LÊ DUY -
Một tác phẩm hội họa bao giờ cũng muốn diễn đạt một câu chuyện nào đó, nhưng bản thân tác phẩm không kể chuyện. Tuần vừa qua, trong giới nghệ thuật, đã có một bức tranh đấu giá ở mức rất cao, là minh chứng cho nhận định trên.
Tại New York, Mỹ tuần rồi, Công ty Đấu giá Christie's vừa bán được bức tranh khỏa thân của họa sĩ Amedeo Modigliani với giá 170 triệu đô la Mỹ. Điều đáng nói là bức “Nu Couche” này không nói lên gì nhiều về họa sĩ Modigliani, vì bức tranh từng được tay buôn Leopold Zborowski đặt vẽ. Tay buôn này thuê người mẫu, màu vẽ… và trả tiền cho Modigliani khoảng 15-20 franc Pháp cho mỗi lần ngồi vẽ (lúc ấy khoảng 10 franc một chai rượu). Vậy nên, không có gì quá ấn tượng về lịch sử bức tranh này.
“Nu couche” của Modigliani vừa được Christie's bán cho một nhà sưu tập Trung Quốc với giá 170 triệu đô la.
Nhưng các chi tiết của cuộc đấu giá này lại thú vị hơn nhiều. Đầu tiên là mức giá: cao thứ hai trong lịch sử đấu giá, cao hơn cả tác phẩm “Les Femmes d'Alger” của Pablo Picasso. Thứ hai, người mua Liu Yiqian đến từ Trung Quốc.
Một lý do mà Liu Yiqian lại bỏ ra số tiền khổng lồ để mua là vì màu chủ đạo của Nu Couche là màu đỏ, màu may mắn của văn hóa Trung Hoa. Theo Công ty Đấu giá Sotherby's, thị trường châu Á rất chuộng các tác phẩm hội họa có màu đỏ. Ngoài ra, ông Liu không chỉ là nhà sưu tập cá nhân đơn thuần, ông còn xây hai viện bảo tàng tại Thượng Hải, trưng bày các tác phẩm truyền thống Trung Hoa, trong đó có một chiếc ly sứ đời nhà Minh mà ông mua với giá 36,3 triệu đô la.
Trái với Modigliani, một họa sĩ Nga tên là Kazimir Malevich có một tác phẩm bán với giá 60 triệu đô la và ông muốn kể câu chuyện của tác phẩm ấy. “Black Square” (Ô vuông đen) được ông hoàn thành năm 1915, và Malevich nói với các học viên hội họa lúc ấy rằng ông không thể ăn và ngủ nhiều ngày liền để cố hiểu được thứ mà ông vẽ ra. Sau này, ông nói với mọi người rằng ý nghĩa của ô vuông ấy có nghĩa là “vô tận và vĩnh hằng”, “nguồn gốc của mọi thứ”, là biểu trưng cho tính thuần khiết, thoát ra khỏi cái khung bắt chước tự nhiên.
Tuy bí hiểm và mang tính biểu tượng như vậy nhưng “Black Square” lại ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ họa sĩ về sau. Khó có thể biết được từng có bao nhiêu bức “Black Square” chép được bán tại các phiên đấu giá trong suốt gần cả thế kỷ qua. Tuy vậy, tuần qua, câu chuyện phía sau “Black Square” có vẻ như trở thành chuyện hài. Các nhà nghiên cứu tại phòng tranh Tretyakov ở Moscow, Nga, là nơi giữ bản “Black Square” gốc, phát hiện bên dưới hình vuông đen xì ấy còn có một thứ gì khác mà họ chưa biết được, chỉ biết có hai màu sặc sỡ bên dưới và có một dòng chữ có chứa cụm từ “Battle of Negroes” (Cuộc chiến của người da đen). Chủ phòng tranh, Irina Vakar, người sắp xuất bản cuốn sách bàn riêng về tác phẩm này, cho rằng rất có thể bức “Black Square” chỉ là bản “nhại” lại một tác phẩm của họa sĩ Pháp Alphonse Allais, người đã vẽ một hình vuông màu đen hồi năm 1882 và đặt tên nó là “A night Battle of Negroes in a Cave”.
Do vậy, các chuyên gia thẩm định cho rằng có thể Malevich muốn giấu đi hình vẽ sặc sỡ nhưng lại không thành công của ông bằng một hình vuông màu đen. Người ta chỉ biết rằng Malevich không phải là người thích khôi hài, và tác phẩm của ông cũng vậy. Nhưng dù gì đi nữa, phát hiện này lại đẩy giá trị của “Black Square” lên cao hơn trước.
Cách mà những câu chuyện xoay quanh tác phẩm hội họa, đến ý nghĩa gốc của tác phẩm có thể giúp giải thích tại sao một bức tranh trở thành kiệt tác và có mức giá ngất ngưởng. Một chủ đề trong mùa đấu giá lần này có thể là nghệ sĩ trẻ, đương đại với mức giá trong tầm vài ngàn đến chục ngàn đô la. Trong khi lại có những “cú ăn may” rất lớn không nằm ở bản thân tác phẩm, mà là những câu chuyện và lịch sử xung quanh tác phẩm ấy. Liệu họa sĩ đương đại có đủ làm nên những câu chuyện hấp dẫn cho tác phẩm của mình hay không?