Minh Duy -
Gần một tuần sau khi phim Kong: Skull Island được trình chiếu tại Việt Nam, nhiều công ty du lịch đã chào bán các tour đến các địa danh có cảnh quay trong phim. Bộ phim Hollywood này đã mang lại những tác động tích cực ban đầu cho du lịch, nhưng để trở thành một bàn đạp cho phát triển du lịch thì các địa phương còn nhiều việc phải làm.
Chào tour cũ với tên gọi mới
Khách du lịch tham quan khu du lịch Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Hồng Ngọc
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, có rất nhiều tour được các công ty trong nước và nước ngoài chào bán nhân dịp Kong: Skull Island được trình chiếu. Điểm chung của những tour này là đưa khách đến các thắng cảnh có cảnh quay trong phim ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình và kéo đến một số điểm tham quan ở Hà Nội. Đây là chương trình tour quen thuộc với khách du lịch nhưng đơn vị làm tour làm mới sản phẩm và gây sự chú ý với khách bằng cách gắn vào thời sự là bộ phim đang trình chiếu.
Trong số đó, Công ty Du lịch Exotic Voyages giới thiệu tour trọn gói New Kong: Skull Island, dài 10 ngày cho khách đi từ Bắc đến Nam, qua những địa danh vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình... với giá từ 2.055 đô la Mỹ. Công ty nước ngoài này đã khéo léo lồng ghép lời giới thiệu về cảnh quan của Việt Nam cùng với sự kiện mới về King Kong, Exotic Voyages nói: “Chào mừng đến với một sắc thái khác của đất nước tuyệt vời này”, và “Hãy cùng trải nghiệm Việt Nam theo cách mà bạn chưa từng làm trước đây trên chuyến lưu diễn King Kong độc đáo của Exotic Voyages”.
Nhiều công ty khác ở Việt Nam như Starlight, Emperor Cruises, Oxalis… cũng chào nhiều sản phẩm gắn với vua Kong. Trong đó, Starlight thì chào sản phẩm Kong: Skull Island Vietnam dài 6 ngày, đi các địa danh phía Bắc như Hạ Long, Ninh Bình cùng chương trình nghỉ đêm tại khách sạn ở Hà Nội, ngủ trên tàu ở vịnh Hạ Long; Emperor Cruises có chương trình 3 ngày cho những đoàn thuê tàu riêng, khám phá các điểm đến, những địa danh trong phim bằng tàu cao tốc; Oxalis ở Quảng Bình – công ty bỏ nhiều công sức để kéo đoàn làm phim này đến Việt Nam – cũng đã chào tour một ngày khám phá hang Tú Làn với giá 1,8 triệu đồng/người/nhóm 2 người.
Một công ty du lịch khác, Vietravel thì chọn thêm một góc mới, đó là cho khách du lịch ngắm thắng cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, như cách mà bộ phim Kong: Skull Island đã làm. Hai ngày trước, công ty này giới thiệu chùm tour “Theo dấu chân Kong: Skull Island trên thủy phi cơ”. Chùm tour này gồm chương trình Hà Nội, vịnh Hạ Long, Ninh Bình 4 ngày có giá từ 11 triệu đồng/người, khởi hành vào thứ Ba cách tuần; chương trình Hà Nội, vịnh Hạ Long, nghỉ dưỡng ở Vĩnh Phúc… có giá từ 6,6 triệu đồng/người, khởi hành vào thứ Năm cách tuần.
Kong chỉ là bước khởi đầu
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về sức hút phim Kong trong việc kéo khách đến các địa danh có trong phim, nhiều công ty du lịch cho biết bộ phim tạo sự chú ý lớn với du khách và cả những công ty du lịch đối tác. Cuối tuần trước, một số công ty giới thiệu tour có kèm theo điểm nhấn là Kong: Skull Island tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin 2017 (Đức) đã tạo được sự quan tâm của những bạn hàng quốc tế. Khách du lịch trong nước cũng có sự hứng khởi tương tự, hỏi rất nhiều về tour đến Quảng Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình.
“Chúng tôi chỉ mới giới thiệu tour được 2 ngày nên chưa thống kê về số lượng bán nhưng khách hàng rất quan tâm. Chúng tôi nhân cơ hội này để lồng vào chương trình ngắm vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ. Đây là chương trình khó bán vì giá cao hơn tour thông thường nhưng nay với sức hút của Kong, nhiều khách đã hỏi tour”, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông của Vietravel nói.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng phim Kong tuy hấp dẫn nhưng không phải có Kong là du lịch phát triển mạnh mẽ. Tuy sức hút của Kong với du khách nội địa thể hiện ngay tức thì nhưng chỉ kéo dài cỡ một năm. Với khách quốc tế, thời gian sẽ kéo dài hơn nhưng với điều kiện là những địa phương có cảnh đẹp trong phim phải tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh, cải thiện dịch vụ, đầu tư tạo nên những tour tại chỗ có liên quan đến bộ phim, làm những điểm du lịch có gắn với phim để khách ghé thăm hoặc cũng có thể tạo nên những sản phẩm lưu niệm, những thứ khách du lịch có thể đem về có liên quan đến vua Kong.
“Chúng tôi không thể tạo nên một sản phẩm mới hoàn toàn nhân dịp bộ phim này ra đời bởi điểm đến không có gì mới, không có các sản phẩm, dịch vụ hưởng ứng bộ phim để chúng tôi lấy cớ làm tour. Đáng ra địa phương phải chuẩn bị những dịch vụ mới này để khi phim ra rạp là chúng tôi bán tour ngay”, bà Hương nói.
Ông Phạm Hà, CEO của Công ty Du lịch Luxury Travel, cho rằng đây là cơ hội lớn để thực hiện ngay các chương trình xúc tiến hình ảnh các địa danh trong phim. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư những hạng mục như phim trường, có thể chỉ là nơi tái hiện một vài cảnh quay tại điểm đến để tạo điểm nhấn cho du khách. “Ngành du lịch đã có vài động thái tích cực như mời đạo diễn phim, ông Jordan Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch Việt Nam nhưng đó chỉ là một trong nhiều hoạt động cần phải làm”, ông nói.
Trong các địa phương trên cả nước, Phú Yên là nơi đã từng có kinh nghiệm về phát triển du lịch cùng với điện ảnh. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trình chiếu vào nửa cuối năm 2015 đã tạo nên một làn sóng du lịch, đặc biệt là của các khách hàng trẻ tuổi trong nước đến với những cảnh đẹp ít biết đến ở Phú Yên được giới thiệu trong phim. Làn sóng “hoa vàng trên cỏ xanh” cũng khiến một số nhà đầu tư cũng sực tỉnh, thấy được tiềm năng lớn của tỉnh nên bỏ vốn vào các dự án du lịch mới, khởi động những dự án đang chậm triển khai.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết sau đó, tỉnh đã thực hiện tiếp một số hoạt động như mời doanh nghiệp du lịch đến để khảo sát, làm tour đến Phú Yên, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư… làm tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch từ 17% của năm 2015 lên 30% vào năm 2016, nhưng nay thì tình hình đã lắng dịu bớt.
“Nên coi các bộ phim như là một cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tạo sản phẩm và đẩy nhanh quá trình đầu tư dịch vụ để đón khách, không nên nghĩ rằng chỉ cần có phim”, ông Bảy nói.
Trong ngày đầu tiên trình chiếu Kong: Skull Island tại TPHCM, các rạp chiếu phim Galaxy đã chào bán những bộ sản phẩm gồm bình đựng nước có in hình vua Kong kèm theo gói bắp rang. Khá nhiều người đã mua bộ sản phẩm này để làm kỷ niệm. Những chiêu thức khuyến khích khách hàng chi tiền, tận dụng cơ hội để chào thêm sản phẩm như thế này cũng là cách mà các địa phương như Quảng Bình, Ninh Bình và Quảng Ninh nên học hỏi để ăn theo sức nóng của bộ phim.
Vài ngày trước, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết ngành du lịch tỉnh đang chuẩn bị tổ chức loại tour mới, đưa du khách đến những địa điểm quay phim như ở Tú Làn, Ninh Hóa cũng như tái hiện một vài hình tượng của các nhân vật trong phim cho khách du lịch xem. Hiện đã chọn được doanh nghiệp tổ chức tour và sẽ sớm có giới thiệu tour đến khách du lịch.
Động thái này tuy chậm một nhịp so với thời điểm cần tung ra các sản phẩm nhưng nếu vẫn tiếp tục thực hiện bài bản thì du lịch sẽ có một bước tiến mới hậu… Kong.