Một ly cà phê bên đồng lúa Hội An, một chén bánh mì xíu mại trong nhà vườn Đà Lạt… Những điều tưởng chừng bình dị đó, đôi khi phải chờ cả một quãng đường đi vòng của tư duy sản phẩm du lịch và cả một cú sốc không mong muốn, mới được định hình lại. Các địa phương muốn phát triển du lịch hậu đại dịch không cần phải tìm kiếm ở đâu xa, “mỏ vàng” khai thác du lịch ở ngay dưới chân mình.
- Tìm cách phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh
- Du lịch xanh là “nghĩ xanh, làm xanh”
- Du lịch xanh, tiếng gọi từ thị trường
Các loại hình du lịch trải nghiệm đời sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên… đang thu hút du khách sau dịch bệnh và nhu cầu du lịch về với thiên nhiên này được cho là rất lớn trong mùa hè tới đây.
Từ cà phê ngắm đồng lúa ở Hội An
Nửa năm trở lại đây, những cánh đồng lúa ngoại ô phố cổ Hội An trở thành các điểm đến được du khách khắp nơi yêu thích. Cà phê ngắm đồng lúa trở thành một sản phẩm du lịch mới rất “hot” bên cạnh các tour truyền thống bấy lâu nay, như đi thăm các làng nghề, tham quan phố cổ…
Ngày cuối tuần, các quán cà phê có hướng nhìn ra (view) đồng lúa ở Cẩm Châu, An Mỹ, Duy Xuyên… có một sinh khí mới, nhộn nhịp bước chân du khách. Khách sẵn sàng chi tiền và thời gian chỉ để ngồi ghế tựa trên các bờ cỏ nhâm nhi một ly cà phê hay thưởng thức vị mát ngọt của một trái dừa tươi, lắng nghe gió mát, dõi nhìn sóng lúa xôn xao. Mà không chỉ du khách, người dân địa phương ở các khu trung tâm cũng dần dần chọn bờ đê, đồng lúa làm nơi hẹn hò, gặp gỡ gia đình, bạn bè mỗi cuối tuần.
Cánh đồng ở những điểm đến này cũng được người nông dân tại chỗ chăm chút, không dùng thuốc hóa học, giữ gìn xanh tươi. Loại gạo tím hữu cơ được trồng và thu hoạch tại chỗ trở thành đặc sản để khách mua về hay dùng bữa. Các loại sản phẩm khác chế biến từ gạo hữu cơ như trà gạo tím than, rượu gạo đen… cũng trở thành những sản phẩm quà tặng mang đậm dấu ấn địa phương mà du khách ưa chuộng.
Một số điểm đến còn làm cả bungalow để khách ở lại qua đêm, trải nghiệm không khí yên ả của làng quê. Có nơi còn tổ chức cả những chương trình ca nhạc ngoài trời vào các ngày cuối tuần để thu hút du khách trẻ.
Bây giờ nói đến du lịch, như cụ thể ở Quảng Nam, ngoài đáp ứng nhu cầu khám phá các làng nghề hay những nét thâm trầm của phố cổ Hội An, trên thánh địa Mỹ Sơn… thì khung cảnh thanh bình trên các đồng lúa được chính thức đi vào hệ thống tour tuyến. Người nông dân sống tốt bởi giữ được nghề, canh tác lúa sạch và gắn bó với ruộng đồng. Còn du khách sống trong các đô thị chật chội, từng hứng chịu nhiều tổn thương trong các đợt dịch bệnh thì có dịp tìm lại, tận hưởng cảnh sống thôn dã hiền hòa để cân bằng tâm lý.
Đến chiếc chìa khóa cho phục hồi du lịch
Khi dịch bệnh được khống chế, thị trường tour tuyến mở cửa trở lại, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng cao sau những tháng ngày dài cấm túc, thì vấn đề đặt ra với ngành du lịch là làm sao hồi phục nhanh, làm sao hồi sinh những công ty du lịch đã bị bão đại dịch dập vùi, làm sao huy động trở lại nguồn nhân lực đã bị mai một và đầu tư làm sao để phục hồi, xây mới hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp… Tất cả không thể có lời giải trong ngày một ngày hai mà cần thời gian và sự tính toán về mọi mặt, đặc biệt là ý tưởng để có những sản phẩm mới thích ứng trong bối cảnh thị trường và tâm lý tiêu dùng du lịch đang có những thay đổi lớn.
Câu chuyện những quán cà phê kiểu gia đình ở Đà Lạt mang lại cho du khách những bữa ăn sáng giản dị kiểu của nhà vườn bản xứ, của những nông trại lưu trú trên đồi cà phê ở xa trung tâm Bảo Lộc hay Đăk Nông hay của những cánh đồng lúa ở Hội An trở thành những gợi mở về ý tưởng thú vị cho một cuộc phục hồi du lịch bắt đầu từ những khung cảnh và giá trị bản địa, lấy bản sắc nơi chốn và thiên nhiên trong lành làm nền tảng.
Nhìn rộng hơn, trong cơn sốt bất động sản dẫn đến hiện trạng nơi nơi phân lô bán nền, loại hình du lịch hướng đến nét đẹp thôn dã này có thể giúp cho người dân tại chỗ sống được bằng cánh đồng của mình, vượt qua những “cám dỗ” nhất thời để giữ rẫy, giữ ruộng. Với người dân địa phương, sự thay đổi phương thức canh nông tạo ra không gian ruộng vườn sạch, bền vững, cũng đem lại nguồn lợi kép khi nông nghiệp xanh “bắt nhịp” với du lịch sinh thái.
Sự chữa lành và tìm kiếm cân bằng cũng xứng đáng được các nhà kinh doanh du lịch nghĩ tới, và từ đó tạo ra sự phong phú, khác biệt trong khai thác các tour tuyến. Một thời gian dài, du lịch như chìm trong cơn bĩ cực với các dạng thức tour tuyến sao chép, nhân bản, thiếu sáng tạo và thiếu bản sắc địa phương, thì giờ đây, việc tái thiết và phát triển cần được đặt lại từ những nền tảng mang tính căn cơ, dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu thực sự của du khách và từ ý hướng phát triển những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, hài hòa với các giá trị, các điều kiện văn hóa từng vùng miền, từng địa phương.
Một ly cà phê bên đồng lúa Hội An, một chén bánh mì xíu mại trong nhà vườn Đà Lạt… Những điều tưởng chừng bình dị đó, đôi khi phải chờ cả một quãng đường đi vòng của tư duy sản phẩm du lịch và cả một cú sốc không mong muốn, mới được định hình lại. Một khi các địa phương đã tìm thấy câu trả lời cho việc phát triển du lịch hậu đại dịch không ở đâu xa mà chính từ việc nhìn ra “mỏ vàng” ở ngay dưới chân mình, thì hy vọng thị trường du lịch sẽ phục hồi hiệu quả.
Bởi một khi du khách được chữa lành thì doanh nghiệp du lịch cũng sẽ tìm thấy cơ hội phục hồi một cách bền vững.
Nguyễn An Nam
Theo KTSG Online