Đến nay, hơn 1.000 lao động trong ngành du lịch, thông qua Quỹ xúc tiến du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đăng ký để được vay gói hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/người với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Đà Nẵng, để chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, "miếng bánh" này không dành cho tất cả.
- Lao động ngành du lịch ở Đà Nẵng được hỗ trợ vay đến 100 triệu đồng/người
- Du lịch miền Trung cần nhiều ‘liều vắc-xin’ để tồn tại
- Đẩy nhanh việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Chuyện người đi vay
Anh Vũ Hải Nam là hướng dẫn viên tiếng Hàn tại thành phố Đà Nẵng. Trước khi dịch bùng phát tại Việt Nam đầu năm 2020, anh Nam thường phải đi làm 15 tiếng đồng hồ một ngày. Anh cũng như những hướng dẫn viên tiếng Hàn khác luôn có thu nhập và công việc ổn định, nếu không nói là ở mức cao vì thời gian đó khách du lịch Hàn Quốc đứng đầu danh sách các thị trường du lịch quốc tế tại thành phố biển miền Trung này. Năm 2019, trong tổng số 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, có 1,7 triệu là khách Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi dịch bùng phát và các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng đều bị tạm ngưng vào đầu tháng 3-2020, hàng ngàn hướng dẫn viên mảng du lịch quốc tế phải nghỉ việc. Và đương nhiên, anh Nam rơi vào cảnh thất nghiệp như những người khác.
Anh chuyển sang dạy kèm tiếng Anh cho học sinh khối trung học cơ sở với mức thu nhập vừa đủ sống và thấp hơn trước rất nhiều. Đây cũng là công việc chính trong một ngày của anh trong hơn một năm qua. Thời gian còn lại anh dành cho tập thể dục và nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Hàn) của mình.
“Đây cũng không phải là niềm đam mê của tôi. Đam mê của tôi là được hướng dẫn khách”, anh Nam cho biết. “Nhưng đành phải chấp nhận và chờ ngày quay trở lại. Chắc chắn tôi sẽ không bỏ nghề du lịch”.
Và để có thể cải thiện thêm thu nhập, cuối tháng 6 vừa qua anh đã đăng ký gói vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng để đầu tư một cơ sở dạy học ở nhà. Theo thông tin từ Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, anh là một trong số 11 người được chấp thuận cho vay tín chấp từ gói ưu đãi này (tính đến ngày 11-7). Bản thân anh Nam được phê duyệt mức vay 50 triệu đồng.
Trong khi đó, chị Văn Thị Kiều từ Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Trí (doanh nghiệp đầu tư một khách sạn tại Đà Nẵng) cũng đã đăng ký vay gói ưu đãi này. Chị cũng hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình tiếp cận khoản vay này.
Chị Kiều, một người có thâm niên trong ngành du lịch cho biết, trước dịch, khách sạn kinh doanh khá tốt với công suất phòng bình quân 70-80% chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Khi dịch xảy ra, trong hơn một năm qua, công suất phòng có lúc chỉ còn 10-15%.
“Trong 2 năm qua, tôi mở cửa lại để kinh doanh được khoảng hai tháng, phục vụ số ít khách Việt Nam và phải đóng cửa thường xuyên vì không có khách và không gánh nổi chi phí”, chị Kiều nói và cho biết thêm nhân sự của khách sạn lúc bình thường khoảng gần 100 người. Nhưng đến lúc này họ đã nghỉ khá nhiều, đi làm cho các công ty khác trong lĩnh vực sản xuất, ẩm thực, thương mại… Nhưng theo chị Kiều, phần nhiều cũng đã nghỉ làm và chờ ngày quay lại ngành du lịch.
“Năm ngoái chúng tôi còn chút hy vọng sẽ bắt đầu lại từ năm nay. Nhưng đến lúc này, chúng tôi chỉ trông chờ hiệu quả từ việc tiêm vaccine mới tính đến việc phác thảo kế hoạch để quay trở lại”, chị Kiều.
Về khoảng vay này, thị Kiều cho biết mình và các đồng nghiệp đang chờ duyệt. “Chúng tôi cần những khoản vay ngắn hạn với hỗ trợ lãi suất 0%. Hiện nay khoảng vay tín chấp này có mức ưu đãi 7,9% nhưng cũng là một thách thức cho việc trả nợ và lãi vay trong tình hình khó khăn hiện nay. Chưa kể, các điều kiện cho vay khá khắt khe”, chị Kiều cho biết.
Những thách thức từ gói vay
Gói vay ưu đãi mà anh Nam, chị Kiều hay các lao động ngành du lịch đang tiếp cận là chính sách mới nhất của thành phố về việc cho vay đối với người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Gói này có nhiều mức vay, với mức tối đa là 100 triệu đồng cho người lao động vay vốn để chuyển đổi ngành nghề (chuyển hẳn sang nghề mới) hoặc để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch.
Gói vay này được thực hiện dựa vào các đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, Sở Tài Chính, Sở Du lịch Đà Nẵng, Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Theo thông tin từ KTSG Online, 13-7, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Đây là một chủ trương mang tính đột phá của thành phố và có sự đồng thuận từ các bên, trong đó có Hội đồng Nhân dân thành phố. Chính sách này đã giải quyết nhu cầu cấp bách, hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh họ không còn nguồn nào để sống qua đợt dịch thứ 5. Một số người có thể còn tài chính đề chống chọi, sống qua ngày. Một số khác thì gần như kiệt quệ”.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thừa nhận rằng chính sách này cũng có những mặt thách thức cần phải giải quyết. Thứ nhất, đó là vấn đề duy trì lực lượng lao động sau khi dịch được kiểm soát.
“Mục tiêu của chúng tôi là 80-90% lao động sẽ quay lại nghề du lịch. Mục đích của gói vay là hỗ trợ chuyển đổi nghề để mưu sinh. Khi người lao động đã có sự ổn định trong nghề mới thì rất khó cho họ quay trở lại nghề du lịch. Hiện nay đa phần người đăng ký vay là hướng dẫn viên và nhân viên làm trong khách sạn cũng như vận chuyển du lịch”, ông Dũng giải thích và cho biết thêm các bên liên quan đã họp bàn bạc rất nhiều để có thể vừa hỗ trợ người lao động vừa đảm bảo nguồn lao động sau khi dịch kiểm soát.
Phương án được đưa ra là khuyến khích người lao động vay đầu tư kinh doanh vào các nhóm ngành mang tính gần gũi với du lịch và dễ thay đổi để giúp họ quay lại nghề du lịch.
Thách thức thứ hai mà ông Dũng đề cập cũng là trăn trở của nhiều người đi vay. Đó là vấn đề lãi suất và các điều kiện cho vay. Ông cho biết Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chỉ có thể làm vai trò cầu nối và hỗ trợ để có được chính sách tốt nhất. “Người lao động muốn tiếp cận cần phải có sự quyết tâm và trách nhiệm cao”, ông Dũng nói.
Theo tìm hiểu thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, đối với người lao động du lịch hưởng gói vay này, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do ngân hàng xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Lãi suất cho vay đối với người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm) và được cho là lãi suất ưu đãi với loại vay tín chấp.
Được biết, một phần nguồn này đến từ nguồn vốn bổ sung từ kinh phí còn lại của chương trình cho vay trả nợ tiền sử dụng đất tái định cư 100 tỉ đồng theo chủ trương của thành phố và xem xét cân đối một phần từ nguồn vốn Trung ương thu hồi nợ cho vay quay vòng để cho người lao động trong lĩnh vực du lịch vay vốn nhằm chuyển đổi ngành nghề (chuyển hẳn sang nghề mới) hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch theo cơ chế cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định hiện hành của Chính phủ và UBND thành phố.
Những hỗ trợ khác của ngành du lịch
Theo đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, bên cạnh khoản vay này, ngành du lịch cũng đã có những chuẩn bị và hỗ trợ cho lao động ngành du lịch để họ có thể giữ lửa nghề và quay trở lại.
Cụ thể, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch trong thời gian qua đã triển khai và đề xuất lãnh đạo thành phố nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch như: Tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo các các sở, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố tại Kế hoạch số 65/KH-UBND về khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022 và Tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”; hỗ trợ Hội Vận chuyển du lịch mượn tạm thời một số khu đất trống do thành phố quản lý làm địa điểm đậu đỗ xe du lịch không thu phí, sử dụng trong năm 2021; cung cấp số lượng và danh sách các đối tượng là người lao động của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng để tổng hợp, triển khai tiêm vắc xin sớm nhất khi được cho phép trong thời gian tới; cung cấp các thông tin về tình hình lao động ngành du lịch, số lượng đề xuất hỗ trợ và hình thức hỗ trợ người lao động để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND thành phố….
Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp Hiệp hội Du lịch, các hội thành viên tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo miễn phí để trợ các doanh nghiệp du lịch, người lao động như lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành, lớp cập nhật kiến thức định kỳ dành cho hướng dẫn viên, lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch dành cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe du lịch, khóa đào tạo kỹ năng lễ tân chuyên nghiệp và marketing, tổ chức phổ biến về công tác đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Sở Du lịch hiện cũng đang nắm thông tin và phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tiếp cận với các chính sách đã được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương ban hành như Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021; Giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3); Miễn, giảm lãi vay đến hết năm 2021; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021; Hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; Miễn đóng Bảo hiểm y tế 8 tháng cho người lao động…
Và nhằm tạo điều kiện sớm khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới, Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cũng đã đề nghị Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cùng các Sở ban ngành tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho phép các doanh nghiệp du lịch thành phố Đà Nẵng được phép chủ động tiếp cận nguồn vaccine và đóng góp kinh phí cho Quỹ bằng cách tự mua vaccine để tiêm cho các cán bộ, nhân viên.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online
Với chuyên đề “Họ sống thế nào trong đại dịch”, chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh cuộc sống mà trong đó, từ những người đang không có một công cụ lao động nào trong tay cho đến những doanh nghiệp quy mô lớn, làm thế nào để duy trì và ổn định được “sức khỏe” của mình trong đại dịch.00
Chuỗi nội dung trong chuyên đề này sẽ được đăng tải trên ác ấn phẩm của nhóm Kinh tế Sài Gòn gồm Kinh tế Sài Gòn Online, Sài Gòn Tiếp Thị và The Saigon Times (tiếng Anh).
Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.