(SGTT) - Chọn được một chiếc ba lô đúng chuẩn khi đi leo núi hay du lịch dã ngoại sẽ giúp bạn di chuyển thoải mái ở bất kỳ địa hình nào và hỗ trợ rất nhiều cho bạn trong chuyến đi.
- Bỏ phố vô rừng: trải nghiệm vô giá khi về với thiên nhiên
- Trải nghiệm cắm trại bằng xe ô tô qua 4.000km
Ba lô quan trọng như thế nào khi mang vác và di chuyển
Trong mỗi chuyến đi việc chọn một chiếc ba lô phù hợp là rất quan trọng, nếu ba lô quá lớn thì người sử dụng sẽ được nhiều vật dụng, nhưng kèm theo đó là một trọng lượng lớn khiến bạn cảm thấy khó khăn trong việc đi lại, còn nếu ba lô quá nhỏ lại không phù hợp vì không để đủ được vật dụng cá nhân cho một chuyến đi dã ngoại.
Hầu hết thời gian di chuyển người leo núi, đi du lịch phải đeo ba lô, nếu đó là một cái ba lô không đúng tiêu chuẩn hay kích cỡ thì có thể khiến biến dạng cột sống, lệch vai và dễ khiến bạn bị đuối sức trên đường di chuyển.
Chọn cho mình một cái ba lô tốt đúng loại, đúng chức năng và phù hợp với cơ thể người mang, vì ngoài kiểu dáng và màu sắc ra, những loại ba lô đi leo núi hay dã ngoại còn có những điểm hỗ trợ người mang mà không phải ai cũng hiểu, sử dụng và khai thác được hết.
Chọn ba lô nào để phù hợp với mỗi người
Chị Kim Xuân, chủ cửa hàng chuyên bán đồ du lịch ở quận 3, TPHCM chia sẻ: “Trước tiên, bạn cần phải xác định độ dài của chuyến đi, từ đó bạn sẽ dễ dàng lựa chọn được loại ba lô phù hợp. Nếu như chuyến đi của bạn là chuyến đi trong ngày thì loại ba lô có thể tích (lít) 20 lít sẽ là ưu tiên số một, còn với chuyến đi ngắn ngày thì nên chọn loại ba lô có thể tích khoảng từ 30 đến 40 lít, còn với chuyến đi có hành trình dài trên ba ngày, thì nên chọn loại có thể tích từ 50 đến 70 lít”.
Cấu tạo của ba lô sử dụng để đi du lịch dã ngoại thường thiết kế phổ biến là dài dọc theo lưng người mang, mục đích là giúp ba lô của bạn ôm sát lưng và trọng lực được dồn thẳng xuống dưới.
Mặt lưng của ba lô nên chọn loại có phần khung chắc chắn (kim loại, các vật liệu tổng hợp), sẽ giúp ba lô thẳng, cứng cáp hơn, giúp cho đồ đạc sẽ được cố định khi di chuyển, chị Xuân cho biết thêm.
Về phần quai đeo và đai trợ lực của ba lô chọn loại êm và chắc chắn, đồng thời chất liệu phải thông thoáng, thoát mồ hôi, vì ba lô phải chứa tất cả đồ dùng cho cả chuyến đi, với khối lượng đồ lớn và phải đi quãng đường xa thì phải có một chiếc dây đeo đủ khỏe để gánh đồ và phải đủ êm để thoải mái đeo cho cả quãng đường.
Chị Kim Xuân cho biết: “Với ba lô thường thì thường điểm chịu lực sẽ là phần vai, nhưng đối với ba lô leo núi thì được thiết kế để phân tán đều trọng lực trên lưng và điểm chịu lực nhiều nhất là ở phần hông, phần này chịu đến 80% trọng lượng ba lô, phần quai đeo ở vai chỉ giúp ba lô khỏi ngửa ra sau, giúp bạn di chuyển thật dễ dàng”.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lựa chọn ba lô có chất liệu là vải dù hay kháng nước, đối với màu thì nên chọn màu nổi bật, để có thể dễ dàng nhìn thấy nhau khi di chuyển trong những khu vực khuất tầm nhìn, cũng như chọn lựa ba lô có nhiều ngăn nhỏ, nhiều túi và dây hỗ trợ.
Chị Xuân bật mí, thường khi khách đến cửa hàng mua đồ, chị sẽ giúp khách hàng đo chiều dài lưng để lựa chọn ba lô phù hợp với kích cỡ lưng của khách, bởi việc này rất quan trọng.
“Phần lưng của bạn và chiều dài ba lô phải phù hợp với nhau, sẽ giúp bạn thoải mái hơn, tránh trường hợp ba lô quá nhỏ khiến lưng bị bó lại hay ba lô quá to sẽ không được cố định, thường thì đai trợ lực sẽ nằm ở phần ngực và hông, ba lô sẽ không được cao quá đầu”, chị Xuân cho biết thêm.
Sử dụng và sắp xếp đồ trong ba lô cho phù hợp
Còn với anh Võ Viết Tâm ở TPHCM, một người thường xuyên đi du lịch dã ngoại chia sẻ kinh nghiệm khi sử dụng ba lô: “Khi mang vác ba lô, bạn phải mở rộng quai đeo vai ba lô, mở hết các khoá cài, sau đó nhẹ nhàng đưa ba lô lên lưng và đeo vào vai”.
Sau đó, người mang sẽ kiểm tra và khóa đai hông, phải lưu ý vị trí của đai hông là nằm trên điểm cuối của lưng, trên hai đỉnh xương chậu của chúng ta, sau đó siết dây trợ lực hông và vai, điều chỉnh đến khi đạt cảm giác thoải mái và chắc chắn nhất, để có được cảm giác tốt nhất.
Cách anh Tâm sắp xếp đồ trong một chuyến đi thường sẽ được anh phân chia sao cho phù hợp và thuận tiện nhất, phân theo món đồ ít sử dụng và thường hay sử dụng.
Đáy ba lô thường sẽ được túi ngủ đệm ngủ, gối, võng bởi vì đây là đồ chỉ dùng đến khi đã chọn được điểm hạ trại và nghỉ tối.
Khoảng giữa ba lô là những món đồ nặng như đồ ăn, nước dự trữ, bộ đồ nấu ăn, nên xếp đồ sát vào phần lưng để tải trọng tốt nhất. Những thứ mềm và nhẹ hơn sẽ được anh Tâm chèn xung quanh như quần áo, tấm trải lều, vì theo anh Tâm việc này sẽ giúp ba lô chắc hơn, tiết kiệm diện tích và đồ đạc sẽ không bị xáo trộn khi chúng ta di chuyển.
Tiếp theo, trên cùng của ba lô sẽ là các món đồ nhẹ như khăn mũ, đèn pin, lương khô, túi cứu thương, la bàn và đồ trong ba lô nên xếp riêng các món đồ cùng loại vào các túi nhỏ để tránh lẫn lộn.
Anh Tâm cho biết, những vật dụng nhẹ và thường hay sử dụng sẽ được sắp xếp ở các ngăn ngoài và ở vị trí phù hợp dễ lấy, để khi trường hợp khẩn cấp có thể lấy ra nhanh nhất có thể.
Đối với dây buộc đồ hỗ trợ ngoài ba lô, anh sẽ buộc lều trại vào dây đáy, gậy leo núi, cưa tay vật sắc nhọn sẽ móc vào các dây đai hỗ trợ dọc ba lô.
Minh Hoàng