(SGTT) - Các chuyên gia cho rằng TPHCM nên chủ động trong vấn đề cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho người dân; đồng thời đưa ra đề xuất ngành y tế thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho người dân để các nhân viên y tế dễ dàng nắm được thông tin của bệnh nhân đã và đang điều trị.
- Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TPHCM kiểm tra việc cấp phát thuốc kháng virus
- Thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không phải là “thần dược” cho tất cả F0
Chiều 14-12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “TPHCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19, vấn đề và kiến nghị” nhằm lắng nghe những đóng góp, ý kiến cho sự phát triển của địa phương.
Liên quan đến vấn đề công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, GS Hà Tôn Vinh, một chuyên gia tài chính quốc tế, đồng thời là Trưởng khoa Đào tạo lãnh đạo của Trường Đại học California Miramar (San Diego, Mỹ), đề xuất ngoài chương trình tiêm chủng toàn dân, thành phố nên chủ động cung cấp các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho người có nhu cầu.
“Một đồng tiền đầu tư cho thuốc đặc trị lúc này sẽ tiết kiệm được 10 đồng chi phí điều trị bằng ngân sách. Việc cấp thuốc cho người dân còn giúp các bệnh viện, cơ sở y tế tránh khỏi tình trạng quá tải”, vị chuyên gia này phân tích.
Trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, toàn thành phố đều thấy được chất lượng hệ thống y tế là vô cùng quan trọng. Hệ thống y tế phải hiệu quả nhưng tinh giản để đạt được mục đích này cần áp dụng chuyển đổi số trong hệ thống y tế.
Về một số giải pháp đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng hệ thống y tế tại TPHCM, TS Phan Thị Bích Thiện, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch người Việt Nam tại Hungary, đưa ra đề xuất ngành y tế cần xây dựng cơ sở dữ liệu (database) chung của người dân.
Theo bà Thiện, trước kia, người dân chỉ có sổ khám bệnh nhưng bây giờ đã có căn cước công dân và sổ bảo hiểm y tế nên việc xây dựng một cơ sở dữ liệu chung là dễ dàng. Đặc biệt, trong việc tiến hành tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19, hiện cơ sở dữ liệu này cũng đã được hình thành.
Thành phố cũng cần phần vùng phụ trách cụ thể cho các bác sĩ theo từng khu vực. "Trên thực tế, ở Việt Nam hiện có các trạm y tế phường, xã nhưng chưa có sự phân công cụ thể một bác sĩ phụ trách những bệnh nhân nào nên phân chia cụ thể trong từng trạm y tế khu vực những bác sĩ nào, phụ trách những bệnh nhân nào (có thể theo phố, theo khu). Khi đó người dân biết ai là bác sĩ phụ trách trực tiếp tại nơi khu vực sinh sống và bác sĩ cũng nắm được cơ sở dữ liệu của các bệnh nhân chịu trách nhiệm", bà Mai phân tích.
Để các bác sĩ khu vực làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng. Chẳng hạn như tại Hungary, mỗi bác sĩ khu vực nhận được một khoản tiền cố định hàng tháng, con số này sẽ được tính tùy vào số bệnh nhân mà bác sĩ phụ trách.
Không chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu tại các cơ sở y tế, việc kết nối cơ sở dữ liệu chung với các hiệu thuốc cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đó là triển khai viết đơn thuốc, mua thuốc thông qua “mây điện tử”.
Theo Phó Chủ tịch người Việt Nam tại Hungary, với phương thức này bác sĩ có thể kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân và ở các hiệu thuốc bệnh nhân chỉ cần nói số thẻ bảo hiểm y tế, nhà thuốc sẽ thấy được những thuốc nào được bác sĩ ghi đơn cho bệnh nhân. Việc này đã được thực hiện tại Hungary.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc đi lại và gặp gỡ bị hạn chế, những người cần uống thuốc các loại thuốc thường xuyên, không cần phải đến gặp bác sĩ hàng tháng. Họ có thể viết email để bác sĩ kê đơn qua “mây điện tử” và người bệnh chỉ cần đến hiệu thuốc để mua thuốc. Phương thức này vừa tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, bác sĩ và đảm bảo giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch bệnh.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần có những quy định cụ thể về cách phân phối thuốc. Trong hoạt động mua bán, những nhóm thuốc nào bắt buộc có đơn của bác sĩ để tránh trường hợp người dân tự ý mua thuốc, cả những thuốc kháng sinh mạnh để tự chữa bệnh, dẫn tới những trường hợp đáng tiếc, bà Mai chia sẻ thêm.
Minh Thảo