Lương y THÁI THANH NGUYÊN -
LTS: Gần nửa năm nay, người đi đường trên nhiều con đường lớn ở TPHCM thấy có cảnh có người bán trái khổ qua rừng còn tươi, thường kèm theo dây và lá khổ qua rừng đã khô. Hỏi người bán thì được mô tả là có khá nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Trên mạng Internet, mạng xã hội cũng tương tự, rao bán khổ qua rừng khá nhiều, kèm theo là những lời “có cánh” về tác dụng của nó. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của lương y Thái Thanh Nguyên để làm rõ hơn công dụng thực sự của khổ qua rừng.
Tuổi thọ con người ngày nay ngày càng được kéo dài nhưng kéo theo phát bệnh sớm, lão hóa sớm và tỷ lệ đột quỵ cùng các loại ung thư không ngừng tăng lên. Ngày nay cũng là thời đại của tiêu thụ dược phẩm. Người có tiền thì dùng thuốc xịn, đắt tiền, còn với người thu nhập thấp thì họ chỉ hy vọng vào những loại cây cỏ trong dân gian bỗng một ngày nào đó được phát hiện “tác dụng không ngờ”.
Thuốc cũng... phong trào
Vài chục năm qua, lần lượt liệu pháp này đến liệu pháp kia như niệu liệu pháp, trà giấm liệu pháp, canh dưỡng sinh liệu pháp...; rồi côn trùng này đến cây cỏ nọ như địa long, mật gấu, quả nhàu, cây nhật nguyệt, cây xuân hoa, cây xạ đen, cây mật nhân, trinh nữ hoàng cung, trà hoàng ngọc, cây lược vàng, bán chi liên bạch hoa xà thiệt thảo, cây chùm ngây, hạt chia... lần lượt thay phiên nhau bùng nổ. Khi thông tin mới được công bố là rất nhiều người bệnh nghèo lẫn giàu đã sẵn lòng hết lần này đến lần khác lấy thân mình ra làm vật thử nghiệm.
Sau một thời gian dùng, nhận thấy lúc giảm lúc không, người thì hết bệnh, kẻ vẫn vậy nên cũng khá đông bỏ cuộc và trở lại với phòng khám, bệnh viện hoặc bám víu vào một “làn sóng” khác. Thật ra mỗi loại cây cỏ vẫn có tác dụng rất hay khi ta biết rõ sở trường sở đoản của nó. Chỉ với hai tính nóng hoặc mát thôi thì hướng điều trị đặc trưng của nó cũng đã có giới hạn, nên không thể có loại nào trị được bá bệnh. Chỉ với thông tin về một dược liệu rất chung chung: “chữa được ung thư hoặc chữa được năm mười bệnh nan y” đủ để người dùng vội áp dụng không thích hợp cho thể bệnh của mình.
Khổ qua rừng trồng ở vườn nhà
Thời gian gần đây, “thần dược khổ qua rừng” được bày bán khắp nơi, đồng thời với nhiều bài viết được chia sẻ tràn ngập trên mạng. Món thuốc này dần trở nên một cao trào được truyền tai, chia sẻ rộng khắp mà lắm người mua hay dùng nó cũng chỉ biết là “nghe nói”… Ở đây, tôi không phổ biến về tác dụng và dược tính của khổ qua rừng nữa vì ai muốn biết, chỉ cần gõ vài từ trên mạng Internet là có thể hiểu rõ.
Trước hết, ta hãy xác định danh tánh của khổ qua rừng, vì rất nhiều trang web đã chỉ dẫn, phân biệt rất rõ ràng đẳng cấp và tác dụng của các loại khổ qua: khổ qua rừng, khổ qua thường lai khổ qua rừng, khổ qua đèo và khổ qua thường. Các trang web hoặc không nêu tên hoặc khẳng định khổ qua rừng có danh pháp khoa học là Momordica charantia L, họ bầu bí Cucurbitaceae và có nhiều tên khác như cẩm lệ chi, lương qua, mướp đắng rừng...
Trong khi khổ qua trồng là món rau mà cả trăm năm qua mọi người thường dùng và sách vở nói đến trước khi có cơn sốt khổ qua rừng. Sách Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi nói như sau: khổ qua có các tên khác: cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, mướp đắng, chua hao (gọi theo dân tộc Mường tại Thanh Hóa). Tên khoa học Momordica charantia L hoặc Momordica balsamina Desc hoặc Cucumis africanus Lindl., thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae. Có vị đắng, tính hàn, không độc, chứa glucozit momocdixin, betain, protein, adenin, niacin, vitamin A-B1-B2-B3-B6-B12-C-E-K, sắt, magie, phosphor, kali, natri, kẽm... Công dụng chữa bệnh tiểu đường đại trà từ năm 1941, chữa các bệnh về gan mật lâu đời tại Ấn Độ, dân gian dùng chữa viêm nhiệt, tắm rửa ghẻ chóc, ho do đàm nhiệt... Và cùng có hướng dẫn các món ăn được chế biến từ khổ qua trồng như canh khổ qua nhồi thịt hầm, canh khổ qua chả cá thác lác, khổ qua xào trứng, khổ qua bào sống ăn với ruốc bông, dưa khổ qua…
Như thế, so sánh hai loại khổ qua rừng và khổ qua trồng thấy chúng có tên và tác dụng giống hệt nhau. Gia súc và cây trồng đều được thuần hóa từ hoang dã, nhưng với những chủng loại quen thuộc, chúng đã được con người trải nghiệm từ xa xưa. Chúng vẫn có những tác dụng dinh dưỡng, chống bệnh tật, chống lão hóa, chống ung thư một cách bình thường cho đến khi thời đại công nghiệp bùng nổ và tàn phá môi sinh. Từ đó, lương thực thực phẩm ngày càng kém chất lượng trong khi thể trạng con người ngày càng suy yếu. Để khắc phục tình trạng “hai chiều ngược gió” này, người ta khai thác, chắt mót và nâng niu lại món ăn vị thuốc tồn tại trong những vùng miền còn hoang sơ trong sạch; tất nhiên, chất lượng vẫn cao hơn nhiều so với kiểu nuôi trồng thời công nghiệp.
Thực chất hai thứ khổ qua rừng và khổ qua trồng trong vườn của nhà nông chỉ là một. Vấn đề là phải trồng thật tự nhiên hoặc trong môi trường sinh trưởng thiên nhiên chúng mới có đủ thời gian tích lũy những hoạt chất hữu ích cho con người.
Về giống, thông thường được thực hiện theo hai phương thức. Cách thứ nhất, người ta thu hái ngay hạt giống của các cây trong rừng rẫy hoang. Có thể vài thế hệ đầu nó vẫn còn giống sự đèo đẹt, nhăn nhúm, gai góc do điều kiện sống được chăng hay chớ và quy luật sinh tồn trong tự nhiên. Và chắc chắn rằng với điều kiện trồng công nghiệp tối đa thì sang một vài lứa sau, khổ qua rừng đã nở nang căng mẩy y như khổ qua vườn rồi. Cách thứ hai, qua công nghệ lai giống, người ta có được hạt giống tạo ra hình thái đèo đẹt, gai góc như ý muốn kéo dài nhiều thế hệ hoặc vĩnh viễn, tạo sự khác biệt hình thái bề ngoài của khổ qua rừng với khổ qua vườn nhưng ruột của nó vẫn là trái khổ qua trồng đại trà như món canh, món xào trong bữa ăn hàng ngày mà thôi.
Với người có nhu cầu dùng khổ qua, tạm gọi là khổ qua rừng đang bày bán trên đường phố hay mua hạt giống về nhà trồng, thì cần tìm hiểu tính chất của một vị thuốc để xem có thích hợp với thể trạng của mình hay không? Nhất là tính hàn nhiệt phải sử dụng theo cách bổ sung, thuốc ấm chữa bệnh lạnh và ngược lại. Ấy là chưa nói đến các bệnh chứng song hành như trên nóng dưới lạnh và ngược lại, trong lạnh ngoài nóng và ngược lại, gan nóng thận lạnh... thì việc điều trị không thể tự mình thử nghiệm được.
Hai là khi dùng thuốc phải cẩn thận cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người mất sức. Ba là khuyên các nhà vườn khi đã có tâm trồng khổ qua bán làm thuốc thì phải tuân thủ đúng kỹ thuật an toàn cho người dùng để góp phần an sinh xã hội.