Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024

Chộn rộn nhân sự ngành bán lẻ

HÙNG LÊ - 

Cùng với việc tăng trưởng nhanh của kênh bán lẻ hiện đại, tình hình nhân sự ở các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cũng thay đổi theo. Chỉ có điều, những người làm trong lĩnh vực này thường nhảy việc từ nhà bán lẻ này qua nhà phân phối đối thủ, chứ ít khi đổi hẳn sang việc khác.

Mời chào

banleCùng với việc tăng trưởng nhanh của kênh bán lẻ hiện đại, tình hình nhân sự ở các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cũng thay đổi theo.  Ảnh: Thành Hoa

Đang giữ vị trí trưởng phòng tại một hệ thống bán lẻ châu Âu ở Việt Nam, T. quyết định chuyển sang làm việc ở một hệ thống siêu thị Hàn Quốc kể từ khi nhà bán lẻ đến từ xứ kim chi này khai trương siêu thị đầu tiên ở TPHCM vào cuối năm rồi. T. cho biết, anh rời bỏ công ty cũ vì muốn thử thách mình ở một môi trường làm việc hoàn toàn mới, và điều quan trọng hơn là mức lương tại công ty mới cao hơn gấp rưỡi so với công ty anh đã làm việc được gần 10 năm trước đó. Ở công ty mới, văn hóa làm việc khác với doanh nghiệp châu Âu, thử thách cũng nhiều hơn nhưng anh T. cho rằng sự lựa chọn của mình là đúng.

Còn H., người có thâm niên tám năm ở vị trí trưởng phòng ngành hàng ở một siêu thị lớn tại TPHCM, cho biết chị thường xuyên nhận được lời mời chào của các công ty săn đầu người nhằm đầu quân cho một doanh nghiệp bán lẻ mới gia nhập thị trường, mặc dù chị chưa có ý định thay đổi chỗ làm việc. Bên tuyển dụng hứa hẹn, về công ty mới chị vẫn ở vị trí cũ nhưng lương sẽ được tăng gấp rưỡi, còn chế độ đãi ngộ ít nhất giống như công ty hiện tại hoặc hơn. Trước lời đề nghị hấp dẫn đó, chị đang suy nghĩ, cân nhắc có nên ra đi hay không.

Những trường hợp như anh T. và chị H. không phải hiếm trong bối cảnh các nhà bán lẻ trong và ngoài nước như Lotte, Aeon, Saigon Co.op đang mở rộng hệ thống kinh doanh. Trong khi đó, các nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường như Emart, Vingroup, Ministop, B’s Mart… cũng đang nỗ lực gia tăng thị phần trước các đối thủ. Cuộc chạy đua này đang làm cho ngành bán lẻ cạnh tranh không chỉ dừng ở thị phần mà còn ở khâu nhân sự.

Thực tế cho thấy, hai năm nay ngành bán lẻ đã chứng kiến các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) với quy mô lớn, khiến nhân sự trong ngành này cũng thay đổi theo. Do đó, nhu cầu tuyển dụng của nhà kinh doanh cũng như người lao động muốn chuyển sang hệ thống bán lẻ khác đặc biệt là ở cấp quản lý cũng tăng đáng kể. Theo các doanh nghiệp bán lẻ, một khi nhân sự ở những vị trí chủ chốt này ra đi, họ sẽ kéo theo một “ê kíp” làm việc chung với mình đi theo, gây khó khăn cho những chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ không chú ý đến việc đãi ngộ để giữ chân người lao động.

Nhảy qua, nhảy lại

Một số công ty săn đầu người cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thường tuyển nhân sự có kinh nghiệm nên việc tìm kiếm được ứng viên phù hợp là không hề dễ dàng. Những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao gồm giám đốc siêu thị, giám đốc tiếp thị, trưởng ngành hàng, giám sát bán hàng, trưởng phòng thu mua, trưởng phòng công nghệ thông tin. Do vậy, trong thời gian tới, cuộc chiến giành nhân sự cấp cao giữa các đối thủ trên thị trường bán lẻ sẽ còn diễn ra gay gắt.

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ lâu năm cho rằng, ngành bán lẻ trong nước hiện chưa có một trường lớp nào được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Phần lớn các nhà kinh doanh phải tuyển dụng những người học ở những lĩnh vực, ngành khác vào làm hoặc đào tạo lại. Những nhân sự này làm lâu năm ở môi trường bán lẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm mà phát triển. Do vậy, đa số những nhà bán lẻ nước ngoài hoặc doanh nghiệp phân phối mới tham gia thị trường thường tuyển những người  có kinh nghiệm trong ngành với mức lương và chế độ hấp dẫn, khiến nhiều doanh nghiệp mất lao động.

Cũng theo doanh nghiệp này, kênh bán lẻ hiện đại trong nước chiếm khoảng 25% của ngành bán lẻ. Ai dẫn đầu thị trường sẽ có “quyền lực” lớn trong nhiều vấn đề, đáng chú ý là khâu thương lượng với nhà cung cấp hàng hóa để có giá cạnh tranh nhất. Một siêu thị, trung tâm thương mại mới ra đời cần đến 300-500 lao động. Đây luôn là thách thức đối với giám đốc nhân sự của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, giám đốc của một công ty cung ứng lao động lớn tại TPHCM nhận định so với nhiều ngành khác, ngành bán lẻ hai năm qua có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Doanh nghiệp mới thường đưa ra mức thu nhập hoặc chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân sự của các công ty đối thủ. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động dễ bị lung lay tinh thần, bỏ việc ở những đơn vị cũ. Vị này dự báo tình hình tuyển dụng nhân sự của ngành này tiếp tục cao trong 2-3 năm tới, và lao động của ngành bán lẻ có khả năng chuyển dịch từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác hoặc vào tay đối thủ của mình, vì lực lượng kế thừa và nhân tố mới cho ngành này hiện cũng không nhiều.

Để có được đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu công việc thì doanh nghiệp phải tự đầu tư đào tạo và đào tạo lại. Chẳng hạn, hệ thống bán lẻ Big C Việt Nam mỗi năm phải chi hàng tỉ đồng để đào tạo nguồn nhân lực. Đại diện phòng nhân sự của Big C Việt Nam cho biết hệ thống siêu thị này có khoảng 9.000 nhân viên, làm việc tại hơn 30 trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc. Các ngành nghề tuyển dụng tại Big C khá đa dạng, từ quản lý thương mại, thu mua, kế toán, nhân sự, kiểm soát tài chính, kế toán, quản trị hệ thống, hậu cần, quản lý chất lượng…

Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn liên kết với các trường đại học và trung tâm đào tạo, chẳng hạn như Trung tâm Đào tạo Quản lý Pháp-Việt với chương trình Mini MBA Giám đốc Siêu thị Trẻ, quản trị bán lẻ… với kinh phí lên đến hàng tỉ đồng nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ của mình.

Tuy nhiên, trường hợp bỏ tiền đầu tư vào lực lượng nhân sự hàng năm này như Big C Việt Nam vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và chỉ đáp ứng cho riêng cho siêu thị này. Một số công ty săn đầu người đánh giá, trong thời gian tới việc cạnh tranh tuyển dụng lao động nhân sự cấp cao, cấp quản lý của ngành này sẽ còn tiếp diễn. Việc trả lương cao chỉ mới giải quyết bài toán trước mắt của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối