VŨ YẾN -
Nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm kinh doanh tại chợ, bốn tháng nay ban quản lý chợ Bến Thành (TPHCM) đã tiến hành lấy mẫu để kiểm tra nhanh các loại độc chất như thuốc trừ sâu, hàn the, formol và chất tẩy trắng. Chương trình thí điểm này đang nhận được sự hợp tác của nhiều tiểu thương.
Bất ngờ kiểm tra
Từ khoảng bốn tháng nay, hàng ngày cán bộ của ban quản lý chợ Bến Thành đều luân phiên lấy mẫu của các quầy hàng rau, củ, quả, thịt heo, thủy hải sản để kiểm tra nhanh độ an toàn.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Cao Trung Tín, Phó ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết đứng trước thực trạng thực phẩm không an toàn hiện nay, một trong những trăn trở của ban quản lý là làm sao để kiểm soát nguồn thực phẩm kinh doanh tại chợ. Vì vậy ban quản lý đã xây dựng kế hoạch kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Sau khi phổ biến cho tiểu thương ở chợ, chương trình này được thực hiện thí điểm từ giữa tháng 4 vừa qua.
Hàng ngày, cứ tầm 8 giờ sáng là cán bộ của ban quản lý chợ sẽ rảo qua 6-8 quầy hàng kinh doanh các loại thực phẩm từ rau, củ, quả đến đồ chế biến như giò, chả, bò viên, bún, phở và thịt heo, thủy hải sản. Tại đây, các mẫu thực phẩm sẽ được kiểm tra nhanh nhằm phát hiện một số chất độc hại tồn dư, hay các chất bảo quản. Trước khi lấy mẫu, tiểu thương sẽ được yêu cầu khai báo nguồn gốc hàng hóa, mã số mẫu và ký vào biên bản lấy mẫu.
Các mẫu này sẽ chuyển về một văn phòng đặt ngay cổng vào phía đường Lê Thánh Tôn, quận 1 và tiến hành kiểm tra nhanh. Thông thường, thời gian kiểm tra và cho ra kết quả trong vòng một giờ. Nếu mẫu thực phẩm nào có nhiễm chất độc hại, chất bảo quản (thuốc trừ sâu, hàn the, formol, chất tẩy trắng…) thì cán bộ quản lý sẽ trực tiếp báo cho tiểu thương, đồng thời đề nghị họ ngưng bán sản phẩm và tiêu hủy sản phẩm còn lại.
Ông Tín cho biết, việc lấy mẫu hoàn toàn ngẫu nhiên, bất ngờ, không báo trước cho tiểu thương. Ban quản lý chú trọng hơn đến việc lấy mẫu ở những quầy hàng kinh doanh các sản phẩm không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một quầy kinh doanh có thể được kiểm tra nhiều lần. Với những quầy hàng kinh doanh các sản phẩm có bao bì nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ thì mức độ kiểm tra sẽ ít hơn, một phần là vì bao bì nhãn mác đã phần nào cho người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, trách nhiệm của đơn vị sản xuất và tiểu thương kinh doanh.
Các loại dụng cụ (kit) kiểm tra nhanh mà ban quản lý chợ Bến Thành chọn sử dụng được sản xuất tại Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ thuộc Tổng cục IV, Bộ Công an. Kinh phí do ban quản lý chi trả và được một phần hỗ trợ từ Sở Công Thương TPHCM.
Ông Tín cũng cho biết, tính tới 30-6-2016, qua lấy 453 mẫu kiểm tra nhanh, ban quản lý chợ đã phát hiện 15 mẫu thực phẩm dương tính với chất bảo quản, chất độc hại. Cụ thể, một mẫu tôm nhiễm formol, một mẫu rau xà lách nhiễm thuốc trừ sâu, một mẫu chả lụa nhiễm hàn the, một mẫu dưa muối có chất gây nôn ói, một mẫu măng tươi có chất tẩy trắng, năm mẫu chén dĩa ở các quầy ăn uống chưa đảm bảo sạch sẽ, an toàn sử dụng và năm mẫu dầu ăn bị khét. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm từ nay đến cuối năm, nếu hiệu quả sẽ được triển khai chính thức vào năm 2017”, ông Tín nói thêm.
