Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Chuyện chung cư: không hề là chuyện nhỏ!

MẠNH TÙNG -

Các dự án chung cư lớn nhỏ thi nhau mọc lên, lối sống chung cư đang định hình rõ nét hơn trong đời sống xã hội. Với nhiều người, căn hộ chung cư là môi trường sống lý tưởng với các tiện ích dịch vụ xung quanh. Nhưng với nhiều người, sống trong chung cư cũng lắm phiền toái, thậm chí tranh chấp quyết liệt mà đôi khi khởi đi từ những chuyện nhỏ nhặt.

Mệt mỏi cách ứng xử

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, quy chế này sẽ cấm các hành vi nói tục, chửi bậy, cãi nhau, đánh nhau gây ồn ào, mất an ninh, trật tự trong chung cư. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu nhà chung cư cũng bị cấm.

Một cuộc sống văn minh tại chung cư không thể không có sự chia sẻ trách nhiệm từ ba phía, chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân.
Một cuộc sống văn minh tại chung cư không thể không có sự chia sẻ trách nhiệm từ ba phía, chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân.

Ban hành quy chế là một chuyện, thực hiện ra sao lại là chuyện khác. Trên thực tế, xây dựng đời sống văn minh ở chung cư còn nhiều chuyện phải bàn. Với nhiều người, lo đủ tiền mua một căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống đã mệt nhọc, đến lúc nhận nhà dọn vào ở mà sự mệt mỏi chưa buông tha.

Chuyển đến sinh sống tại một khu chung cư trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TPHCM khoảng hai năm nay, chị Dung dường như đã quá quen với cảnh “rác rơi”. Chị kể, căn hộ của chị ở tầng ba, sáng nào ra ban công cũng thấy lổn nhổn rác do hàng xóm ở các tầng trên ném xuống. Thậm chí, có người chạy thể dục ở phía dưới còn “ăn” nguyên xô nước từ trên dội xuống.

Chị Dung cho biết, mặc dù rất bức xúc với tình trạng này, nhưng các cư dân cũng “bó tay” với một số cá nhân thiếu ý thức. “Ban quản trị có nhắc nhở, họ cũng chây ì ra. Hàng xóm với nhau thì cũng khó nặng lời, mất công sinh chuyện”, chị Dung nói.

Hơi khác chị Dung, anh Nguyễn Sơn đang sống trong một khu chung cư ở quận 2 lại bức xúc với cảnh thang máy thường xuyên bị trục trặc, chạy giật cục khiến cư dân hồi hộp khi sử dụng. Theo anh Sơn, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là một số phụ huynh và em nhỏ dùng thang máy làm… đồ chơi. Các bà mẹ dỗ con ăn bột cứ vào thang máy, bấm thang chạy từ tầng trệt đến tầng trên cùng rồi chạy xuống. Chưa kể, nhiều đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm thường bấm nút để trêu chọc những người đang sử dụng thang máy. “Thang máy lúc nào cũng nóng ran như vậy thì hỏi sao không mau hư hỏng, mà có khi còn gây ra nguy hiểm khôn lường”, anh Sơn lo lắng.

Trong khi đó, anh Văn, người đang sống chung cư ở quận 12, cho biết tình trạng ồn ào phát ra từ tiếng nhạc của những người tập thể dục phía dưới không gian sinh hoạt chung khiến nhiều người khó chịu. Từ 5 đến 7 giờ tối, nhiều người trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, lại nghe tiếng ồn ào càng mệt thêm. “Uớc gì mỗi người có chút ý thức, giữ gìn không gian chung để không ảnh hưởng đến ai”, anh Văn nói.

Câu chuyện chung cư không dừng lại ở vấn đề xả rác, gây ồn hay thang máy mà còn nhiều chuyện liên quan đến cách ứng xử, tình người giữa những người hàng xóm với nhau. Cách đây hơn ba năm, anh Luân đã chọn mua một căn hộ chung cư ở quận Bình Tân theo phương thức trả góp. Lúc sắp nhận căn hộ, anh Luân đã lập ra một diễn đàn trên mạng xã hội để các cư dân tương lai làm quen với nhau, xem đây là không gian sinh hoạt chung cho mọi người.

