Thất nghiệp hay phải chuyển đổi nghề nghiệp là bài toán khó cho lao động ở tuổi trung niên vì họ phải vượt qua tâm lý tiêu cực và đồng thời buộc phải trau dồi thêm một số kỹ năng khi đã đứng tuổi.
Ở tuổi ngoài 40, chị P. đã trượt kỳ thi cán bộ thư viện khi một người sếp mới về trường Đại học quốc tế nơi chị làm việc. Người sếp mới này cho thực hiện một số tiêu chuẩn mới trong ngành thư viện mà chị P., dù đã có kinh nghiệm hơn 15 năm, cũng không đáp ứng được. Chị P. buộc phải nghỉ việc. Một bạn quản thư khác trẻ tuổi hơn đã tìm được việc tại một trường Đại học ở Malaysia tuy cũng bị sa thải vì không đủ tiêu chuẩn trong khi chị trầy trật tìm việc mãi vẫn không được.
Nữ giới gặp khó hơn cả
Tình trạng lao động có tuổi mất việc gần đây đã gia tăng, nhất là ở lao động nữ. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp nữ quý 1-2017 cao hơn 68.9% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi thất nghiệp nam tăng khoảng 66%. Trong đó, nhóm nữ từ 25-40 tuổi chiếm 55,6%.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết nguyên nhân các lao động lớn tuổi dễ bị mất việc vì lực lượng lao động dồi dào trên thị trường. Số lượng sinh viên vừa tốt nghiệp và gia nhập vào thị trường lao động ngày càng tăng, lao động từ nông thôn lên thành phố càng nhiều do quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa. Trong khi đó, doanh nghiệp lại có xu hướng giảm nhu cầu tuyển dụng do họ muốn tự động hóa và cải tiến quy trình.
Đặc biệt, so với nam giới, nữ giới ở tuổi trung niên còn gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đi tìm việc làm mới do họ thường phải dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình và những đứa con ở tuổi ăn tuổi lớn. Lao động nữ lành nghề cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý và đặc biệt là nhanh chóng làm chủ kỹ năng phỏng vấn để tìm việc mới.
Vượt qua nỗi sợ
Trang mạng tìm việc Jobstreet.com gợi ý rằng người tìm việc cần vượt qua nỗi sợ bằng cách đối mặt với thực tế, tập trung vào khả năng có hiện tại để có thể tìm công việc phù hợp. Tiếp đó, cần tập dượt, chuẩn bị kỹ hồ sơ lẫn việc trả lời các câu hỏi phỏng để tự tin hơn trong quá trình tìm việc làm. Không những vậy, họ còn phải sẵn sàng chuyển việc sang hẳn nghề khác hoặc ngành khác. Họ có thể sẽ phải làm mới sự nghiệp hoàn toàn và làm lại từ đầu như thuở mới tốt nghiệp đại học.
Trong cái rủi có thể còn cái may, người tìm việc rất có khả năng sẽ được thử sức ở môi trường mới, phù hợp hơn khi thay đổi việc làm. Nhất là khi người đó không thực sự hài lòng với công việc cũ. Bà Jeanna McGinnis, nhà sáng lập công ty ReResumeMe, đã có lời khuyên cho những ai muốn chuyển đổi nghề nghiệp trên tờ Forbes (Mỹ). Trước tiên người tìm việc phải chủ động định hướng nghề nghiệp của mình để có thể lên kế hoạch chọn việc làm vừa ý và có cơ hội thăng tiến theo khả năng. Đồng thời, cần tìm hiểu xem công việc đang cần người trên thị trường có phù hợp với khả năng của mình không. Tạo hồ sơ và tự giới thiệu bản thân với các trang mạng xã hội có chức năng kết nối giữa người lao động, nhà tuyển dụng và mạng lưới các công ty, cá nhân là điều không thể thiếu. Một lời khuyên khác rất hữu dụng từ bà McGinnis là khi đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp trình độ, người lao động nên tính đến khả năng thu lời sau đó từ công việc mới. Nếu việc học phải bỏ ra nhiều tiền và thời gian để đầu tư thì người tìm việc nên cân nhắc kỹ về mức lương của công việc mới.
Tìm hỗ trợ ở đâu?
Người lao động đang muốn chuyển đổi nghề nghiệp còn có thể tìm sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn. Những công ty hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như công ty Lee Hecht Harrison, Gemini Vietnam, Manpower Việt Nam có cung cấp dịch vụ giúp người tìm việc tự tin hơn trong quá trình tìm việc làm mới. Người tìm việc sẽ được trợ giúp đánh giá các khả năng vượt trội để lựa chọn nghành nghề, qua đó làm nổi bật kỹ năng khi thiết kế hồ sơ và phỏng vấn. Ngoài ra các công ty này còn kết nối người tìm việc với nhà tuyển dụng và các nhu cầu việc làm đang có trên thị trường. Các công ty này còn cung cấp các chương trình cải thiện các kỹ năng mềm cần thiết. Tuy nhiên, người tìm việc cũng nên xem xét khả năng tài chính của mình trước khi sử dụng các dịch vụ hỗ trợ này.
Về phần doanh nghiệp, đại diện của Manpower Việt Nam cho rằng khả năng trợ giúp của khối này có phần hạn chế do áp lực phải đặt mục tiêu kinh doanh lên trên hết. Do đó, việc giữ và tuyển dụng đối tượng lao động trung niên, đặc biệt là lao động nữ, chưa là ưu tiên của họ. Theo Manpower Việt Nam, doanh nghiệp cần có những chính sách ưu đãi từ Nhà nước để có thể cân nhắc và mở rộng phạm vi hoạt động, ngành nghề cho lực lượng lao động này. Manpower Việt Nam cũng đề cập đến việc cần có các nghiên cứu để tìm hiểu nhu cầu hay vướng mắc của doanh nghiệp khi sử dụng lực lượng lao động trung niên. Trong đó cần tập trung vào chi phí đào tạo, năng lực sản xuất và khả năng thích nghị… để có thể có các kiến nghị ưu đãi từ Nhà nước về việc giữ và tuyển dụng lao động trung niên, đặc biệt là lao động nữ bị mất việc.
Mỹ Huyền