Tiểu thương hợp tác
Chị Diễm, chủ cửa hàng ăn uống tại chợ, cho biết cách đây khoảng một tháng, nhờ việc kiểm tra nhanh này mà chị biết được mẫu bò viên chay chị lấy của một cơ sở ở chợ Xóm Chiếu (quận 4) bị nhiễm hàn the. Từ đó chị không lấy sản phẩm của cơ sở này nữa.
Chị nói, quầy ăn uống của chị tương đối nhỏ, lấy nguyên liệu cũng từ cơ sở nhỏ, làm ăn dựa trên uy tín chứ không có dụng cụ hay biện pháp nào để kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm lấy về bán có thực sự an toàn, thực sự không nhiễm chất độc hại. “Việc kiểm tra nhanh rất hữu ích. Nhờ nó mà tôi biết thực phẩm an toàn hay không để rút kinh nghiệm trong việc nhập nguồn nguyên liệu. Nếu nguồn thực phẩm an toàn thì giúp cửa hàng tăng uy tín trước nhất là với ban quản lý, bạn hàng xung quanh, đặc biệt với người tiêu dùng”, chị Diễm cho biết.
Một tiểu thương tên Hoa, chuyên kinh doanh thủy hải sản tại chợ, cũng đồng tình với kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm của ban quản lý chợ, cho rằng nếu việc kiểm tra nhanh thực phẩm được thực hiện lâu dài và tiến tới chuyên sâu hơn, như kiểm nghiệm được các chất cấm, thì chính tiểu thương kinh doanh cũng có lợi chứ không chỉ người tiêu dùng.
Bà Hoa cho biết, cửa hàng của bà cách đây khoảng vài tuần có người tới chào bán thịt ghẹ đã lột sẵn. Chưa tin tưởng nên bà mang sản phẩm mẫu tới nhờ ban quản lý kiểm tra nhanh giùm. Kết quả cho thấy thịt ghẹ không đảm bảo an toàn, và bà không mua hàng của người này. “Cá nhân tôi và nhiều tiểu thương ở chợ ủng hộ việc kiểm tra nhanh đối với thực phẩm. Nếu phát hiện sản phẩm bị nhiễm hóa chất, chất bảo quản thì tôi sẽ không bán cho người tiêu dùng”, bà Hoa cho biết.
Mặc dù ghi nhận kết quả tích cực của việc kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ Bến Thành, nhưng một số người tiêu dùng khi được hỏi ý kiến vẫn cho rằng cần xử lý vấn đề từ gốc. Một người tiêu dùng tên Lan, người thường xuyên đi mua thực phẩm tại đây, cho rằng đó chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn còn để kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gốc rễ của việc kiểm soát thực phẩm có lẽ nằm ở khâu trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, của người nông dân…
Ông Tín của chợ Bến Thành cũng cho rằng, việc kiểm tra nhanh thực phẩm mà ban quản lý chợ đang làm mới chỉ là giải pháp đầu tiên để cùng biết được thực phẩm nào độc hại, chưa an toàn với người tiêu dùng. Kiểm tra nhanh mới chỉ giúp phát hiện chất độc hại như thuốc trừ sâu, hàn the, formol, chất tẩy trắng còn những chất cấm trong thực phẩm, nhất là trong thịt heo và các loại hải sản thì việc kiểm tra nhanh bằng bộ kit lại không chỉ ra được. Chúng cần những thiết bị khác chuyên dụng hơn, cũng như trình độ chuyên môn hơn. Đây là điều đang thiếu tại chợ.