Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Chuối ăn cả vỏ

Vũ Hoàng -

Lâu nay chúng ta luôn bóc vỏ trước khi ăn chuối để hợp vệ sinh, mặc dù vỏ chuối có giá trị tương đương phần thịt quả. Một nhà nghiên cứu người Nhật Bản đã thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà thành công giống chuối mới có thể ăn cả vỏ lẫn ruột.

Theo Nikkei Asian Review, nhà nghiên cứu Setsuko Tanaka đã mất 40 năm để nghiên cứu ra giống chuối Gros Michel, có nghĩa là “Michel béo ngậy” trong tiếng Pháp. Giống chuối này có lớp vỏ dày và ngọt, mềm mại dễ ăn và còn có hương vị giống như phần thịt quả bên trong.

Từ tháng 12-2017, Tanaka đã thành lập công ty Bio Revolution Technology, với nguồn vốn do Tập đoàn ngân hàng Kyosei (Nhật Bản) tài trợ để sản xuất đại trà giống chuối mới. Sản phẩm của công ty hiện đã được bán cho các khách hàng trên toàn Nhật Bản.

Thành quả ngọt ngào

Trong 40 năm nghiên cứu, thử thách đặt ra cho ông Tanaka là làm sao để trồng được chuối trên quy mô lớn mà không cần phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Ông đã đi đến ý tưởng khác thường là cố gắng biến cây chuối từ loại thực vật chỉ sống vùng nhiệt đới sang loại cây có thể sinh sống trong khí hậu lạnh, ít sâu bệnh hơn.

Sau nhiều lần thất bại, Tanaka đã thành công trong việc đông lạnh các mầm cây con, sau đó cho rã đông từ từ để chúng thích nghi và sống sót được trong điều kiện lạnh giá. Thành quả bất ngờ là những cây chuối giống Gros Michel có thể sinh trưởng nhanh gấp năm lần những giống chuối nhiệt đới khác.

Nhóm nghiên cứu của Tanaka đốt tre làm than để bón cho chuối thay vì dùng phân bón tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật. Ông giải thích: “Vỏ chuối thường có vị đắng vì hóa chất sẽ tích tụ vào đó, gây độc và gây nguy hiểm cho người ăn phải”.

Đắt xắt ra miếng

Ngân hàng Kyosei hiện đã triển khai gây giống loại chuối Gros Michel trên diện tích đất 20.000 m2. Thương hiệu chuối không bóc vỏ Tomoiki Banana cũng đã được bán trên cửa hàng trực tuyến của công ty Bio Revolution Technology và tại công viên giải trí chủ đề thuộc sở hữu của ngân hàng Kyosei ở tỉnh Mie, phía Tây Nhật Bản. Ngoài ra, ông Tanaka cũng đã phát triển chuỗi cửa hàng riêng ở tỉnh Okayama với nguồn cung từ trang trại D & T do các thành viên trong gia đình ông quản lý.

Giá của mỗi quả chuối hiện là 877 yên Nhật (tương đương 160.000 đồng tiền Việt Nam). Mặc dù đắt tiền, chuối không bóc vỏ được khách hàng đón nhận nhờ vị ngọt độc đáo trong cả vỏ lẫn ruột, cùng với nguồn gốc, cách thức trồng hoàn toàn không có hóa chất.

Theo ông Masataka Yanase, Giám đốc điều hành Tập đoàn ngân hàng Kyosei, mục tiêu của công ty Bio Revolution Technology là mở rộng quy mô trồng chuối Gros Michel tại các trang trại ở Nhật Bản và cả ở nước ngoài.

Giống chuối của ông Tanaka cũng đã thu hút được sự chú ý từ bên ngoài Nhật Bản. Nhiều khu vực trồng chuối ở Philippines, Ấn Độ và Đài Loan hiện đang bị ảnh hưởng bởi bệnh héo rũ Panama. Bệnh này do nấm Fusarium oxysporum gây ra, đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa và làm cây chuối chết hàng loạt, rất khó phòng ngừa. Ông Tanaka khẳng định giống Gros Michel có thể kháng bệnh tốt hơn giống chuối khác, giúp giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu cũng như phân bón hóa học.

Ông Tanaka đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để trồng chuối ở tỉnh Cát Lâm ở miền Đông Nam Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu của ông đang cùng trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục khảo sát để trồng chuối ở đảo Hải Nam, nơi dịch bệnh Panama đang hoành hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối