NGUYỄN HUỆ NGHI -
Cuốn hồi ký của diễn viên điện ảnh Thương Tín do Đinh Thu Hiền chấp bút có tựa Một đời giông bão (Limbooks & NXB Hội nhà văn, 2015) đang gây xôn xao dư luận không phải bởi những giá trị tư liệu về một giai đoạn điện ảnh mà Thương Tín là nhân chứng, mà bởi cuộc đời tình ái “không bình thường” của nam diễn viên nổi tiếng trên màn ảnh này.
Khi cuốn hồi ký này có mặt trên thị trường sách, dư luận người đọc sách và cộng đồng mạng lại dậy sóng với câu hỏi, hồi ký thì để làm gì?
Rõ ràng, sẽ chẳng ai có thể đưa ra một câu trả lời “chuẩn mực” rằng, hồi ký phải đáp ứng những tiêu chí nào về nội dung. Bởi đó trước hết là những câu chuyện cá nhân được kể lại, mà người kể là trung tâm, nhân chứng. Vì vậy, điều đầu tiên khiến cho một cuốn hồi ký “ra hồi ký” đó chính là sự trung thực (cho nên có người gọi hồi ký là thể loại “xưng tội”, “tự thú” hay nhẹ hơn, là “bộc bạch”). Vậy, trên nền tảng của sự trung thực, thì anh ta – người viết hồi ký – có thể chọn kể lại một mảng nào đó thuộc về mình trung thành với giá trị mà mình chủ động chọn lựa ban đầu. Có người chọn kể lại toàn cảnh đời sống của mình trong quá khứ, nếu anh ta thấy rằng, bức tranh toàn cảnh mang tính tổng hợp đó đem lại một tư liệu nào đó đặc biệt cho người đọc. Cũng có người chỉ kể chuyện học hành, có người kể chuyện sự nghiệp và cũng có người chỉ kể chuyện tình ái để gây sốc dư luận, câu khách…
Nhưng thường những quyển hồi ký có tầm vóc, đứng được qua thời gian thì không chỉ kể những chuyện cá nhân quá khu biệt để gây tò mò, ve vuốt thị hiếu nhất thời, mà ngay cả khi kể những chuyện rất riêng tư, nhân vật cũng đặt trong một bối cảnh rộng của thời cuộc, đằng sau những tiểu tự sự phải có bóng dáng của đại tự sự. Nhà văn Gabriel García Márquez kể về cuộc đời mình trong Sống để kể lại (đã có bản dịch tiếng Việt) dù là kể chuyện mười ba tuổi được cha dẫn đến nhà thổ, thì người đọc hiểu rằng, đó không dừng lại ở câu chuyện bí mật cá nhân để sa vào luận xét đạo đức mà ông biết cách đặt chuyện đó trong bối cảnh của văn hóa tính dục khu vực Mỹ Latin, nơi nhà văn trưởng thành, trong giai đoạn xã hội đặc thù, thì đây là một chi tiết rất đắt. Những nhà phân tâm học có thể căn cứ vào chi tiết này để tìm cách giải mã yếu tố tính dục khốc liệt phi thường bên trong những tác phẩm lớn của nhà văn này…
Cũng thế, một thời chúng ta từng tranh luận về những tình tiết “gây chia rẽ” trong quyển hồi ký của nghệ sĩ Lê Vân, nhưng nếu nhìn rộng hơn trong bối cảnh văn hóa, sẽ thấy câu chuyện được chính người trong cuộc của đời sống nghệ sĩ Hà Nội kể, bên ngoài những mắc mứu cá nhân hay éo le riêng tư mà các chi tiết có thể tạo ra, đó là bức tranh gia đình công chức nghệ thuật một thời. Đọc hồi ký đạo diễn Trần Văn Thủy trong Chuyện nghề của Thủy, rõ ràng rất ít những giao đãi tình cảm cá nhân, mà thuần túy là những tư liệu về nghề nghiệp, những va chạm, bí mật mà một đạo diễn trải qua trong một giai đoạn điện ảnh nói chung, nghệ thuật nói chung – cho thấy người ta sống và làm nghề tử tế không dễ. Hay hồi ký Nguyễn Thị Bình, có thể trong câu chuyện của một chính khách đôi khi khô khan và có những điều chưa thể kể hết vào lúc này, nhưng độc giả muốn biết phía sau những mảnh vụn mà tác giả gom nhặt là bức tranh chính trị-ngoại giao của đất nước qua nhiều khúc đoạn lịch sử quan trọng.
Vậy, cuốn hồi ký thành công có lẽ phải thiết lập được cái gạch nối giữa cái riêng tư (dù là tình cảm, dù là sự nghiệp) của người kể với bối cảnh rộng của đời sống. Câu chuyện được kể là chuyện riêng, nhưng thấp thoáng những hình mẫu đời sống, trong một toàn cảnh xã hội nào đó rất đặc thù. Một cuốn hồi ký sống lâu thường giúp người đọc vượt qua những tò mò dễ dãi quá riêng tư, vươn tới một nhận thức sâu hơn về hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống, lịch sử. Đó chính là lý do mà giá trị tư liệu của thể loại hồi ký được đề cao.
Ở giai đoạn này, người đọc có vẻ chờ đợi nhiều nơi Thương Tín – diễn viên nổi tiếng một thời – những dữ liệu một thời làm nghề cao hơn là những câu chuyện lên giường với ai, được ai rủ hay việc người tình nào phá thai bao nhiêu lần. Không nên vội đưa ra những phán xét đạo đức ở đây, chỉ xét trên khía cạnh điều gì làm cho một cuốn hồi ký trở nên hữu ích về mặt tư liệu, thì rõ ràng những chuyện tình được kể với mục đích không gì ngoài công khai việc ăn ngủ đã tạo ra cái gạch nối quá mờ nhạt với bối cảnh để giúp cho một quyển hồi ký đứng được một cách nghiêm túc và lâu dài.
Nhưng cuốn hồi ký này sẽ là mồi ngon cho các cuộc tranh luận trên những trang mạng có khuynh hướng lá cải. Nhưng biết đâu, đó là một chọn lựa có chủ định của người kể, người chấp bút?