Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Chơi Vespa cổ như cái nghiệp

Dân chơi Vespa cổ ngoài niềm đam mê, họ còn phải tốn nhiều thời gian, công sức để đi săn lùng, tìm kiếm từng món phụ tùng và có lẽ chỉ những người đam mê thật sự mới hiểu hết giá trị “nghệ thuật” của những chiếc xe này.

Ra đời vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, Vespa của Ý du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1950 và được người Việt nhiệt tình đón nhận. Thời đó, chỉ có giới thượng lưu và các công chức lắm tiền mới sở hữu được dòng xe Vespa. Đến năm 1980 thì dòng xe này bị “thất sủng” bởi giai đoạn đó nước ta còn nhiều khó khăn, nhiều người không đủ điều kiện đổ xăng vì xe “uống” xăng khá nhiều. Hơn nữa, các dòng xe nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu của Nhật nhập về nên nó bị “trùm mền” chờ ngày bán sắt vụn. Mãi đến vài năm gần đây, dòng xe một thời vang bóng đó lại được “hồi sinh”. Mỗi người có một sự đam mê và mục đích khác nhau. Người thì mê những đường cong thẩm mỹ, chi tiết mềm mại đầy nghệ thuật của xe, người khác lại ghiền cái tiếng nổ “phạch phạch”...

Nghề chơi cũng lắm công phu

Những chiếc xe cũ được ông Hòa phục chế như xe mới.
Những chiếc xe cũ được ông Hòa phục chế như xe mới.

Ông Lê Minh Hùng, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM cho biết: “Tôi mê xe này từ hồi còn thanh niên. Mãi đến khi có công việc ổn định, có thu nhập tôi bắt đầu mua chiếc xe đầu tiên là chiếc Vespa Standard, sau nữa là chiếc Vespa Super. Làm có bao nhiêu tiền tôi dành hết cho việc sửa chữa, lên đời xe. Tôi cưng xe còn hơn bản thân mình, ngày nào đi về tôi cũng chùi rửa cẩn thận rồi mới đưa vào kho trùm mền lại”. Kể xong, ông cười khà khà chỉ hai chiếc Vespa của mình rồi kể tiếp: “Giờ ngồi nghĩ lại tôi cũng không hiểu sao mà mình mê nó tới vậy. Tôi mê xe đến nỗi quên luôn chuyện lấy vợ, ông bà già tôi sợ tôi ế nên nhờ mai mối rồi bắt tôi đi coi mắt người ta”. Nhưng cứ đến giờ chuẩn bị đi coi mắt, ông bà già chuẩn bị cửa trước, ông Hùng dắt “em này” (ý nói chiếc Vespa Standard) bỏ trốn cửa sau dạo phố. Vài lần như vậy, ông bà già chịu hết nổi dọa từ mặt, ông Hùng mới chịu lấy vợ! Hỏi, giờ nếu có ai đó muốn mua những chiếc xe của ông với giá cao, ông bán không? Ông lắc đầu bảo: “Tôi chơi xe này vì mê chứ không phải kinh doanh, nên giá cao bao nhiêu cũng không bán. Chỉ khi nào già yếu không còn dắt xe được tôi mới sang nhượng lại cho những người có cùng đam mê giống mình”.

Ông Trần Ngọc Hòa, chủ tiệm sửa xe Hoàng Vespa đang phục chế xe Vespa cho khách hàng.
Ông Trần Ngọc Hòa, chủ tiệm sửa xe Hoàng Vespa đang phục chế xe Vespa cho khách hàng.

Anh Đỗ Anh Tú, chủ quán cà phê The Vintage ở hẻm 167, đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh cũng là tín đồ của dòng Vespa cổ cho biết:

“Mê xe từ thời sinh viên nhưng đến khi ra trường tôi mới có điều kiện mua chiếc Vespa cổ làm phương tiện đi lại, vừa thỏa mãn đam mê của mình”. Và nay, Tú đang có năm chiếc xe cổ các loại.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, thành viên Câu lạc bộ Vespa cổ Sài Gòn, người có hơn 20 năm gắn bó với xe Vespa cổ cho hay: “Hồi còn trẻ tôi mê xe này lắm. Nhưng lúc đó làm gì có tiền mà mua, vì một chiếc xe Vespa hồi đó có giá ngang với xe hơi bây giờ. Chỉ sau này, dòng xe này rẻ đi tôi mới mua một chiếc. Mà khi đã chơi dòng xe này là ghiền không dứt ra được”.

