Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chứng khoán giảm sâu: nhà đầu tư sinh viên ngồi yên chờ “bắt đáy”

(SGTT) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã về dưới 950 điểm, thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ tháng 10-2020, dù có những phiên bật tăng lên trở lại nhưng nhìn chung thị trường vẫn chưa "dò" được đáy. Tâm lý nhà đầu tư hiện rất bất ổn, bao gồm cả những sinh viên đang "học" chơi, nhưng cũng không ít sinh viên cho biết đang chờ thời cơ thích hợp để tham gia thị trường.

Đa phần sinh viên quyết định tìm hiểu và đầu tư vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn dịch covid-19 vì chương trình học chuyển sang online và dừng các hoạt động ngoại khóa nên có nhiều thời gian rảnh. Cùng lúc đó, thị trường Việt Nam cũng tăng điểm mạnh, thu hút nhiều sự quan tâm.

Chị T.T.H.T, sinh viên trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng, cho biết: “Khoảng từ gần cuối năm 2021 trở về trước, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ. So với gửi tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất 6-7%/năm hay vàng thì thị trường chứng khoán là nơi có tốc độ sinh lời nhanh và hiệu quả hơn”.

Đa số những sinh viên này đều bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán liên tục mất điểm trong những tháng gần đây.

Khi được đặt câu hỏi về những hành động sẽ làm để ứng phó với những tác động của thị trường, một số sinh viên cho biết mình sẽ đứng ngoài chờ cơ hội, số khác chia sẻ rằng sẽ cắt lỗ và gửi tiết kiệm ngân hàng. Sinh viên trường Đại học Hoa Sen, anh P.N.H chia sẻ “Đối mặt với những diễn biến của thị trường như vậy. Tôi sẽ theo dõi thông tin, giảm chi tăng thu, theo dõi những mã chứng khoán tiềm năng, chờ cổ phiếu đó tạo đáy rồi mua”.

Bên cạnh đó chị T.T.H.T cho rằng những biến động kinh tế, từ Việt Nam đến toàn cầu, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. "Lãi suất ngân hàng bắt đầu tăng lên mức 9-12% và có thể cao hơn nữa, thì thị trường chứng khoán đối với tôi là một rủi ro lớn, 'đáy chồng đáy'. Tôi lựa chọn phương pháp tạm gửi tiết kiệm ngân hàng và lựa chọn những giai đoạn hồi phục nhỏ của thị trường để cắt lỗ những lô cổ phiếu tôi cho là cần thời gian dài hồi phục”.

Các nhà đầu tư, bao gồm cả nhóm sinh viên, có hai xu hướng phản ứng trước sức ép của thị trường. Ảnh: Thành Hoa.

Ngoài ra, khi thị trường chung giảm mạnh, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng không thoát khỏi viễn cảnh thua lỗ. Điều này phần nào tác động đến các ứng dụng như Finhay, Tikop, Infina… vốn là những ứng dụng trung gian trong vai trò huy động vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ để đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư.

Gần đây, báo chí đưa tin về việc các ứng dụng này lại có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Những sinh viên đã đầu tư vào những ứng dụng này cho biết hiện đang hoang mang và muốn rút tiền nhanh chóng để bảo toàn tài sản.

Khi được đặt vấn đề về tính rủi ro của những ứng dụng huy động vốn này, H.P.T, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Tài chính, đang sử dụng Finhay cho biết “Theo tôi tìm hiểu thì Finhay cũng có mức độ uy tín nhất định trên thị trường. Tôi không nghĩ đến trường hợp ứng dụng phá sản hay lừa đảo vì tôi thấy nhiều người sử dụng, đến cả những người nổi tiếng cũng sử dụng”.

Sau khủng hoảng, là cơ hội

Thạc sĩ Lê Thị Bích Ngân, giảng viên khoa Tài chính – Học viện Ngân hàng, cho biết nhìn lại cuộc khủng hoảng năm 2008, đi cùng với các thông tin vĩ mô tiêu cực khiến cho thị trường sụt giảm và hiện tượng bán tháo ồ ạt xảy ra. Tuy nhiên sau khi thị trường chạm đáy thì đã đã hồi phục, tăng trưởng nhanh chóng.

Hiện nay, với tình trạng sụt giảm kéo dài 11 tháng kèm theo các thông tin xấu đã xuất hiện nhiều. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu đã về tới mức hợp lý, thậm chí là rẻ hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách, thích hợp đầu tư lâu dài. Cô Ngân cho rằng theo quan điểm cá nhân của cô thì thị trường có thể đã chuẩn bị chạm đáy.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm khoảng 36% từ đầu năm, vì vậy nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ. Do đó tùy từng vị thế của nhà đầu tư mà có thể có động thái khác nhau. Thạc sĩ Lê Thị Bích Ngân cho sinh viên lời khuyên “Nếu đang nắm giữ cổ phiếu, bị thua lỗ nặng và có margin (sử dụng khoản vay) thì nên bán ra phần margin khi thị trường hồi phục để đảo danh mục. Còn nếu không vướng margin thì có thể nắm giữ lâu dài. Còn nếu đang nắm giữ tiền mặt thì có thể xem xét mua vào dần".

Với sinh viên chưa đầu tư thì cần trang bị kiến thức và tiền để đầu tư bởi vì theo kinh nghiệm là sau mỗi đợt "sập" mạnh thì thị trường thường hồi phục và cổ phiếu có thể tăng giá 2-3 lần so với đáy, cô Ngân nói.

Như Quỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối