HOÀNG NHUNG lược ghi -
Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, hiện tại đang trong giai đoạn đầu mùa mưa, lượng người bệnh đến bệnh viện tăng đột biến, trung bình 6.200 lượt người bệnh/ngày (tăng 17% so với bình thường). Còn tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, mỗi ngày cũng tiếp nhận 6.000-7.000 trẻ khám những bệnh có liên quan đến mùa mưa. Các bệnh liên quan đến trẻ em và người già như hô hấp, bệnh viêm da dị ứng, bệnh xương khớp…
Bệnh viêm đường hô hấp dẫn đầu
ThS. BS. Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm Chăm sóc hô hấp thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang khám bệnh.
Theo ThS. BS. Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm Chăm sóc hô hấp thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, là thời gian tạo điều kiện cho vi trùng, vi rút sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm… hay đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi.
Đối tượng dễ mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết thay đổi từ mùa nắng sang mùa mưa là những người có miễn dịch yếu, nhất là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công gây ra các bệnh về hô hấp. Người lớn tuổi có hệ miễn dịch đã suy yếu, khi chuyển mùa như vậy vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các vi rút, vi khuẩn. Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Khi thay đổi thời tiết đột ngột dễ làm cho người dân bị bệnh.
Cũng theo BS. Hạnh, để ứng phó với giai đoạn giao mùa, mọi người nên chích ngừa cảm cúm (chích vào tháng 3, tháng 4 để phòng ngừa cảm cúm vào mùa mưa và chích vào tháng 9 hay tháng 10 để phòng ngừa mùa lạnh), chích ngừa viêm phổi, có những khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…). Bên cạnh đó, giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh. Đối với những loại viêm nặng hơn như viêm phế quản hay viêm phổi thì người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp.
Bệnh viêm da dị ứng nhạy cảm
TS.BS. Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Da liễu thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết vào đầu mùa mưa khí hậu tương đối khắc nghiệt đối với làn da, bởi vì đây là thời điểm giao nhau giữa hai mùa mưa và nắng. Mưa kèm khí hậu nóng ẩm là một “kẻ thù không đội trời chung” của làn da. Cường độ nắng trong môi trường lúc này cao. Rải rác các cơn mưa đầu mùa xen kẽ thưa thớt sẽ không đủ để làm cuốn trôi bụi bẩn hay các tác nhân gây bệnh trong môi trường mà ngược lại còn làm bốc hơi các yếu tố gây hại này lơ lửng trong không khí. Chúng khiến da dễ bị tổn thương, viêm, nhiễm... và ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống. Một số bệnh da thường gặp và tăng cao do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng. Tổn thương là các mảng da đỏ hoặc phù nề, tróc vẩy trên bề mặt, hoặc có thể nổi mụn nước, bóng nước. Thường gặp nhất là ở những vùng da tiếp xúc với nắng như mặt, cổ, vùng duỗi cánh tay.
Kế đến là nhóm bệnh lý mà ánh sáng mặt trời gây nặng hơn như mụn trứng cá, chàm, viêm da-cơ, bệnh bóng nước do rối loạn chuyển hóa porphyrin… Nổi bật nhất trong nhóm bệnh này là lupus đỏ. Tiếp đến là viêm da tiết bã với các mảng da đỏ, sần sùi, đóng vẩy vàng trên bề mặt, ở các vùng da bị nhờn nhiều như hai má, nếp mũi-má, sau tai, da đầu. Các mảng da bệnh sẽ bị đỏ nhiều hơn, châm chích khi bệnh nhân đi ra nắng.
Nhóm bệnh lý thứ 3 liên quan đến tăng tiết mồ hôi do khí hậu nóng ẩm như mề đay do mồ hôi hoặc do nước mưa. Ngoài ra, các tuyến mồ hôi nước tăng tiết kèm theo các ống dẫn mồ hôi ra bề mặt da bị bít tắt đột ngột do khí hậu nóng bức. Vùng da xung quanh các lỗ ra của tuyến mồ hôi bị kích thích viêm đỏ. Hiện tượng này hay gặp ở trẻ em và được gọi là bệnh rôm sảy.