Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Chuyện dài: giáo dục hôm nay, nền tảng mai sau

Mới đây, đài BBC có bài về “Sahra Nguyễn: Mang cà phê Việt Nam chinh phục thị trường Mỹ”. Sahra Nguyễn là người Mỹ gốc Việt, cô có tình cảm đặc biệt với văn hóa cà phê của quê hương Việt Nam. Thấy những tiệm cà phê ở New York bán cà phê sữa đá sử dụng hạt cà phê của châu Phi hay Nam Mỹ, cô nung nấu ước muốn thay thế bằng hạt cà phê Việt Nam, không chỉ Việt Nam vốn đã là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, mà còn vì cô muốn thành quả lao động của người trồng cà phê Việt lẫn sự đóng góp của cà phê Việt Nam phải được thế giới ghi nhận và trân trọng.
Sahra Nguyễn đến trang trại cà phê ở Sơn La. Nguồn: BBC

Đến nay đã năm năm, kể từ khi hãng sản xuất cà phê thủ công “Nguyen Coffee Supply” được thành lập. Sahra Nguyễn đã phân phối đến hơn 550 siêu thị Whole Foods trên toàn nước Mỹ những sản phẩm cà phê đặc sản, có cả cà phê lon ủ lạnh từ hạt Robusta. Không dừng lại, Sahra Nguyễn vẫn đang tiếp tục đưa thương hiệu cà phê Việt đến các nước châu Âu, châu Á.

Cứ nghĩ đến cà phê Việt có thể làm say đắm người dùng khắp năm châu, bên trong Sahra Nguyễn lại có nguồn năng lượng dồi dào, cảm hứng nối tiếp cảm hứng, giải pháp nối tiếp giải pháp, trong khát vọng nâng tầm cà phê Việt trên trường quốc tế.

2. Hôm rồi, sau tiết dạy vật lý về dao động điều hòa, tôi ra bài tập cho học sinh: cho phương trình li độ – thời gian, tìm thời điểm vật qua vị trí x lần thứ 2023? Tôi hướng dẫn học sinh suy nghĩ, thảo luận tìm cách giải: xác định tại thời điểm ban đầu (t=0) vật ở đâu, chuyển động theo chiều nào, một chu kỳ vật đi qua vị trí x (trên trục X’OX) mấy lần? Hiểu bài, các em sẽ làm bài được.

Dạy học, từ các bài toán, lý hay văn…, là quá trình gợi mở, hướng dẫn học sinh tìm kiếm giải pháp. Sau này, trước những vấn đề đặt ra lúc khởi nghiệp hay trong quá trình làm việc, các em sẽ có ý tưởng, biết tìm ra “cách” bắt đầu, “cách” bước tiếp!

Kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển đại học. Điều này đồng nghĩa có gần 292.000 em từ bỏ cơ hội vào đại học (30,7%). Trong số này, có em chọn du học, có em chọn học nghề để đi làm sớm, có em chọn đi nước ngoài lao động…

Trong bài viết “300.000 thí sinh không xét tuyển đại học sẽ đi về đâu?” (Tuổi trẻ, ngày 2-8), giới chuyên gia có các hướng nhìn nhận: “chuyện bình thường”, “không ngạc nhiên”; “nhiều khả năng do hoàn cảnh khó khăn”… Theo tôi, có thể giải thích việc các em không chọn giảng đường đại học từ 2 trong 5 tầng của tháp nhu cầu Maslow: (i) tầng thứ nhất: nhu cầu sinh lý như ăn uống, cư trú, tình dục…; (ii) tầng thứ hai: nhu cầu an toàn như việc làm, gia đình, sức khỏe… Con người phải đi từ trạng thái cơ bản – nạp năng lượng rồi mới chuyển sang trạng thái cao hơn. Nhưng cũng cần nhớ là với học sinh phổ thông, nếu tác động từ gia đình và nhà trường không kịp thời hoặc không phù hợp, thì ngay cả nhu cầu sinh lý hay nhu cầu an toàn, có em không kiềm chế cảm xúc cũng có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.

H. là học sinh lớp 12, em học “được”, biết Taekwondo nhưng thường có mặt tại phòng y tế của trường vì tụt canxi, thi thoảng em cúp học… vì yêu! H. đậu đại học ngành giáo dục thể chất nhưng vì tình yêu níu chân, em bỏ học và lập gia đình khi tròn 18 tuổi. Gần 10 năm sau, trong một lần gặp lại cô giáo chủ nhiệm cũ, H. kể chồng em nhậu nhẹt và đánh đập em. Cô giáo nhắc: “Em có võ mà!”, H. buồn thiu: “Ổng khỏe lắm cô ơi!”. Rồi H. ly hôn, đứa con trai theo cha, em ôm con gái về nhà ba mẹ mình. Mẹ em cho tiền để em đi học lấy một cái nghề… H. khóc: “Ngày đó em đừng bỏ học thì đâu đến nỗi!”.

Liệu có bao nhiêu đứa trẻ như H., học hết phổ thông vẫn thiếu nền tảng cho việc hình thành ý tưởng và giải pháp? Đến lúc ngộ ra thì việc tìm kiếm cơ hội mới khó khăn hơn nhiều. Lại nghĩ, giáo dục về Con – Người; các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý học đường cần phải phủ rộng hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.

Trong số gần 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay, cho dù chỉ một số ít có những lý do “không bình thường”, nhưng liệu hệ lụy về sau có dừng ở số ít? Nghĩ mà dài nỗi lo…

Thế nên, người học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu được truyền đầy cảm hứng, được gia đình và nhà trường kết nối chặt chẽ dạy chữ – dạy người một cách hài hòa, thì sau này họ biết nung nấu khát vọng, biết chọn giải pháp tốt, sẽ mạnh mẽ hành động, sống vui và sống ý nghĩa đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đó cũng chính là hành trình, là đích đến của đổi mới giáo dục.

Nguyễn Hoàng Chương

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối