Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra tuần rồi ở New York dưới sự chủ trì của Liên hiệp quốc có sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng hàng trăm CEO các công ty lớn.
Vấn đề về khí nhà kính, trái đất nóng lên, ô nhiễm không khí và nguồn nước, biến đổi khí hậu dẫn đến biến đổi về sức khỏe con người, động thực vật… đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong một cuộc khảo sát gần đây do The New York Times và CBS News phối hợp tổ chức, 58% dân Mỹ cho rằng môi trường là mối quan tâm hàng đầu của họ, nhiều hơn so với phát triển kinh tế hay đảm bảo an ninh.
Hội nghị đã đạt được những bước tiến quan trọng. Hơn 40 công ty, trong đó có Kellogg, L’Oreal, Nestlé, đã ký một tuyên bố sẽ giảm phá rừng xuống còn một nửa vào năm 2020 và chấm dứt vào năm 2030. Để có nguồn nguyên liệu như dầu nành, dầu cọ..., các công ty này đã góp phần tàn phá nhiều khu rừng nguyên sinh trong các năm qua.
Các công ty công nghệ như Apple, Google, Facebook không ký tuyên bố vì ngành của họ ít kết nối với sự phá rừng cũng cam kết góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay gió nhiều hơn cũng như buộc các nhà cung cấp của họ phải tuân thủ quy định về khí thải carbon.
Động thái quan trọng nhất giữa các công ty toàn cầu là tuyên bố của Rockerfeller Brothers Fund về việc bán khối tài sản trị giá 50 tỉ đô la Mỹ được xây dựng dựa trên việc khai thác nguồn năng lượng hóa thạch của họ trong nỗ lực đấu tranh chống biến đổi khí hậu. “Việc một gia đình xây dựng đế chế của họ trên các mỏ dầu nói lời tạm biệt với năng lượng hóa thạch là một dấu ấn quan trọng”, người phát ngôn Tổ chức Hòa bình xanh Canada nhận xét.
Pháp và một số nước EU như Đan Mạch, Thụy Sỹ hứa đóng góp mỗi nước 1 tỉ đô la vào quỹ khí hậu toàn cầu để giúp các nước đang phát triển thiết lập những chương trình giảm khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch.
Tầm này năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ giảm 30% lượng khí thải carbon gây ô nhiễm vào năm 2030. Tại New York năm nay, ông Obama đang ráo riết gây sức ép lên Trung Quốc để quốc gia đông dân nhất thế giới này thực hiện điều tương tự. Lượng khí thải carbon của Trung Quốc tăng 4,2% vào năm ngoái, khiến cho lượng khí thải carbon trên toàn cầu tăng 2,3%. Trung Quốc đang chiếm 28% tổng lượng khí thải carbon trên toàn cầu, bằng Mỹ và EU cộng lại.
Tuy những lời cam kết ở New York mạnh mẽ nhưng để đạt được hiệp định về lượng phát khí thải tại hội nghị ở Paris năm tới là chuyện chưa thể chắc chắn. Lần thương lượng gần đây nhất tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 không đi đến những thỏa thuận quan trọng.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ chuyến đi đến New York gửi đi một thông điệp thiếu nhiệt tình. Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tỏ sự hoài nghi về khoa học biến đổi khí hậu. Gần đây, người dân Úc bỏ phiếu đòi bãi bỏ thuế đánh vào khí thải carbon. Ấn Độ, nước xả khí ô nhiễm lớn thứ ba thế giới vẫn đang chống lại những sức ép từ bên ngoài đòi giảm sử dụng than đá. Không có những chính sách mới về năng lượng, Ấn Độ sẽ vượt cả Trung Quốc và Mỹ về lượng khí thải carbon trong những năm tới.
“Không có một chính sách khí hậu nào là win-win hết, sự đánh đổi là điều không thể tránh khỏi”, chương trình nghiên cứu “The New Climate Economy” nhận xét. Chương trình này được thực hiện bởi một ủy ban quốc tế do một số nước góp kinh phí nhằm có cái nhìn mới về nền kinh tế khi khí hậu bị biến đổi.
“Sức khỏe cộng đồng là cái lợi chung ai cũng thấy trong việc chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải carbon nhưng một nhóm tài phiệt lớn sẽ bị thiệt thòi trong việc không được sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, Zou Ji, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia về chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu Trung Quốc, nhận xét, “Các chính phủ cần phải phân bổ lại chi phí và lợi nhuận cho kẻ thắng người thua, và điều này không phải dễ”.
Đức có lẽ là quốc gia cam kết phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) mạnh mẽ nhất nhưng gần đây họ đã hụt hơi bởi hàng hóa của họ không có giá cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù giá thành của năng lượng tái tạo đã giảm 100% so với cách đây năm năm nhưng nó vẫn đắt hơn năng lượng hóa thạch.
“Nếu Trung Quốc và Ấn Độ thấy hiệu quả kinh tế hơn trong việc sử dụng hạt nhân, mặt trời và gió, tại sao họ vẫn xây dựng các nhà máy đốt than đá? Tôi nghĩ họ không dốt đâu. Họ đang nhìn vào nguồn cung nhiên liệu bản địa và nguồn cầu năng lượng để ra những quyết định hợp lý với họ”, Ted Nordhaus, Chủ tịch của Breakthrough Institute, một “think tank” (vựa tư duy) về phát triển và môi trường, nhận xét.
Thái Hà