Năm 2017 vừa đi qua, để lại sau lưng nhiều sự kiện đáng chú ý mà rất có thể đó sẽ vẫn là đề tài nóng bỏng trong năm 2018 này. Với nhiều thương gia, 2017 là một năm khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Với người tiêu dùng, 2017 vẫn chưa phải là năm giải quyết rốt ráo vấn đề an toàn thực phẩm, vốn đã được nói đến rất nhiều. Trong dòng chảy thông tin về đời sống và thị trường, Sài Gòn Tiếp Thị mạn phép điểm lại một số sự kiện nổi bật, muốn cùng với bạn đọc nhìn lại những chuyện đã qua trước khi bước vào năm 2018.
Nhập nhằng nguồn gốc
Một trong những vụ việc ồn ào nhất trong năm 2017 là chiếc khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk.
Ngày 17-10-2017, một khách hàng tại Hà Nội đã đăng lên mạng xã hội, kể về việc đã mua một lô hàng 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người này phát hiện một sản phẩm trong đó vừa có mác "Khaisilk Made in Vietnam" vừa có mác "Made in China".
Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất/gia công, xuất/nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk). Ngày 13-12, Bộ Công Thương đã có kết luận, rằng từ năm 2012 đến nay, Công ty Khải Đức không còn hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường. Kết quả giám định chất lượng đối với một số mẫu sản phẩm cho thấy không có thành phần silk so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”). Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
An toàn thực phẩm
2017 cũng là năm nổi lên vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm.
Bắt đầu từ ngày 3-10-2017, TPHCM triển khai đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm TE-FOOD hay ứng dụng quét QR code của Zalo quét lên tem (dán trên bao bì) để biết thông tin về con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, cơ sở xử lý, đóng gói… của sản phẩm thịt gà, trứng gà và vịt. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc được bán tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi.
Đã có những lúng túng của cơ quan quản lý trong những ngày đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo vào chợ đầu mối ở TPHCM. Theo văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM, từ ngày 16-10-2017, thành phố không cho phép thịt heo không đeo vòng nhận diện, không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên áp dụng quyết định này, hai ngôi chợ trên đã gặp rắc rối. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lúc 0g15 có tới 90% heo vào chợ không có đầy đủ thông tin truy xuất. Do áp lực của thương lái, cơ quan chức năng buộc phải “xả cửa” cho các xe heo không đạt yêu cầu nhập chợ. Còn tại chợ Hóc Môn, tỷ lệ heo có đầy đủ thông tin truy xuất vào chợ cao hơn.
Sau đêm “vỡ trận” đầu tiên này ban quản lý hai chợ đã làm việc lại với thương lái, tiểu thương và khắc phục tình trạng trên. Được biết hiện nay, tỷ lệ heo có đầy đủ thông tin truy xuất vào chợ đã đạt xấp xỉ 100%.
Một trong những thông tin khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an trong năm 2017 là heo bị tiêm thuốc an thần tại một cơ sở giết mổ lớn nhất TPHCM.
Đêm ngày 29-9-2017, lực lượng liên ngành của Cục cảnh sát môi trường đã bắt quả tang hai nhân viên tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) đang tiêm thuốc an thần có nhãn combistress cho heo. Tại thời điểm đó, ngoài 600 con heo còn tỉnh táo, gần 4.000 con nằm la liệt tại các dãy chuồng nghi đã bị tiêm thuốc an thần. Cho đến nay, mặc dù chủ cơ sở giết mổ này đã có kiến nghị xin hoạt động trở lại và đã thực hiện một số biện pháp khắc phục (tiêu độc chuồng trại, lắp hơn 40 camera quan sát, làm việc với các chủ chảo (người thuê lò giết mổ) để phổ biến quy định, ký cam kết không tái phạm) nhưng cơ quan chức năng vẫn đóng cửa.
Chiến dịch giải cứu
Giải cứu là từ được giới truyền thông sử dụng khá nhiều trong năm qua khi nói về hàng nông sản. Ở góc độ thị trường, đây là vấn đề đáng suy nghĩ khi người làm ra sản phẩm luôn phập phồng với thị trường.
Cụ thể, từ đầu năm 2017, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến chuối ở Đồng Nai rớt giá thê thảm, chỉ còn từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg tùy loại. Nhiều vườn không có người mua, đành bỏ chuối chín rụng, hoặc đem về cho dê, cho bò ăn. Trước tình hình đó, bắt đầu khoảng giữa tháng 2-2017, một số tổ chức, cá nhân, siêu thị tại TPHCM đã kêu gọi người tiêu dùng chung tay giải cứu chuối.
Không chỉ có chuối, thịt heo cũng lâm cảnh tương tự. Do cung vượt cầu, giá thịt heo ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam rớt xuống thấp, có thời điểm giá heo hơi chỉ còn 25.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình lên đến 33.000 đồng/kg. Cơn bão giá kéo dài khiến nhiều người điêu đứng. Ngày 28-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi giải cứu ngành nuôi heo. Cấp bách hơn cả là việc đẩy mạnh tiêu thụ lượng heo tồn. Từ đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại một số tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã tham gia. Sau đợt giải cứu, giá heo hơi đã dần dần nhích lên, có thời điểm tăng lên 40.000 đồng/kg.
Nóng chuyện giao thông
Ở góc độ người tiêu dùng, việc có thêm đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ cho họ thêm sự lựa chọn. Nhưng với doanh nghiệp, điều đó đôi khi lại là một thách thức không nhỏ. 2017 cũng là năm chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa taxi công nghệ (đặt xe qua ứng dụng) và taxi truyền thống.
Thực ra, sự cạnh tranh giữa Uber, Grab và taxi truyền thống âm ỉ đã lâu, nhưng 2017 được đẩy lên đỉnh điểm. Cụ thể, hồi tháng 10-2017, hàng loạt taxi tại Hà Nội và TPHCM dán phía sau xe biểu ngữ "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật" và "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".
Việc dán khẩu hiệu của các hãng taxi sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng việc làm này là chưa phù hợp và có thể làm mất danh tiếng của các hãng taxi. Sau đó, các hãng taxi đã cho tháo bỏ khẩu hiệu này.
Chưa bao giờ các dự án thu phí BOT lại “nóng” như năm 2017 khi người dân ở nhiều nơi trên cả nước phản ứng gay gắt vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, khiến nhiều xe không đi đường BOT cũng bị thu phí.
Hiện tượng chủ xe và người dân phản đối trạm thu phí dẫn đến ùn tắc giao thông và buộc nhà đầu tư phải liên tục xả trạm. Điển hình là dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau khi hoạt động trở lại, trạm thu phí này liên tục phải xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông do lái xe phản đối bằng cách trả tiền lẻ. Sau đó, Chính phủ quyết định tạm dừng thu phí để tìm phương án xử lý.
Tình trạng người dân dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm thu phí nhằm phản đối các dự án BOT cũng xảy ra tại nhiều trạm khác trên cả nước như trạm Ninh An (Khánh Hòa), Bến Thủy (Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai).
Người dân tại TPHCM đã có thêm sự lựa chọn trong việc đi lại khi thành phố lần đầu tiên đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức). Tuyến buýt này có lộ trình dài gần 11 km, đi qua 12 bến (9 bến chính thức và 3 bến bổ sung). Thời gian di chuyển từ bến Bạch Đằng về Thủ Đức khoảng 30 phút. Giá vé cho mỗi lượt đi là 15.000 đồng.
Để kết nối với vận tải đường bộ, TPHCM đã mở ba tuyến xe điện để đưa hành khách từ bến tàu buýt sông đến các địa điểm chính như chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, một số khách sạn lớn và một số khu vực trên địa bàn quận 2.