lựa chọn. Chúng ta nhấn Ok nghĩa là đồng ý để họ truy cập vào “nhà” mình.
Một vấn đề khác, ngay cả khi không chơi mạng xã hội thì thông tin vẫn bị rò ra ngoài đó thôi. Chúng ta chẳng phải vẫn hay bị các công ty môi giới bảo hiểm, nhà đất gọi tới làm phiền. Số điện thoại, thông tin họ tên của mình, ở đâu họ có?
Tóm lại, quan điểm cá nhân tôi là sẽ không xoá bỏ tài khoản Facebook và đó không phải là cách làm căn cơ để bảo vệ thông tin cá nhân của mỗi người. Quan trọng là mình phải cẩn trọng, phải biết cách dùng.
Tôi không bao giờ “check in” địa chỉ nhà của mình hay người thân, không chụp hình các giấy tờ cá nhân đưa lên mạng xã hội, không chụp hình vé máy bay....
Trên Facebook có nhiều trò quick test mà không rõ ràng nhà phát hành. Quick test là trò chơi kiểu: nếu không làm nghề này thì làm nghề gì, bạn hợp với mẫu người yêu nào... Tôi không bao giờ tham gia game này. Bởi để có kết quả trên quick test, chúng ta phải trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến đời tư, chẳng hạn như sở thích cá nhân, lựa chọn của mình trước một vấn đề... Nhiều người nghĩ nó đơn giản, chuyện nhỏ thôi nhưng tất cả đó là thông tin cá nhân của mình.
Thảo Liên, nhân viên văn phòng (phụ trách truyền thông) ĐH Luật TPHCM
Với tôi, Facebook là một nơi để mọi người bày tỏ quan điểm. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên kiểm tra lại tất cả ý kiến, thông tin và tách bạch mạng ảo với đời thực.
Tôi cũng không bao giờ chia sẻ thông tin về mình và gia đình trên Facebook. Tôi chỉ follow người khác để theo dõi thông tin thôi. Tất cả nhằm đảm bảo thông tin của mình không bị xâm phạm.
Còn về chuyện có nên từ bỏ Facebook hay không sau sự cố rò rỉ thông tin của 50 triệu tài khoản, tôi vẫn đang cân nhắc. Hiện nay có rất nhiều mạng xã hội khác thay thế cũng như có nhiều ứng dụng kết nối, nhắn tin, gọi miễn phí, chứ ko riêng gì Facebook. Nhưng khi tham gia bất kỳ ứng dụng và mạng xã hội nào, tôi cũng phải cung cấp cho họ những nội dung về cá nhân như ngày tháng năm sinh, quê quán, số điện thoại... Do vậy, khả năng bị rò thông tin cá nhân ra ngoài vẫn có.
Tuy nhiên, nếu việc từ bỏ của tôi (và nhiều người khác) sẽ giúp cộng đồng đòi hỏi được tính minh bạch trong sử thông tin người dùng của Facebook thì tôi sẵn sàng.