Trâm Nguyễn -
Vào năm 2014, Google đã thống kê có ít nhất 93 triệu tấm ảnh “tự sướng” (selfie) được đăng trong một ngày trên thế giới bởi các điện thoại sử dụng phần mềm Android. Viện Nghiên cứu PEW (Mỹ) cũng cho biết, có hơn 91% thanh thiếu niên thường đăng ảnh chân dung tự chụp lên mạng Internet.
Các chuyên gia cho rằng, nụ cười làm chúng ta hạnh phúc chứ không phải một tấm ảnh tự sướng. Ảnh minh họa: Youtube.com
Phong trào “tự sướng” được cho là mang tính chất gây nghiện trong xã hội hiện nay với nhiều người. Tờ The Guardian (Anh) cho biết, vào năm ngoái, trên toàn thế giới, số người tử vong khi đang chụp ảnh tự sướng cao hơn cả số nạn nhân chết vì bị cá mập tấn công. Đa phần họ mất mạng do té ngã, tai nạn giao thông, thậm chí có trường hợp tử vong vì bị bò húc.
Thêm vào đó, một số người chụp ảnh tự sướng bị xem là có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Vào năm 2014, dựa trên bảng khảo sát nghiên cứu từ trường đại học ở bang Ohio (Mỹ) đã chỉ ra rằng trong số những người đàn ông thường đăng ảnh tự chụp trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì có nhiều người ích kỷ và có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Bài viết của tiến Sĩ Pankaj Shah trên một tạp chí quốc tế về sức khỏe tâm thần cũng đã đưa ra kết luận rằng những người nghiện tự sướng và thường dành hơn năm phút để chụp hay chụp 3-5 lần trong một ngày thì xem như “đã mắc bệnh”. Vì vậy, khi Hiệp hội Tâm thần học Mỹ xác nhận rằng “khi bạn luôn trong trạng thái ham thích và ám ảnh bản thân phải chụp các tấm ảnh tự sướng để đăng lên mạng xã hội truyền thông nghĩa là bạn đã mắc phải căn bệnh tâm thần mới”, rất nhiều người đã tin vào báo cáo đó.
Những người nghiện chụp ảnh tự sướng thường được quy kết là mắc căn bệnh “mặc cảm ngoại hình” (BDD-body dysmorphic disorder), theo tiến sĩ tư vấn tâm lý David Veale thuộc Bệnh viện South London & Maudsley (Anh). Vị này cho rằng, một số người bị chứng mặc cảm ngoại hình luôn dùng cách chụp hình tự sướng để họ cảm thấy mình xinh đẹp hơn. Nhưng họ thường chụp một mình và giấu đi hàng ngàn bức ảnh đó trên điện thoại của họ và không chia sẻ nó với bất kỳ ai và bất kỳ đâu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không bị hội chứng BDD nhưng vẫn thích chụp ảnh tự sướng và cũng chưa chắc họ có vấn đề gì liên quan đến bệnh lý nào khác.
Vậy chụp ảnh tự sướng có thực sự khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và liệu rằng chúng ta có nên bắt đầu tập thói quen chụp ảnh tự sướng hay không? Đáp án được tờ The Guardian (Anh) dẫn lại từ một nghiên cứu cho thấy, các trường hợp cảm thấy hạnh phúc hơn khi chụp hình tự sướng là rất ít.
Ở nghiên cứu này, 14 sinh viên được yêu cầu cười để chụp hình tự sướng (họ chỉ việc cười và không cần lưu tâm rằng có đang vui hay không) trong vòng ba tuần liên tiếp và mỗi ngày thực hiện việc này ba lần. Tất cả tấm hình trên được lưu lại trên phần mềm Android và chỉ có họ và các nhà nghiên cứu được phép xem chúng. Ngoài ra những tấm ảnh cũng không được đăng trên bất kỳ trang mạng xã hội nào. Kết quả sau đó, mỗi khi các sinh viên nhìn vào nụ cười của họ, thì tâm trạng của họ được cải thiện đáng kể. Yu Chen, người khởi xướng nghiên cứu này đã nhận định rằng: “Chụp ảnh tự sướng không khiến các bạn trở nên hạnh phúc hơn. Điều khiến các bạn trở nên hạnh phúc, chính là nụ cười mỗi ngày của các bạn”.