Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Chuyện nghề du lịch: Cách sắp xếp hiệu quả đồ trekking vào ba lô

(SGTT) - Một chuyến đi trekking dài sẽ làm đôi chân của bạn mệt mỏi, nếu đôi vai cũng đau nhức thì cảm nhận về chuyến đi này sẽ tệ hại hay mỗi khi cần lấy vật dụng trong ba lô ra phải moi hết đồ đạc thì bạn sẽ cảm thấy khá bực bội. 

Bài viết này sẽ hướng dẫn cách phân loại và sắp xếp vật dụng trong ba lô để dễ dàng lấy đồ ra nhanh chóng và tránh ba lô bị mất cân đối ảnh hưởng quá trình di chuyển của bạn.

Ba lô trekking thiết kế để chứa được nhiều đồ, tải nặng (ba lô loại 60-80L có thể chứa trên 30kg) và có thể lấy vật dụng ra dễ dàng.

Hãy sắp xếp ba lô một cách hợp lý để có thể chứa nhiều đồ nhất có thể, vật dụng không bị lắc lư và cân đối ba lô không bị nặng quá một bên, tránh gây chấn thương cho vai hoặc lưng trong khi đi trekking.

Cách phân chia vật dụng và sắp xếp cho ba lô

Ba lô được chia thành 4 khu vực

Ngăn đáy hay ngăn túi ngủ: để túi ngủ, vật dụng cồng kềnh, nhẹ và ít sử dụng trong quá trình di chuyển như túi ngủ, nệm hơi, quần áo, võng…

Cỡ ba lô loại 30 – 40L có một số loại không có ngăn riêng và không dây kéo để mở bên dưới. Còn ba lô lớn hơn thì đảm bảo có ngăn riêng và dây kéo mở riêng. Nếu để túi ngủ vào còn trống hãy để thêm đồ nhẹ, lớn như quần áo, khăn, nệm hơn, gối, tăng che, giày, dép… nhét mọi ngóc ngách còn trống.

Ngăn để túi ngủ này cần đầy giúp hấp thụ xung lực cho ngăn ở thân để đồ nặng. Khi di chuyển đường xóc, lực sẽ tác dụng lên đồ mềm bên dưới nên sẽ giảm lực tác dụng trực tiếp lên vai và khi va chạm hoặc té sẽ bảo vệ được lưng.

Những đồ xếp ở ngăn này, vào mùa mưa nên được cho vào túi ni lông hay túi zip bọc kính để tránh ướt và nặng ba lô.

Ngăn giữa: còn chia làm 2 khu vực

+ Vùng gần lưng, nơi quan trọng nhất nên chứa những vật dụng nặng để giữ trọng tâm cho ba lô và cơ thể, có thể bảo vệ những đồ dễ hư hại. Ngăn này nên chứa thức ăn, nước uống cho ngày kế tiếp, ghế, hoặc lều…

+ Vùng phía trước để đồ nhẹ hơn như quần áo, nồi, chén, ga, bếp….

Ngoài ra, khi xếp đồ vào ba lô cũng cần lưu ý như giữ bình ga tách riêng thức ăn; Thức ăn hãy cho vào hộp hoặc những túi riêng; Lều bỏ trong ba lô hãy gỡ khung ra rồi hãy nhét lều vào; Sắp xếp đồ dễ bể vào nồi, nhét kín khoảng trống để tránh lắc và dễ vỡ.

Hãy sắp xếp đồ cân đối trong ngăn này, không để đồ nặng một bên và đồ nhẹ một bên để  tránh đau một bên vai. Ngoài ra, cần đặt đồ nặng sát lưng, đồ nhẹ hướng ra ngoài bụng ba lô và vật dụng nặng nằm bên dưới. Cố gắng để trọng tâm ba lô hướng xuống, không bị kéo về sau sẽ dễ làm bật ngữa khi mất thăng bằng. Cố gắng nhét kín khoảng trống để tránh đồ di chuyển trong quá trình trekking.

Ngăn nắp ba lô thường để vật dụng nhẹ, thường dùng trong ngày như áo khoác, bộ sơ cấp cứu, thức ăn nhẹ dọc đường, lọc nước, đèn pin, giấy vệ sinh… Không để đồ nặng trên nắp làm ba lô mất trọng tâm.

Bên ngoài ba lô, một số ba lô có chỗ móc dây cho những đồ nhẹ, dài và cồng kềnh, đồ quá khổ như lều, tấm cách nhiệt, điện thoại, vật dụng nhỏ gọn… Phía dưới đáy ba lô thường để cột lều hoặc tấm cách nhiệt. Giữa ngăn thân và ngăn đỉnh có thể nhét lều hoặc cách nhiệt. Trên nóc ba lô có thể để tấm cách nhiệt, nón bảo hiểm. Túi 2 bên hông có thể để chai nước, dao, khung lều.

Ngoài ra, túi trên đai hông để kem chống nắng, chai nước nhỏ, son, kem chống nắng, GPS, kính mát. Ngăn áo mưa thường nằm dưới đáy ba lô. Bên cạnh đó, một số móc cột để gậy leo núi, rìu, cưa, dây thừng… nhưng món đồ này dễ gây vướng nên hãy móc và cột cẩn thận.

Một số lưu ý khác

+ Phân chia đồ cân bằng 2 bên ba lô để tránh lệch một bên và coi đồ nào dùng nhiều nên để bên thấy thuận tay lấy ra.

+ Quần áo nên cuộn tròn trước khi xếp vào ba lô để có thể chứa được nhiều.

+ Đồ dùng cần khô ráo và dễ thấm nước nên được bọc lại.

+ Gom những đồ nhỏ, cùng loại vào một túi để thuận tiện tìm, lấy ra hoặc cất vào.

Phùng Quang Huy


Chương trình “Chuyện nghề du dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của các chuyên gia xây dựng tour, đội ngũ hướng dẫn viên trên hành trình dẫn tour; những chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch trong nước, quốc tế, kinh nghiệm trekking, camping, du lịch mạo hiểm… của các chuyên gia – blogger du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối