Thứ hai, Tháng Một 6, 2025

Chữa người hay chữa… giấy?

Nguyễn Xuân Tuấn Anh(*)

Trong chuyên trang sức khỏe số trước có bài viết Xin đừng làm bác sĩ mất hứng! có nói đến việc đừng làm bác sĩ mất hứng bằng cách khai bệnh chính xác chứ đừng “nhấn chìm” họ bằng 101 các kết quả xét nghiệm. Vậy thì xét nghiệm (XN) từ đâu mà có, mục đích để làm gì?

gettyimages-499543202-jarun011-opener

Xét nghiệm không phải từ trên trời rơi xuống mà nó phải do một ai đó đẻ ra, hoặc là bác sĩ, hoặc là do chính người bệnh yêu cầu.

Để chẩn bệnh, bác sĩ già tui cần hỏi và khám bệnh – nhìn, sờ, gõ, nghe. Hỏi đã đời, hỏi từ đời cha đến đời con, từ đau cái gì đến có hận ai không…, khám nhoay nhoáy từ đầu tới chân thì quả nhiên lòi ra một số chuyện (không lòi ra mới là lạ!). Những cái chuyện ấy gọi là dữ kiện. Bác sĩ già nhà ta chợt trở nên nghiêm và buồn, đầu hết gật lại lắc, mắt nhìn xa xăm như phê thuốc. “Cái đêm hôm ấy đêm gì, cái bệnh hôm nay bệnh gì?”, bác sĩ đang vận dụng hết công suất cái gọi là chất xám, ổng phân tích, tổng hợp, xào nấu lung tung beng để trả lời câu hỏi sống còn: bạn bị bệnh gì! Vậy là xong cái khâu quan trọng nhất rồi nha!

Nhưng, ở đời phiền nhất cái chữ nhưng này nè, cái bệnh mà bác sĩ già nghĩ ra là do ổng… nghĩ. Vấn đề là chỗ đó, ai biết ổng nghĩ trúng hay trật, bằng chứng đâu thưa bác sĩ? Chết chưa, thời buổi Internet nha, mạng xã hội Facebook nha, thắc mắc biết hỏi ai nha, câu lạc bộ bệnh nhân nha, đừng có chẩn đoán bậy bạ.

Như vậy tới đây chắc các bạn đoán được rồi, chẩn đoán đưa ra chỉ là giả thiết (may thay khi rơi vào tay các bác sĩ giỏi thì giả thiết thường đúng tới 90%, còn ngược lại, coi như số bạn xui), và giả thiết đó cần được xác nhận bằng cái gọi là XN cận lâm sàng (thử máu, X quang, siêu âm, nội soi, CT…).

Nói gần nói xa chẳng qua đưa ví dụ. Bạn đau bụng, bác sĩ nghi bị viêm dạ dày, phải nội soi dạ dày. Bạn đau lưng, bác sĩ nghi bệnh cột sống, sẽ phải chụp X quang cột sống. Bạn đau đầu, sẽ phải chụp CT (nôm na là chụp cắt lớp vi tính) sọ não. Nghi tiểu đường thì bác sĩ cho đi thử đường.

Đó là do bác sĩ ghi phiếu XN, y khoa gọi là chỉ định. Còn bệnh nhân với kiến thức y khoa phổ cập từ đài phát thanh, truyền hình hay báo mạng cũng thường hay tự đến phòng khám và tự yêu cầu XN, y khoa gọi là “tự sướng”. Nhiều khi bác sĩ nghĩ ra 2-3 lời chẩn đoán thay vì 1 (bệnh khó, có thể lầm lẫn râu ông nọ cắm cằm bà kia), ông ấy sẽ ghi các phiếu XN không phải để xác nhận mà để loại trừ. Ví dụ, bạn đau ngực, có 1.001 nguyên nhân đau ngực nhưng bác sĩ không dám loại trừ hoàn toàn bệnh nhồi máu cơ tim (có thể gây chết người), mặc dầu ông xếp nó không phải diện ưu tiên, ông ấy buộc phải ghi phiếu XN thử men tim để loại trừ căn bệnh nguy hiểm này.

Tóm lại, bác sĩ sẽ thăm hỏi bạn, suy nghĩ nát óc, ghi phiếu XN để xác định chắc chắn căn bệnh và kê toa điều trị.

Nghề bác sĩ quả cũng ngon ăn há! Chịu khó nghĩ một chút, ký vài ba cái XN, chờ kết quả và phán như thánh phán: ông hay bà bị bệnh X,Y,Z. Bây giờ tôi sẽ trị bằng phương pháp mới nhất. Nhưng, lại nhưng, tháng sau bệnh nhân tái khám: không bớt.

Vấn đề trở nên khó nuốt rồi. Cái XN nó nói vậy mà, tui chữa vậy mà sao không hết?

Vậy cái XN nó sai chăng? Không phải, XN nó không sai nhưng nó… hạn chế. Mỗi XN đều có độ nhạy và độ chuyên. Bạn bị bệnh tim, 100 người đo điện tim thì “nó” chỉ “thấy” được có 50 người bị bệnh thôi. Vậy là đo điện tim có độ nhạy 50%. Bác sĩ già tui hay nói nhảm với bạn, XN nào độ nhạy 50% thì tui lấy đồng bạc cắc quăng lên trời: sấp – có bệnh, ngửa – không mắc bệnh. Như vậy khi một XN trả về kết quả mà nó nói bạn không có sao thì không chắc là bạn an toàn đâu nhé! Tùy độ nhạy thôi. Và cũng có khi nó nhầm một người không bệnh thành có bệnh, dương tính giả, đó là độ chuyên. Một bác sĩ giỏi phải biết rõ độ nhạy và độ chuyên của một loại XN, và kết hợp với khám lâm sàng để chẩn bệnh chính xác.

Ngày nay, với các tiến bộ về kỹ thuật, càng ngày càng có nhiều hình thức XN tinh vi ra đời và xảy ra hiện tượng lạm dụng XN, chữa trị theo XN.

Xin các bạn theo tôi du hành vào thế giới phòng khám. Tờ mờ sáng, bác X., lưng còng chống gậy lọc cọc xuống xe sau chuyến hành trình từ Bạc Liêu lên thành phố. Con bác tay xách nách mang sắp hàng dài dằng dặc đăng ký khám bệnh. Một vài ông cò, bà cò lượn lờ dụ dỗ lấy số ưu tiên để khám sớm. Cuối cùng bác X. gặp bác sĩ tư vấn, sau vài câu hỏi vắn tắt, ông nghĩ rằng bác X. cần làm một loạt XN. Bác sĩ đánh dấu lia lịa hàng chục đề mục bao gồm đường, mỡ, gan, thận, nước tiểu, X quang phổi, siêu âm bụng, đo điện tim… Bệnh càng khó, XN càng nhiều.

Con bác X., mang tờ chỉ định đi đóng tiền (có thể xanh mặt khi tiêu hết cả một mùa lúa của gia đình). Sau đó cầm một sấp giấy đi lê la từ phòng thử máu qua phòng điện tim, tạt tới X quang và nhào vào siêu âm. Sau vài giờ đồng hồ đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bụng đói cồn cào (XN là phải nhịn đói), cả nhà hân hoan cầm một xấp giấy chi chít chữ và số trở lại bác sĩ ban đầu. Bác sĩ này duyệt qua tất cả dữ kiện và quyết định bác X., sẽ gặp một số bác sĩ chuyên khoa. Thế là thân bác X. bị xẻ ra làm tư. Bác sẽ khám chuyên khoa tim vì điện tim có cái gì đó; khám xương khớp vì lưng còng; khám hô hấp vì hình phổi mờ. Và cuối cùng tiền liệt tuyến to quá, phải cần một bác sĩ chuyên tiết niệu thôi.

Bác sĩ tim cho một toa bổ tim, khớp cho bổ khớp, phổi cho thuốc kháng sinh, tiết niệu thì cho kim tiền thảo. Cả nhà hân hoan cầm toa ra nhà thuốc mua. May mà các bác sĩ hôm nay giỏi, cho thuốc ít và không mắc tiền, tốn sơ sơ có một mùa lúa nữa chứ chưa đến nỗi phải bán công đất hương hỏa.

Lại lom khom lỉnh kỉnh đón xe về Bạc Liêu. Con cái hỏi “ba dzui không ba?”. Bác sĩ khám kỹ ghê, bác X., thong thả trả lời tiếp: tao lên thành phố để coi sao lúc rày mất ngủ quá chứ tao có than phiền gì đâu.

Tự cái XN nó lòi ra tùm lum bệnh mà thôi. Hóa ra bây giờ lắm bác sĩ lại thích chữa… giấy hơn chữa người!

-------------------------------------------

(*) Thạc sĩ-bác sĩ, hiện đang giảng dạy tại bộ môn Nội, trường Đại học Y Dược TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối