Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024

Chú trọng bình ổn thị trường sản phẩm sạch

VŨ YẾN - 

Ngoài những tiêu chí đặt ra từ các năm trước đối với sản phẩm tham gia chương trình bình ổn thị trường, năm nay TPHCM đề nghị các doanh nghiệp ưu tiên bình ổn các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tập trung sản phẩm an toàn

index Thực phẩm sạch, an toàn là những mặt hàng được chú trọng trong chương trình bình ổn thị trường năm 2016.

Bắt đầu triển khai từ ngày 1-4-2016 kéo dài cho tới hết ngày 31-3-2017, chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 sẽ có tổng số đơn vị tham gia là 85 doanh nghiệp, tương đương năm 2015. Một số doanh nghiệp rời khỏi chương trình và lại có thêm một số doanh nghiệp mới tham gia.

Tại cuộc họp diễn ra ngày 13-4 về chương trình bình ổn thị trường năm nay, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, yêu cầu song song với việc đảm bảo số lượng hàng hóa đã đăng ký, các doanh nghiệp cần không ngừng kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm để đảm bảo hàng hóa tới tay người tiêu dùng là hàng hóa tốt, an toàn.

Đồng thời, theo bà Trang, việc tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất nuôi trồng tới hoạt động phân phối.… sẽ là mục tiêu được chú trọng của chương trình bình ổn thị trường năm nay.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên ở Đà Lạt, cho biết năm nay Thảo Nguyên vẫn tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường với 15 sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tổng lượng hàng hóa sẽ tăng hơn 20% so với năm 2015.

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng rau đạt chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Thảo Nguyên đang đầu tư thêm một trại mẫu 12 ha để sản xuất rau VietGAP, đảm bảo cung ứng rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, ông Sơn nói.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12, TPHCM), cho biết tổng lượng sản phẩm trứng mà công ty tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay tương đương năm 2015. Ông Thiện nói thêm, Vĩnh Thành Đạt tham gia trong chuỗi thực phẩm an toàn được thành phố kiểm tra, kiểm soát từ trang trại đến nhà máy xử lý, qua khâu vận chuyển đến điểm bán, nên sẽ đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.

Về phía đơn vị phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết năm nay Saigon Co.op vẫn tham gia đầy đủ 9 nhóm hàng như các năm vừa qua. Để đảm bảo đủ hàng hóa, Saigon Co.op đang thực hiện việc ứng vốn cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chương trình.

Mặt khác, Saigon Co.op chủ động tổ chức sản xuất các mặt hàng nhãn riêng tham gia chương trình bình ổn thị trường, có kế hoạch dự trữ đề phòng thị trường biến động.

“Trong xu hướng kinh doanh năm 2016, Saigon Co.op tiếp tục phát triển các mặt hàng chất lượng cao, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP”, ông Nhân nói.

Bốn chương trình bình ổn thị trường

TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện song song bốn chương trình bình ổn thị trường, gồm bình ổn các mặt hàng lương thực-thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2016-2017 và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

Dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng, chương trình dự trù lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm khoảng 25-40% thị trường và tăng bình quân 30-35% so với kết quả thực hiện năm 2015.

Cụ thể, lương thực, thực phẩm sẽ được bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng (bao gồm gạo các loại, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản). Các mặt hàng này sẽ chiếm khoảng 25-30% nhu cầu thị trường các tháng thường, 30-40% nhu cầu thị trường các tháng tết.

Trong nhóm hàng này, bổ sung thêm một số chủng loại hàng hóa như nấm rơm, nấm mèo, các chủng loại thủy hải sản khô, chế biến (như tép sấy, cá khô, lẩu đóng gói…).

Các mặt hàng trong chương trình bình ổn mùa khai trường chiếm 35-40% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15-30% so với kết quả thực hiện năm 2015. Tổng cộng có 516 loại sản phẩm, tăng 18 sản phẩm so với năm 2015.

Các mặt hàng sữa có tổng lượng tham gia chương trình là hơn 4.500 tấn/năm (khoảng hơn 375 tấn/tháng), tăng 8,37% so với kết quả thực hiện chương trình năm trước.

Đối với các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa chiếm 50% tính trên nhu cầu về các nhóm thuốc thiết yếu của người dân thành phố năm 2016.

Giá bán hàng bình ổn thị trường đảm bảo thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.

Nguồn vốn của chương trình bình ổn thị trường sẽ thực hiện theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 12.900 tỉ đồng, tăng 1.050  tỉ đồng so với năm 2015, lãi suất tương đương năm 2015.

Theo Sở Công Thương TPHCM, ngoài việc cung ứng đủ nguồn hàng, giá cả ổn định, các hoạt động như tổ chức bán hàng lưu động, phát triển hệ thống phân phối, tăng số điểm bán hàng, chú trọng điểm bán tại chợ truyền thống, khu chế xuất công nghiệp… vẫn sẽ được đẩy mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối