Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Chữa dính thắng lưỡi càng sớm càng tốt

(SGTT) - Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt cho rằng thủ thuật cắt thắng lưỡi có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn khi cơ thể đã trưởng thành.

Gần đây, có nhiều bạn trẻ đã đến các phòng khám nha khoa, tai mũi họng ở các bệnh viện xin được cắt thắng lưỡi. Nguyên nhân là do các bạn này nói đớt, nói ngọng do dính thắng lưỡi. Nguyễn Ngọc Thơ, 19 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, nói: “Tật này khiến tôi phát âm bị ngọng và khi nói chuyện thì lưỡi cứ bị chới với ở giữa miệng, không chạm được đến môi nên nhìn rất kỳ cục”.

Một loại dị tật phổ biến

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi giữ vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Thắng lưỡi góp phần thực hiện hoàn chỉnh khả năng phát âm, bú, nuốt.

Một thắng lưỡi bình thường là có độ dài phù hợp và điểm bám đúng. Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh nhẹ do thắng lưỡi ngắn hơn bình thường. Do đó, thắng lưỡi làm làm hạn chế sự cử động của lưỡi. Đây là một dị tật khá phổ biến, ở tỷ lệ 4-5% trẻ sơ sinh bị dính thắng lưỡi.

Một bé sơ sinh bị mắc tật dính thắng lưỡi. Ảnh: Researchgate.net.

Về phát âm, nếu thắng lưỡi bị ngắn hoặc bám sai vị trí bé sẽ khó nói các từ phải đưa lưỡi xa về phía trước, phải cong lưỡi lên trên, hoặc áp lưỡi vào mặt trong răng trên. Đặc biệt, khi bệnh nhân phát âm các từ như: “t, l, ch, d...” và khó khăn hơn khi uốn cong lưỡi để phát âm chữ “r”. Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Ở các trẻ nhỏ hơn năm tuổi có thể rõ hơn, trẻ khó nói, đặc biệt là diễn đạt các câu nói phức tạp. Ở trẻ lớn thì biểu hiện mờ nhạt hơn, khi phát âm, hơi luồn sang hai bên má.

Trẻ càng lớn thắng lưỡi càng dài và dầy hơn. Một vài dạng dính lưỡi nhẹ có thể tự hết khi trẻ lớn lên. Tật dính lưỡi thường gặp ở nam hơn ở nữ. Nguyên nhân của tật dính lưỡi vẫn chưa được xác định rõ. Tật dính lưỡi nếu không chữa sẽ dần ảnh hưởng đến sức khỏe hàm mặt chứ không chỉ là chuyện nói ngọng.

Cách nhận biết dị tật ngắn thắng lưỡi

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, thời gian lý tưởng để phẫu thuật cho một người bị dính thắng lưỡi, cắt tạo hình thắng lưỡi là lúc còn sơ sinh, 3-6 tháng tuổi. Lúc này, bé đủ khỏe mạnh để chịu đựng tốt tiến trình phẫu thuật. Thời điểm này, bé chưa mọc răng cửa (lưỡi bị gây tê, mất cảm giác nên răng có thể cắn dập lưỡi sau phẫu thuật).

Do đó, cần quan sát các bé sơ sinh để phát hiện tật ngắn thắng lưỡi và phẫu thuật sớm. Bác sĩ Đẩu cho biết, khi nhìn trực tiếp sẽ thấy thắng lưỡi ngắn rõ, đầu lưỡi bị lõm hình trái tim hoặc hình chữ omega (ω). Khi lật lưỡi lên quan sát, thắng lưỡi bám trực tiếp gần đầu lưỡi, trẻ khó bú, khó nuốt, gây đau núm vú cho mẹ.

Với người lớn, lưỡi bình thường có thể đưa lên trên chạm vào vòm miệng, đưa sang hai bên chạm vào niêm mạc má, thực hiện được một số vận động khác như liếm môi, răng nướu mà không gặp bất cứ cản trở hay sự hạn chế nào. Khi đưa ra trước tối đa thì đầu lưỡi phải vượt qua các hàm và đưa ra ngoài khỏi môi. Trong trường hợp dính lưỡi, các cử động này bị hạn chế.

Bác sĩ Võ Quang Phúc, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, cho biết, việc cắt thắng lưỡi ở thanh niên không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt thắng lưỡi có thể không giúp chữa hết tật phát âm do chức năng phát âm và tạo hình hàm mặt đã bị ảnh hưởng nặng. Thêm vào đó, bác sĩ cần phải khám để xem thực trạng của thắng lưỡi, đo thanh quản, đo giọng nói, âm thanh rồi mới quyết định có cần phẫu thuật cắt thắng lưỡi hay không.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối