Nguyễn Thị Cẩm Tiên (Hội Tâm lý Giáo dục, TPHCM) -
Nhiều năm qua, công viên 23 tháng 9 ở quận 1, TPHCM là điểm đến khá thường xuyên của các bạn trẻ nói chung và sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Đây cũng là điểm dừng chân của nhiều du khách người nước ngoài cũng như là điểm dạo chơi, tập thể dục, hóng mát... của những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở thành phố. Phải công nhận là các bạn trẻ Việt Nam rất nhanh nhạy khi tận dụng sự hiện diện của những người nước ngoài ở công viên này để tạo cơ hội học tập và trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Tôi cho rằng, phương cách học tiếng Anh trực tiếp với người nước ngoài này là rất hay và hữu ích.
Hầu như ngày nào ở công viên 23 tháng 9 (ở cả khu A và B) cũng có tới cả trăm, thậm chí vài trăm các bạn trẻ, sinh viên ra đây để tìm người nước ngoài trò chuyện, học ngoại ngữ. Đông đúc hơn cả là vào tầm buổi sáng và buổi chiều tối, khi có tới cả chục nhóm bạn trẻ ngồi quây quần quanh những người nước ngoài để trò chuyện. Không chỉ trò chuyện về nhiều điều trong cuộc sống, các bạn trẻ còn được những người nước ngoài luyện cho cách phát âm ngoại ngữ sao cho chuẩn. Nhiều lúc đi ngang qua những “bàn tròn” giao lưu-kết hợp học ngoại ngữ của các bạn trẻ sinh viên ấy tôi thấy không khí quả là vui vẻ, xôm tụ.
Thông qua các buổi học theo kiểu dã ngoại như vậy, sinh viên không chỉ thu được kết quả là trình độ nghe, nói, hiểu biết của ngoại ngữ được nâng lên, mà họ còn rất vui vì được giao lưu, kết bạn. Nhiều người nước ngoài tỏ ra lịch sự, nhiệt tình, thậm chí là tận tình giúp đỡ...
Như đã nói trên, phương cách học trực tiếp tiếng Anh với người nước ngoài là cần khuyến khích. Tuy vậy, cũng có một vấn đề mà tôi nghĩ nó thực sự là “mặt trái” của trào lưu của “tuổi teen”, đó là thái độ thiếu lịch sự của một số bạn trẻ trong cung cách làm quen với người nước ngoài.
Có lần một vị khách nước ngoài đang ngồi ghế đá chăm chú đọc sách thì một cậu sinh viên vai khoác ba lô đi tới, cất tiếng chào tỏ ý muốn nói chuyện. Người khách nước ngoài này rất lịch sự chào lại, và khi biết ý định của cậu sinh viên kia đã khước từ với lý do là đang đọc sách. Thế nhưng, chẳng hiểu sao mà cậu sinh viên ấy không chịu rời đi chỗ khác mà cứ nán lại, thậm chí còn ngồi xuống phần ghế đá còn trống bên cạnh để nói chuyện. Không muốn tỏ ra là người bất lịch sự, người khách nước ngoài kia đã vội vã đứng dậy rời đi và không quên chào tạm biệt nhưng vẻ mặt không vui.
Chuyện người nước ngoài hết sức vui vẻ trò chuyện với các bạn trẻ ham học tiếng là có thật. Nhưng không phải người nước ngoài nào đến công viên cũng để… giúp các bạn trẻ người Việt học tiếng Anh. Họ đến công viên bởi vì đó là thói quen của họ. Ở đây, họ có thể đọc sách, trò chuyện với bạn bè, thư giãn và có khi chỉ muốn được ngồi một mình. Nhiều bạn trẻ thiếu phép lịch sự nên đâm ra khiếm nhã làm người ta thấy khó chịu. Thiết nghĩ, các bạn trẻ, sinh viên khi ra công viên học ngoại ngữ nên quan sát thật kỹ trước khi chào hỏi, làm quen với du khách nước ngoài. Với những người đang ngồi đọc sách, đang trò chuyện với bạn bè của họ, hay đang trầm tư suy nghĩ... các bạn không nên tiếp cận làm quen, bởi rất có thể các bạn đã làm phiền tới họ, khi bắt buộc họ phải tạm dừng mọi thứ để tiếp chuyện với bạn.