Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Chống “thần nước” cho ô tô

CHÍNH PHONG -

Ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM, chuyện ngập nước khi mưa lớn hay triều cường không còn là chuyện mới. Mỗi khi đường ngập, nếu người đi xe máy phải chịu cảnh ướt sũng, dắt xe tìm nơi sửa để đi tiếp thì với người đi ô tô, không phải chịu cái cảnh “chèm nhẹp” nhưng lại lo ngay ngáy vì nếu gặp hiện tượng thủy kích, chủ xe phải tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để sửa xe.

Nước vào, động cơ “nát”

TV1Khi bị tắt máy do ngập nước, nếu người lái xe khởi động lại ngay lập tức thì nguy cơ xe bị thủy kích rất cao. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Theo anh N., một quản lý cấp trung ở Công ty Bảo hiểm quân đội (MIC), các khách hàng tham gia bảo hiểm xe ô tô hiện nay ngày càng nhiều người quan tâm bảo hiểm thủy kích, tức là bảo hiểm cho xe ngập nước. Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào buồng đốt (xi lanh) qua đường hút gió của động cơ làm xe chết máy đột ngột. Khi gặp trường hợp này, nếu người lái xe cứ tiếp tục khởi động lại máy, nước sẽ càng hút sâu vào động cơ dẫn đến hỏng máy, gẫy tay biên, vỡ vỏ động cơ, và lúc này chỉ còn cách thay toàn bộ động cơ mới.

Cuối năm 2011, chủ tịch tập đoàn M. (TPHCM) lái chiếc siêu xe Maybach trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) rơi vào tình trạng trên. Ông phải tiêu tốn gần 5,6 tỉ đồng để thay động cơ mới và sửa một số bộ phận khác cho chiếc xe trị giá hơn 20 tỉ đồng của mình. Và với dòng xe sản xuất số lượng có hạn này, phải chờ ba tháng mới nhận được động cơ mới từ Đức về.

Anh N. nói dù các công ty bảo hiểm vẫn thường tuyên truyền về cách thức xử lý khi xe hơi đi qua vùng nước ngập, rằng nếu xe chết máy thì không được làm việc gì hết, gọi ngay cứu hộ kéo xe về garage nhưng vẫn có nhiều chủ xe luống cuống, khởi động lại xe nên gây ra các thiệt hại đáng tiếc.

Anh N. cho biết giá trị hợp đồng bảo hiểm toàn diện vào khoảng 1,5% giá trị xe trong một năm. Thêm giá trị bảo hiểm thủy kích vào khoảng 0,1% giá trị xe nữa, tức là vào thêm một triệu đồng đối với xe một tỉ đồng nên nhiều chủ xe sẵn sàng tham gia. Với một số công ty bảo hiểm, để tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm, họ gộp luôn bảo hiểm thủy kích vào bảo hiểm toàn diện.

Những trường hợp bảo hiểm từ chối

Tuy nhiên, không phải xe nào các hãng cũng nhận bảo hiểm thủy kích. Anh Tú, một nhân viên chuyên về bảo hiểm xe của hãng A. cho biết hầu hết các hãng từ chối bảo hiểm thủy kích những siêu xe như Maybach kể trên, vì tiền sửa quá đắt đỏ. Khi được hỏi có nhìn vào nơi ở của chủ xe để lựa chọn cung cấp dịch vụ bảo hiểm thủy kích hay không, vì nhiều chủ xe cư trú tại những nơi có nguy cơ ngập nước cao, anh Tú nói hãng không có chính sách như vậy, vì nếu làm như vậy hãng sẽ mất uy tín.

Anh Tú nói kể cả các cư dân sống ở các tòa chung cư có nguy cơ ngập nước, hãng vẫn bán bảo hiểm thủy kích, vì theo nguyên tắc, các hãng chỉ bảo hiểm thủy kích cho xe đang lưu thông trên đường. Với các xe bị ngập nước khi đang để dưới hầm chung cư thì người chịu trách nhiệm với những xe ngập nước là chủ chung cư hay ban quản trị chung cư, tức là những người đang khai thác thương mại tầng hầm để xe đó.

Điều tương tự trên cũng áp dụng đối với chủ các trung tâm mua sắm, khách sạn, tòa nhà văn phòng. Khi khách gửi xe dưới tầng hầm ở các khu nhà để làm việc hay mua sắm mà nước tràn vào làm ngập xe thì những người khai thác thương mại của khu nhà này phải bồi thường. Còn nếu để xe hơi trong nhà phố bị ngập nước thì các hãng bảo hiểm sẽ đảm trách như xe đang lưu thông trên đường.

Xe mất giá

Anh Chính (quận 3, TPHCM) sở hữu một số xe cho thuê là người am tường về các dòng xe, cho biết xe bị ngập nước sẽ bị mất 30-60% giá trị tùy vào giá trị xe và mức độ bị ngập nước. Giá trị xe càng lớn thì mất giá càng nhiều. Ngập nước thấp mất giá ít còn ngập nước toàn xe như một vài vụ ở tầng hầm chung cư thì mất giá rất nhiều vì toàn bộ hệ thống điện, máy, ghế nệm, loa đài hỏng hết. Về các dòng xe thì dòng xe lai hybrid có hệ thống động cơ vừa sử dụng xăng vừa sử dụng điện bị thiệt hạng nặng nhất khi ngập nước.

Những người đi mua xe đã qua sử dụng rất kỵ mua xe từng bị ngập nước vì xe dạng này mau hư. Khi đi mua xe, họ thường đưa theo những người rành về xe đến xem xét kỹ trước khi quyết định mua. Xe bị ngập nước phải thay động cơ rất dễ nhận ra vì số trên động cơ mới (đã thay do thủy kích) khác với số trên giấy đăng ký xe. Muốn bán xe nhanh, chủ xe thường bán rẻ lại cho hãng xe.

Trừ một số trường hợp quá cấp bách phải sửa xe dọc đường, các chủ xe thường đưa vào các cơ sở sửa chữa chính hãng để sửa chữa, bảo dưỡng. Mỗi lần sửa chữa xe đều được nhập vào hồ sơ của xe trên hệ thống máy tính của hãng. Vì vậy, theo anh Trần Anh (quận Tân Phú, TPHCM) bây giờ một số người đi mua xe cũ khá khôn ngoan, trước khi quyết định mua, họ đến trung tâm sửa chữa để hỏi quản lý về lịch sử của chiếc xe cần mua. “Tất nhiên, đây là thông tin phải được bảo mật vì quyền lợi khách hàng, nhưng anh chịu chi thì thông tin nào cũng có. Nhìn vào lịch sử sửa chữa, bảo dưỡng của xe, nghe đến xe từng bị ngập nước là người ta bỏ liền”, anh Trần Anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối