Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Chưa mặn mà bảo hiểm hành nghề y

BÌNH AN -

Theo quy định của Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31-12-2015, tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền, các cơ sở khám chữa bệnh đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành y tế, hiện số bệnh viện mua bảo hiểm loại này tính đến nay rất ít.

Nặng thêm chi phí

Cuối tuần rồi (31-7) tại TPHCM, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và Câu lạc bộ Y tế tư nhân (PHM) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Sai sót trong ngành nghề y, nhận diện rủi ro và giải pháp”. Trong hội thảo này, chuyện nên mua hay không nên mua bảo hiểm rủi ro khi hành nghề y được chia làm hai luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng không cần mua nhưng cũng có ý kiến ngược lại cho rằng thấy được hiệu quả khi mua bảo hiểm.

Ngành y tồn tại nhiều rủi ro nhưng vì các áp lực về chi phí, đội ngũ, các bệnh viện vẫn chưa mặn mà trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm.
Ngành y tồn tại nhiều rủi ro nhưng vì các áp lực về chi phí, đội ngũ, các bệnh viện vẫn chưa mặn mà trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm.

Ông Phạm Thế Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho biết hiện cả nước có 178 bệnh viện tư nhân nhưng số bệnh viện đăng ký mua bảo hiểm rủi ro hành nghề mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông, ở các nước phát triển, việc bệnh nhân kiện tụng bệnh viện, bác sĩ và họ phải mua bảo hiểm rủi ro hành nghề là việc đương nhiên và khá phổ biến. Tại Việt Nam, thời gian gần đây vấn đề bảo hiểm rủi ro trong hành nghề y mới bắt đầu được đặt ra.

Luật sư Trần Cao Thức, Văn phòng luật sư TriLaw TPHCM, chỉ ra hàng loạt những rủi ro đối với ngành y mà ông gặp khi tư vấn luật. Trong những rủi ro này thì các sự cố như lây nhiễm tại bệnh viện, chấn thương tại bệnh viện, làm bệnh nhân ngã là những sự cố nằm trong nhóm thường gặp nhất. Các rủi ro khác dù không thường xuyên nhưng cũng xảy ra là nhân viên y tế dùng thuốc sai, để quên vật dụng, thiết bị sau khi phẫu thuật.

Có mặt tại buổi hội thảo, một vị phó giám đốc bệnh viện tư nhân ở thành phố Cần Thơ băn khoăn, cho rằng mua bảo hiểm là tốt nhưng thực tế để bệnh viện bỏ ra một khoản tiền mua bảo hiểm mỗi năm thì tiền ở đâu ra. Ông nói bệnh viện tư nhân đa phần phải thuê mướn bác sĩ ở bệnh viện công với giá cao. Các chi phí đó đã là áp lực lớn cho bệnh viện nên việc mua thêm bảo hiểm là điều cần phải cân nhắc. “Rủi ro, sai sót thì bệnh viện nào cũng có, nhưng thà bệnh viện tự thương lượng với bệnh nhân để bồi thường một cách im lặng và nhẹ nhàng hơn là bỏ cả mớ tiền ra mua bảo hiểm”, vị này nói.

[box] Theo quy định tại Nghị định số 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, chậm nhất đến ngày 31-12-2015, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.

Chậm nhất đến 31-12-2017, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức khác mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.[/box]

 

Cần nhưng chưa bức thiết

PGS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bệnh viện quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân, TPHCM), cho rằng ở Việt Nam thị trường kinh doanh bảo hiểm rủi ro cho bệnh viện và bác sĩ chưa phát triển. Hầu hết các bệnh viện đều có một khoản tiền dành riêng cho việc quản lý rủi ro, nhưng hầu như các bệnh viện tự đứng ra giải quyết thông qua luật sư để bồi thường. Khi mua bảo hiểm, người ta thường tính toán đến vấn đề kinh phí. Thực tế là các bệnh viện tư nhân đều thấy bảo hiểm rủi ro cần cho bệnh viện nhưng để mua thì phần lớn bệnh viện cho rằng chưa đến mức bức thiết.

BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám đa khoa quốc tế Exon tại quận 10 (TPHCM), nhận xét rằng gần đây việc bệnh nhân và người nhà kiện bệnh viện hay phòng khám xảy ra nhiều hơn, tuy nhiên vẫn còn ít so với các nước phát triển. Nhiều vụ kiện của bệnh nhân còn chưa hợp tình, hợp lý. Do đó, khi bị kiện, lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ khám chữa bệnh nên trao đổi xem trách nhiệm của mình đến đâu, sẽ đền bù cho bệnh nhân như thế nào để tránh tối đa việc ra tòa vốn tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nếu mua bảo hiểm rồi thì bệnh viện và bác sĩ có thể mời công ty bảo hiểm, luật sư để cùng thảo luận và đưa ra những hướng đàm phán với bệnh nhân.

Theo BS. Sơn, việc giảm thiểu thiệt hại là bài toán khó với tất cả các bác sĩ và bệnh viện hiện nay. Kinh nghiệm của ông là bệnh viện nên thỏa thuận trực tiếp với bệnh nhân và người nhà với những vụ việc nhỏ để bệnh nhân và gia đình bình tĩnh, không làm lớn chuyện.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối