Từ 1-7 tới đây Việt Nam sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu điện thoại 2G, 3G. Thay vào đó, điện thoại sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ công nghệ 4G (E-UTRA).
- Từ 1-7, điện thoại 2G, 3G không được nhập về Việt Nam
- 5G là “tên lửa” đẩy kinh tế số Việt Nam bay cao
Từ ngày 1-7-2021, Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực. Theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Như vậy Việt Nam sẽ dừng sản xuất tại chỗ, cũng như nhập khẩu điện thoại 2G, 3G. Thay vào đó, điện thoại sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ công nghệ 4G (E-UTRA). Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc này nhằm thúc đẩy sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh 4G, 5G, tiến tới mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) vào năm 2025. Đây cũng là nền tảng để các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam có thể xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Bên cạnh đó còn để thúc đẩy phát triển các thị trường mới, các thị trường bán buôn, quan hệ giữa các doanh nghiệp nội dung và doanh nghiệp viễn thông phù hợp xu thế, nhu cầu phát triển. Ngoài ra còn để đáp ứng xu thế dịch chuyển hạ tầng viễn thông đang diễn ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông mới và khi hạ tầng viễn thông đi trước một bước sẽ là nền tảng cho nền kinh tế số.
Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 20 triệu máy điện thoại, trong đó, khoảng 60% là máy smartphone, 40% là máy featurephone (điện thoại phổ thông).
Đến thời điểm hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trong đó có 5 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ 4G, có 63 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet.
Khi Thông tư 43 có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến số lượng máy featurephone chỉ hỗ trợ 2G, 3G đang hoạt động trên mạng di động. Tuy nhiên với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G/3G đang hoạt động trên mạng, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung. Từ đó cũng sẽ giúp tăng nhu cầu chuyển đổi sang smartphone 4G, 5G.
Cục Viễn thông cho biết, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Chánh Trung
Theo Kinh tế Sài Gòn Online