Người phục chế cũng lắm đam mê

Dàn xe Vespa cổ ở tiệm sửa xe Hiệp Lực.
Dàn xe Vespa cổ ở tiệm sửa xe Hiệp Lực.

Nói đến Vespa cổ, có nhiều chiếc chỉ còn là... đống sắt vụn. Thế mà qua tay những bậc thầy phục chế, chiếc xe sẽ thành nguyên bản như vừa xuất xưởng. Trong nghề phục chế xe Vespa cổ hiện nay, khá nhiều người đam mê xe biết tiếng ông Trần Ngọc Hòa, chủ tiệm sửa xe Hoàng Vespa nằm trên đường quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh.

Ông Hòa dáng người nhỏ nhắn, mái tóc điểm bạc cùng nước da ngâm đen mang đậm nét của người khắc khổ, từng trải. Nhưng ông có cách nói chuyện lôi cuốn, cởi mở và nụ cười luôn nở trên môi. Bên ly cà phê đá, ông rít từng hơi thuốc rồi bắt đầu kể về nghề phục chế Vespa đã gắn liền với ông hơn 30 năm qua. Năm 1976 do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ ông Hòa đưa cả gia đình vào vùng kinh tế mới ở gần hồ Trị An (Đồng Nai) lập nghiệp. Làm đầu tắt mặt tối nhưng cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình ông. Đến năm 15 tuổi, tình cờ có một người quen giới thiệu, ông xin học nghề tại một tiệm sửa xe Vespa với mục đích kiếm cái nghề để mưu sinh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là kiếm cái nghề nuôi sống bản thân. Ai ngờ học được một thời gian tôi lại ghiền cái tiếng nổ phạch phạch và làn khói trắng tuôn ra từ ống pô như những cuộn mây khiến tôi mê lúc nào không hay”, ông Hòa nhớ lại.

Ông Trần Văn Hiệp, chủ tiệm sửa xe Hiệp Lực. Ảnh: Tấn Phú
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tiệm sửa xe Hiệp Lực. Ảnh: Tấn Phú

Với bản tính cần cù, giỏi chịu đựng, ông được chủ tiệm thương tình chỉ bảo hết lòng. Năm năm học nghề, ông chứng kiến không biết bao nhiêu người thợ vì không trụ nổi đã bỏ nghề, chỉ còn lại mình ông. Mãi đến năm 1987 khi thấy tay nghề mình đã cứng, ông xin phép thầy ra mở tiệm riêng cho đến nay.

“Làm nghề này nó lạ ở chỗ là càng làm càng thích. Nhưng thích nhất là những chiếc xe cũ nát do mình phục chế xong, giao cho khách hài lòng là mình thấy hạnh phúc”, ông chia sẻ. Tay nghề cao, có uy tín nên dân chơi Vespa cổ biết đến ông nhiều. Mới đây ông vừa phục chế thành công chiếc Vespa 98 hay còn gọi là Prototype MP5 được hãng Piaggio sản xuất vào năm 1946. Được biết, đây là chiếc xe Vespa cổ nhất Sài Gòn được ông phục chế, nhờ xem hình ảnh trên mạng và tự tìm tòi sáng tạo theo kinh nghiệm riêng.

Ngoài việc sửa và phục chế xe, ông còn đi lùng mua Vespa cũ, sau đó tân trang rồi bán lại cho những người có nhu cầu. Khách hàng của ông không chỉ người trong nước mà còn có cả các nước như Pháp, Úc, Hàn Quốc.

Ngoài tiệm ông Hòa, còn một tiệm chuyên sửa chữa, phục chế cũng được nhiều dân chơi Vespa cổ biết đến là tiệm sửa xe Hiệp Lực của ông Trần Văn Hiệp ở số 967 Hoàng Sa, quận Phú Nhuận, TPHCM. Đến tiệm của ông, khách sẽ được tư vấn cách bảo trì và bảo quản xe miễn phí. Ngoài ra, đây còn là nơi mua bán xe Vespa cổ nổi tiếng Sài Gòn với nguồn cung dồi dào trên dưới 20 chiếc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất.

Tấn Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối