Vũ Yến -
Sở Công Thương TPHCM vừa triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, một nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh việc đưa thực phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc tới tay người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc nhiều loại thực phẩm
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại khu vực bình ổn thị trường ở một siêu thị Co.opMart. Ảnh: TT
Chương trình bình ổn thị trường năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 diễn ra từ ngày 1-4-2017 và kéo dài cho tới hết ngày 31-3-2018, với 88 doanh nghiệp tham gia, tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2016. Có 9 ngân hàng cùng đồng hành với chương trình, hỗ trợ tín dụng với tổng hạn mức đã đăng ký là 18.170 tỉ đồng, tăng 5.270 tỉ đồng so với 12.900 tỉ đồng của năm 2016.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết việc ưu tiên bình ổn các sản phẩm thực phẩm an toàn là mục tiêu đã được chương trình thực hiện từ năm 2016. Bước sang năm nay, mục tiêu này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể, thành phố đang triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng, truy xuất nguồn gốc rau củ quả.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết năm nay số lượng trứng công ty tham gia chương trình bình ổn là 2,5 triệu quả trong các tháng bình thường, 4,5 triệu quả đối với các tháng tết, tương đương năm ngoái.
Theo ông Thiện, điểm mới năm nay là việc truy xuất nguồn gốc gia cầm và trứng. Điều này không gặp khó khăn bởi công ty đã thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc. Hiện nay trên mỗi quả trứng khi ra khỏi nhà máy đều được in mã số, cho biết quả trứng đó xuất xứ từ trang trại nào, sản xuất ngày nào, xử lý ở nhà máy nào…
Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết Saigon Co.op vẫn tham gia 9 nhóm hàng như các năm vừa qua.
Ông Kiên cũng cho biết, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát nguồn đầu vào từ các nhà sản xuất, Saigon Co.op còn chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất cung ứng tiêu dùng thực phẩm an toàn, chất lượng. Đơn cử, đơn vị đã phối hợp với HTX nông nghiệp Tân Tiến (Vĩnh Long) sản xuất và đưa ra thị trường loại gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Kiên, việc phối hợp cùng các hộ nông dân để sản xuất gạo sạch mới chỉ là dự án thí điểm đầu tiên trong dự án nông nghiệp hữu cơ của Saigon Co.op. Nếu mô hình phát triển tốt, Saigon Co.op sẽ mở rộng ở nhiều địa phương, vùng miền khác nhau với các sản phẩm khác nhau.
Tăng lượng hàng hóa bình ổn
Theo Sở Công Thương TPHCM, năm 2017 thành phố tiếp tục thực hiện song song bốn chương trình bình ổn thị trường gồm bình ổn các mặt hàng lương thực-thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.
Trong đó, chương trình lương thực- thực phẩm thiết yếu vẫn sẽ tham gia bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng, gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Hàng hóa bình ổn sẽ chiếm 25-30% nhu cầu thị trường trong các tháng thường và khoảng 30-40% trong tháng giáp tết.
Hàng hóa bình ổn mùa khai trường chiếm 35-50% nhu cầu tiêu dùng và tăng 15-30% so với kết quả thực hiện năm 2016; tương đương với hơn 24 triệu cuốn tập, hơn 2 triệu bộ đồng phục học sinh, hơn 1,7 triệu chiếc cặp-ba lô-túi xách và 720.000 đôi giày, dép.
Các mặt hàng sữa trong chương trình cũng dự kiến chiếm 30-35% thị trường TPHCM, lượng sữa tham gia gần 1.900 tấn/năm và gần 4 triệu lít sữa bột/năm. Các mặt hàng dược phẩm bình ổn chiếm trên 50% thị phần các nhóm thuốc thiết yếu với 21 nhóm hàng và hơn 600 hoạt chất.
Nguồn vốn bình ổn sẽ thực hiện theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý. Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung ứng thị trường.
Giá bán hàng bình ổn do các doanh nghiệp tự xây dựng và kê khai giá tại Sở Tài chính. Mức giá này được xây dựng theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất 5-10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động 5-10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, doanh nghiệp sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh.
Cũng theo Sở Công Thương TPHCM, ngoài việc đẩy mạnh đưa thực phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc tới tay người tiêu dùng, các hoạt động như tổ chức bán hàng lưu động, phát triển hệ thống phân phối, tăng số điểm bán hàng, chú trọng điểm bán tại chợ truyền thống, khu chế xuất công nghiệp, kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp… cũng vẫn sẽ được chú trọng.