Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Chủ động bảo vệ tài khoản thẻ tín dụng

Từ thông tin về những sự cố lộ thông tin thẻ ngân hàng gần đây, các tổ chức phát hành thẻ đã phát đi những thông báo nhằm trấn an và khuyến nghị khách hàng những cách thức nhằm đảm bảo sự an toàn cho tài khoản thẻ tín dụng của mình.

Khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán, khách hàng cần chú ý cách thức bảo mật để tránh sự cố lộ thông tin. Ảnh: Minh Khuê

Chọn ngân hàng có độ bảo mật cao

Thay vì phát hành thẻ từ như trước đây, nhằm phòng tránh những rủi ro cho khách hàng trong việc sử dụng thẻ tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp bảo mật tiên tiến. Tiêu biểu là công nghệ thẻ chip EMV - loại chip điện tử với bộ xử lý như một máy tính, có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao.

Đồng thời, khi phát hiện các giao dịch lạ từ tài khoản của khách hàng hay có các khoản tiền giao dịch lớn bất thường, các ngân hàng sẽ chủ động liên hệ với chủ thẻ để có thể khóa thẻ kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, tránh phát sinh các giao dịch tiếp theo. Hoặc khi có thông tin bất kỳ điểm chấp nhận thẻ hay trang thương mại điện tử khách hàng từng sử dụng có khả năng rủi ro thông tin, ngân hàng sẽ thông báo đến khách hàng và yêu cầu cấp phát thẻ mới.

Khi mở thẻ tại một ngân hàng, khách hàng nên quan tâm đến các phương thức cũng như chính sách hỗ trợ khách hàng khi có rủi ro bị đánh cắp thông tin thẻ. Khách hàng cũng cần đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn điện thoại để có thể kiểm soát các giao dịch phát sinh với thẻ của mình.

Thông tin thẻ là tối mật

Một trong những điều tiên quyết khi sử dụng thẻ tín dụng chính là khách hàng không được tiết lộ thông tin thẻ hay số pin. Thói quen cho mượn thẻ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do các cửa hàng chấp nhận thẻ thường không đối chiếu chữ ký trên thẻ và chữ ký khách hàng trên hóa đơn. Lý do các ngân hàng thường chuyển thẻ và mã pin tận tay khách hàng hoặc chuyển qua đường bưu điện thẻ riêng và mã pin riêng là nhằm bảo vệ thông tin cho khách hàng. Vì thế khi sử dụng khách hàng cũng không nên để thẻ và mã pin cùng một chỗ.

Khi dùng thẻ để thanh toán, khách hàng cần nhớ lấy lại thẻ sau khi giao dịch và nếu kỹ hơn, không nên để nhân viên cửa hàng mang thẻ khuất tầm nhìn. Để hạn chế việc bị mất thông tin thẻ tín dụng, người dùng nên dán che đi số CVV ở mặt sau của thẻ. Khách hàng nên kiểm tra kỹ hóa đơn thanh toán với số tiền bị trừ hiển thị trong tin nhắn thông báo từ ngân hàng.

Khi thanh toán trực tuyến, khách hàng không nên truy cập các trang thương mại điện tử lạ. Hiện tại, đa số các ngân hàng có áp dụng biện pháp bảo mật khi thực hiện các giao dịch trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ 3D secure. Điều này giúp chủ thẻ xác thực giao dịch với độ an toàn cao tại các website có tham gia dịch vụ Mastercard Secure Code hay Verified by Visa. Lúc này, trong quá trình giao dịch, chủ thẻ được yêu cầu nhập mật khẩu OTP do ngân hàng cung cấp qua tin nhắn sms hoặc email đăng ký của khách hàng để hoàn tất bước thanh toán. Nếu nhập không chính xác hoặc đóng cửa sổ này, giao dịch thanh toán sẽ mặc nhiên không thành công.

Những khách hàng thường xuyên mua hàng trực tuyến nên đăng ký dịch vụ Mastercard Secure Code hay Verified by Visa với ngân hàng phát hành thẻ của mình. Đa số các ngân hàng tầm trung trở lên đều có cung cấp dịch vụ này.

Với cơ chế cấp hạn mức thanh toán, có ngân hàng đưa ra hạn mức lên đến trên 10 tháng lương, khách hàng có thể sử dụng thẻ với hạn mức hàng trăm triệu đồng, và tiềm ẩn rủi ro mất tiền cao. Khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng chia nhỏ hạn mức và phát hành thêm thẻ tín dụng khác song song.

Yêu cầu khóa thẻ nếu thấy nghi ngờ lộ thông tin

Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bị tấn công thẻ hoặc bị mất thẻ, khách hàng nên lập tức liên hệ số hotline của ngân hàng phát hành để yêu cầu khóa thẻ. Nếu trường hợp hotline trong tình trạng không liên lạc được, khách hàng nên sử dụng các ứng dụng ngân hàng như Mobile Banking, Internet Banking để khóa thẻ. Một số ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng Internet Banking để khóa chức năng thanh toán trực tuyến của mình trong một thời gian giúp giảm rủi ro bị đánh cắp thông tin.

Dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện giao dịch bất thường

Ông Ari Sarker, đồng Chủ tịch Mastercard khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói với báo chí nhân dịp gặp gỡ tại sự kiện Singapore Fintech 2018 rằng hệ thống của tổ chức này xử lý 2.500 dữ liệu giao dịch mỗi giây và những gì lưu trữ là dãy 16 chữ số, số tiền khách hàng chi tiêu tại đối tác của ngân hàng và hệ thống không biết về thông tin cá nhân người sử dụng. “Tuy nhiên, khi có một lượng lớn dữ liệu trên thế giới và chúng tôi thực hiện một loạt các phân tích, xử lý, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thì có thể phát hiện sớm những giao dịch bất thường, những cuộc tấn công vào hệ thống của khách hàng để đưa ra những cảnh báo sớm cho họ”, ông Ari Sarker nói.

Thùy Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối