Tùng Lê
Máy quay phim, máy ảnh (camera) hành trình, camera ngụy trang đang được bày bán công khai, tràn lan với giá rẻ tại TPHCM cũng như trên các trang mạng. Người dùng thích vì tính tiện lợi nhưng cũng lo chúng được sử dụng với mục đích xấu, nhất là xâm phạm đời tư.
Từ “hành trình” đến “ngụy trang”
Nghe bạn bè giới thiệu, chị Hà Trâm, một người làm trong lĩnh vực quảng cáo tại quận 3, TPHCM dự tính mua một chiếc xe Piaggio Liberty, loại xe có gắn máy quay phim GoPro. Chị Trâm cho biết, vào cuối tuần, chị thường tham gia những chuyến đi “phượt” ở miền Tây với bạn bè và có sở thích đăng hình ảnh, clip hành trình lên mạng xã hội để chia sẻ. “Nghe nói máy quay loại này có ống kính rộng, quay phim, chụp hình tốt, lại hỗ trợ kết nối Wi-Fi với điện thoại nên tôi rất thích”, chị Trâm nói.
Không riêng gì chị Trâm mà trào lưu gắn camera hành trình trên phương tiện xe máy đang được nhiều bạn trẻ thích “phượt” ưa thích. Giá của nhiều loại camera hiện thấp thì khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc và tốt hơn một chút thì khoảng 5 triệu đồng/chiếc trở lên. Người dùng chỉ cần mua, gắn vào xe máy là có thể thoải mái ghi lại những chuyến hành trình của mình.
Với những người có sở thích phiêu lưu, mạo hiểm, chẳng hạn leo núi, nhảy dù như anh Phan Văn Thắng ở quận Bình Thạnh lại lựa chọn những thiết bị camera siêu nhỏ gắn ở túi áo để có thể ghi lại hình ảnh của hành trình. Anh Thắng cho biết, tìm mua những chiếc camera siêu nhỏ này không khó khi ngoài cửa hàng cũng có mà trên mạng cũng có. Theo đó, các loại camera ngụy trang chủ yếu xuất xứ từ Hồng Kông, Trung Quốc. Một số loại có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ nhưng giá cao gấp hai đến ba lần.
Theo lời giới thiệu của anh Thắng, chúng tôi đến một cửa hàng ở quận 1. Tại đây bán hàng chục loại thiết bị theo dõi khác nhau, được ngụy trang dưới dạng móc khóa ô tô, hình chiếc cúc áo, bút bi, hộp quẹt. Chủ cửa hàng cho biết, khách hàng mua hàng ở đây để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó các chiếc móc khóa ô tô, xe máy, giá từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/chiếc được nhiều người chọn mua. Muốn các sản phẩm quay phim chất lượng tốt hơn thì khách hàng cần bỏ ra từ 1,5 triệu đồng trở lên.
Tại một cửa hàng khác ở quận 3, nhiều loại máy quay được quảng cáo là rất “độc” từ người bán như bút bi có chức năng vừa viết chữ, vừa quay phim và ghi âm, với dung lượng bộ nhớ 1-4 GB, giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Sau một lúc làm quen, người bán còn chào mời chúng tôi loại camera siêu nhỏ có thể chụp ở dưới nước, độ phân giải khoảng 2 Mpx, giá khoảng 2 triệu đồng/chiếc. Anh nhân viên bán hàng ở đây tư vấn rằng, thiết bị theo dõi càng tinh vi, càng “độc” thì giá càng cao như camera ngụy trang bằng đồng hồ giá 1-4 triệu đồng/chiếc, ngụy trang bằng mắt kính, hộp quẹt hay camera loại siêu nhỏ giá có thể lên tới 6 triệu đồng/chiếc, tùy xuất xứ. Tuy nhiên, những loại này không trưng bày tại cửa hàng mà sẽ giao tận nhà nếu khách hàng có nhu cầu.
... và quay lén
Ra trường hơn hai năm nay nhưng vẫn chưa xin được việc, cựu sinh viên tên T. ở quận Thủ Đức cùng một nhóm bạn đã lập ra nhóm “thám tử”, chuyên theo dõi một vài người theo “đơn đặt hàng”. Theo T., nếu khách hàng là vợ nghi ngờ chồng mình ngoại tình, có thể gặp anh ta để trao đổi, ra giá rồi làm “hợp đồng”. Sau đó, nhóm của anh ta sẽ theo dõi ông chồng, quay phim, chụp hình lén, miễn sao đủ chứng cứ chứng minh chồng ngoại tình và giao về cho bà vợ thì nhận thù lao. Theo T., mỗi vụ như vậy, nhóm anh ta theo dõi khoảng một tuần là xong. Thù lao nhận cho mỗi “phi vụ” như vậy khoảng 4-5 triệu đồng. Để làm được việc đó, T. sắm đủ loại camera quay lén, từ loại gắn trên xe máy đến camera ngụy trang bằng hộp quẹt, nút áo.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, Quỳnh Như, sinh viên năm nhất, hiện trọ học tại khu vực quận Thủ Đức cho biết mình rất “dị ứng” và lo ngại khi nghe đến loại camera này. Theo Quỳnh Như, cô đã từng nghe một vụ việc các đối tượng xấu đặt máy quay lén vào buồng tắm sau đó tống tiền, tung lên mạng xảy ra ở khu trọ kế bên nên cũng rất lo sợ. “Mỗi lần vào nhà tắm, tôi đều nhìn kỹ xung quanh xem có vật gì khả nghi hay không vì lo ngại mình sẽ trở thành nạn nhân của nạn quay lén”, Quỳnh Như nói.
Theo Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Thạch Thảo (quận Gò Vấp, TPHCM), theo quy định hiện hành, việc nghe lén, xem lén và quay lén xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của người khác đã được pháp luật quy định và bảo vệ tại Điều 31, bộ Luật Dân sự 2005. Cũng theo luật này, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Với hành lang pháp lý như vậy, mọi hành vi quay phim, chụp hình hay ghi âm một người nào đó phải được sự đồng ý của chính người đó thì mới đúng luật.
Tuy nhiên, theo ông, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể hành vi nào là bí mật đời tư, hành vi nào là không, để biết được rằng khi nào thì được đưa hình ảnh hay clip lên và khi nào thì không nên. “Tuy nhiên, hành vi nghe lén, xem lén, hay quay lén với mục đích tiêu cực, không được chủ nhân cho phép thì tùy theo mức độ nặng hay nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Thảo cho hay.
Liên quan đến những câu chuyện một số chủ nhà nghỉ, khách sạn đặt máy quay lén trong phòng cho thuê, ông Thảo khẳng định việc làm này là vi phạm pháp luật, dù chưa cần biết đến mục đích của những chủ nhà nghỉ này là gì. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà các đối tượng trên có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Nếu cố tình quay lại cảnh quan hệ của những cặp tình nhân rồi phát tán lên mạng cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.