Anh Luân cho biết, thời gian đầu, diễn đàn rất sôi nổi, mọi người cùng tranh luận, góp ý để những vấn đề chung tốt hơn. Nhưng rồi, khi cư dân dọn đến đông hơn, các thành viên trên diễn đàn cũng đông hơn là lúc những mâu thuẫn phát sinh. Ở mỗi vấn đề đưa ra đều gặp phải tình trạng “chín người mười ý”, không ai chịu ai dẫn đến xích mích, mất đoàn kết. Nhiều người còn văng tục, nói những điều không hay trên diễn đàn, dẫn đến không khí chung cư thêm ngột ngạt.

Nhức đầu chuyện quản trị

Phí bảo trì chung cư là một trong những vấn đề được bàn luận tại hội thảo xoay quanh các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức tuần rồi. Đây là khoản phí dễ gây ra những cuộc tranh chấp nhất tại các chung cư, giữa ba bên gồm chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho rằng theo quy định của luật mới, việc thu phí bảo trì chung cư là 2% trên giá trị căn hộ sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Theo ông, nếu một dự án ban đầu chỉ bán với giá 10 triệu đồng/m², rồi sau đó tăng lên 15 triệu đồng/m² mà cứ áp dụng phí bảo trì 2% trên giá trị căn hộ thì những người mua sau sẽ chịu thiệt thòi. Chưa kể, số tiền phí bảo trì tại các chung cư rất lớn, lên đến cả chục tỉ đồng đối với chung cư nhỏ, còn chung cư cao cấp là hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này được giao cho chủ đầu tư, sau đó mới giao lại cho ban quản trị chung cư.

Theo ông Đực, ở đây có hai rủi ro lớn. Một là chủ đầu tư phá sản, bỏ trốn; hai là ban quản trị sử dụng không đúng mục đích số tiền này, hậu quả vẫn thuộc về cư dân. Giống như ông Đực, một số người cho rằng thay vì đóng phí bảo trì chung cư thì người dân sẽ đóng tiền hàng tháng theo một biểu phí nhất định để vận hành tòa nhà.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), dẫn quy định cho rằng nếu ban quản trị chưa thành lập thì chủ đầu tư được giữ khoản tiền này, nhưng sau đó phải bàn giao cho ban quản trị. Nếu chủ đầu tư không bàn giao khoản tiền này sẽ bị UBND cấp tỉnh cưỡng chế. Đồng thời, quy định mới cũng có những chế tài buộc ban quản trị phải sử dụng đúng mục đích khoản phí này. Theo ông Ninh, quy định 2% phí bảo trì trên tổng giá bán là hợp lý, đã được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện chung của các vùng, miền trên cả nước.

Theo các chuyên gia, ban quản trị là một trong những nhân tố quan trọng trong đời sống tại mỗi chung cư. Bởi lẽ, đây được xem là cầu nối giữa chủ đầu tư và những cư dân. Về bản chất, ban quản trị chung cư được cư dân bầu lên để đại diện quyền lợi, đồng thời chăm lo đời sống chung cho cư dân. Song, thực tế cho thấy, nhiều ban quản trị chung cư đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, thậm chí có biểu hiện “lộng quyền”, làm khổ cư dân và cả chủ đầu tư.

Vấn đề nhiều người băn khoăn liệu các quy định về quản lý và vận hành chung cư tới đây có đề ra những giải pháp giúp ban quản trị làm tròn nhiệm vụ, đồng thời hạn chế việc lạm quyền của những người này vào mục đích tư lợi cá nhân.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có đoàn kiểm tra 30 chung cư trong kế hoạch kiểm tra toàn diện nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, nhiều chung cư đang xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị, giữa ban quản trị và cư dân về phí dịch vụ quản lý, phí bảo trì 2%, tranh chấp quyền sở hữu riêng, chung…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở của Sở Xây dựng TPHCM, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các văn bản pháp luật hiện còn chưa thống nhất, còn chồng chéo dẫn đến quyền lợi, trách nhiệm của các bên chưa rõ ràng. Thêm vào đó, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương còn mờ nhạt, các hành vi vi phạm trong các tòa nhà chung cư chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ngoài ra, ở nhiều chung cư, chính người dân cũng không chấp hành tốt các nội quy quản lý chung cư, hoặc ban quản trị không làm tròn trách nhiệm được giao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối