Nguyễn Huy -
Trong đêm khai mạc Sỹ Hoàng show diễn ra cách đây chưa lâu, nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng chia sẻ rằng mục đích chính khiến anh đầu tư vào bảo tàng áo dài tại quận 9, TPHCM, cũng như Sỹ Hoàng show hàng đêm ngay tại trung tâm thành phố xuất phát từ niềm tự hào nền văn hóa dân tộc hơn là kinh doanh hướng tới lợi nhuận.
Không chỉ Sỹ Hoàng show hay bảo tàng áo dài, mà hiện nay một số loại hình văn hóa truyền thống được các nghệ sĩ tâm huyết đầu tư nhưng dường như khách nước ngoài quan tâm nhiều hơn là trong nước.
Tâm huyết
Nhạc cụ đàn đá là một điểm nhấn của rất nhiều chương trình nghệ thuật dân tộc.
Nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng kể, nhiều năm trước anh có dịp được mời vào một đoàn ca nhạc giao hưởng Việt Nam lưu diễn tại Nga, một trung tâm lớn của ca nhạc vũ kịch thế giới. Anh phụ trách công việc phục trang cho diễn viên của đoàn và hôm đó, tiết mục của nghệ sĩ Việt trình diễn được xếp cuối cùng và trong khi tất cả các đoàn khác đều trình diễn nhạc cụ phương Tây thì đoàn Việt Nam trình diễn nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ truyền thống. Anh cho biết, khi các nghệ sĩ Việt trình diễn, khán giả chăm chú lắng nghe. Lúc kết thúc, cả nhà hát đứng lên vỗ tay rất lâu, sau đó họ còn nán lại để trò chuyện cùng các nghệ sĩ Việt Nam để tìm hiểu thêm về các nhạc cụ Việt.
“Chứng kiến cảnh này tôi nhận ra rằng chúng ta có nền văn hóa rất đáng tự hào”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho biết thêm.
Điều đó chính là động lực để Sỹ Hoàng dốc sức đầu tư vào bảo tàng áo dài tại một khu đất xa trung tâm, tận quận 9. Nơi này trưng bày nhiều kiểu dáng áo dài qua các thời kỳ, lưu giữ nhiều tài liệu về lịch sử áo dài cùng rất nhiều cổ vật văn hóa Việt Nam. Hiện tại lượng du khách đến đây chưa đông, lợi nhuận thấp nên Sỹ Hoàng không thể trả lương cao cho nhân viên. Trong những lúc thiếu người làm việc, chính anh là người xoắn tay áo lên nhổ cỏ, trồng vườn và thu thập những vật phẩm cổ. Những nhân viên gắn bó với bảo tàng cũng là những người tâm huyết và đam mê hết lòng mong muốn lưu giữ giá trị độc đáo của nền văn hóa Việt.
Một ông bầu sân khấu có một niềm đam mê và lòng tự hào cháy bỏng với nghệ thuật dân tộc không khác gì Sỹ Hoàng là Huỳnh Anh Tuấn. Anh say mê múa rối cạn khi mà loại hình này đã bắt đầu mai một. Chấp nhận lối đi hẹp, anh dấn thân mà không toan tính. Từ rối cạn anh mở rộng sang rối nước. Đoàn rối nước của anh nhờ tính chuyên nghiệp nên thường được mời trình diễn tại nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa quốc tế. “Người Việt Nam thường hay thiếu tự tin một khi đứng trước nền văn hóa của những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp... nhưng trong những sự kiện văn hóa mà tôi tham gia, mỗi khi được giới thiệu rối nước là loại hình nghệ thuật thuần Việt Nam – là duy nhất – không trùng lắp, tôi thấy niềm tự hào sôi sục trong tim”, anh chia sẻ.
Kể từ đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn quyết định đầu tư nhà hát rối nước Rồng Vàng tại Cung văn hóa Lao Động, quận 1. Nhà hát này thường xuyên đón lượng khách nước ngoài đông đảo, đạt doanh thu khá cao. Nhưng niềm vui chính của ông bầu và anh em nghệ sĩ ở đây không chỉ là doanh thu, mà còn là được nhìn thấy sự thích thú và thán phục của khán giả quốc tế.
Nhưng khán giả Việt ít quan tâm
Một nghệ sĩ biểu diễn một loại hình đàn sáo độc đáo của dân tộc, được khán giả nước ngoài quan tâm.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, mục đích khác của anh khi xây dựng nhà hát rối nước Rồng Vàng là còn nhằm giới thiệu đến khán giả trẻ, cũng như tất cả các thế hệ người Việt Nam. Bởi vì, theo anh, nếu trong mỗi người Việt Nam hiểu rõ được nét đẹp trong văn hóa dân tộc thì chính từng người sẽ góp sức duy trì, nâng cao và tự hào với thế giới. Thế nhưng, cụ thể thì thực tế lượng khán giả Việt Nam đến xem rối nước không nhiều nếu so với du khách.
Nghệ sĩ Sỹ Hoàng cũng rất bức xúc về chuyện này. Anh cho biết: “Trước khi Sỹ Hoàng show bắt đầu, chúng tôi có đến gõ cửa các công ty du lịch để mời họ đưa khách đến xem. Có công ty không hỏi chất lượng show diễn ra sao mà hỏi ngược chia bao nhiêu phần trăm? Thậm chí tôi cố gắng liên hệ với một số trường học nhằm khuyến khích thế hệ trẻ đến xem để hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa dân tộc. Lạ là các trường quốc tế thì tìm hiểu kỹ về show diễn, còn trường Việt Nam hỏi ngược lại rằng tôi sẽ trích bao nhiêu phần trăm trên số vé bán ra”.
Qua tâm sự của hai ông bầu đã và đang tâm huyết đầu tư vào nghệ thuật dân tộc có thể thấy rằng trong khi khán giả nước ngoài, du khách quốc tế quan tâm tìm hiểu văn hóa Việt thì chính người Việt ít nhiều lại không quan tâm lắm và phần nào cũng nói lên, vì sao nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc đang mai một dần.