Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chuyện nghề du lịch: Kinh nghiệm tránh bị giông sét khi đi dã ngoại

(SGTT) - Hàng năm, trên thế giới có rất nhiều người đi dã ngoại gặp tai nạn do sét đánh, hậu quả thường rất nghiêm trọng, có người bị bỏng nặng, đa chấn thương thậm chí là chết người.
Các vị trí nguy hiểm như đỉnh núi, sườn dốc, vách đá, cây cao, cây cô đơn, hồ nước cần tránh ca khi có giông sét.

Việc bị sét đánh trực tiếp là rất hiếm gặp nhưng các trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp do giông sét thường mang đến hậu quả khá nghiêm trọng. Trong bài viết này, tôi đề cập đến việc làm thế nào để tránh đi vào những vùng có nguy cơ bị giông tố và làm sao để bạn được an toàn nếu không may đến vùng có sét đánh.

Nên làm gì để tránh đi vào vùng có nguy cơ bị giông tố?

Xem thông tin dự báo thời tiết trước mỗi chuyến đi. Bạn có thể tìm hiểu thông tin trên internet, gọi điện kiểm tra hoặc liên hệ với người dân địa phương nơi bạn muốn đến để kiểm tra thông tin về thời tiết.

Điều này cực kỳ quan trọng và bạn cần phải thực hiện trước mỗi chuyến đi. Nếu nguy cơ do ảnh hưởng của thời tiết quá lớn thì bạn nên ở nhà hoặc thay đổi kế hoạch.

Ngồi xổm trên các vật dụng cách điện như ba lo vãi, khăn tắm, túi ngủ, nệm hơi cũng là cách chống bị sét đánh.

Nên khởi hành sớm. Các cơn giông thường xuất hiện lúc chiều muộn đặc biệt là vào mùa hè. Vì vậy, bạn sẽ giảm được rất nhiều nguy cơ bị mắc kẹt trong những trận giông nếu bạn khởi hành sớm và quay về sớm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan, giông cũng có thể xuất hiện vào gần trưa.

Quan sát các hiện tượng có thể gây ra giông tố, bạn có thể không phải là nhà khí tượng thủy văn nhưng tôi tin rằng bạn có thể quan sát trời, quan sát các đám mây thường xuyên trong khi đi dã ngoại.

Trời rất dễ trở giông nên bạn cần chú ý không chủ quan, có thể chỉ mất 30 phút để chuyển từ một bầu trời trong xanh sang những cơn giông. Giông có thể đến nhanh hơn ở miền núi.

Hãy luôn chủ động. Nếu nhận thấy được nguy cơ có giông sét, bạn không nên di chuyển vào vào những khu vực dễ bị sét đánh như đỉnh núi, gò đất, hoặc sống lưng núi. Hãy đợi cho cơn giông đi qua bằng cách ẩn nấp ở các vùng thấp như thung lũng, vùng trũng hoặc quay trở lại, hoặc thay đổi hướng đi.

Hãy luôn có những kế hoạch sẵn. Nếu thời tiết không ổn định, bạn phải luôn luôn có những kế hoạch, giải pháp dự phòng để tính toán được sẽ mất bao lâu để bạn có thể đến nơi an toàn. Không nên để nước đến chân mới nhảy.

Hãy luôn có kế hoạch sẵn sàng quay trở lại điểm xuất phát. Quay ngược trở lại là một lựa chọn rất khó khăn. Chúng ta thường hay tự nhũ với bạn thân mình rằng cơn giông rồi sẽ qua thôi mà quên mất thời điểm quan trọng cần phải có một hướng xử lý khác.

Và thường bạn sẽ để tuột mất cơ hội để đến nơi an toàn đúng thời điểm. Thật khó để đưa ra quyết định là có nên quay lại hay không nhưng nguy cơ bị sét đánh sẽ để lại hậu quả khó lường. Bạn sẽ luôn suy nghĩ và đưa ra lựa chọn quyết đoán.

Các thành viên trong nhóm nên tách nhau ra để tránh bị thương nhiều người. Mỗi người cách nhau ít nhất 30m.

Hãy quan sát động vật. Một số loài động vật thường thay đổi hành vi của chúng khi chúng cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết. Vì vậy, nếu bạn quan sát thấy được sự bất thường của các loài động vật khi đang đi dã ngoại, bạn hãy chuẩn bị cho một sự thay đổi nào đó về thời tiết.

Nếu bạn đã ở trong vùng có giông sét, hãy làm theo những hướng dẫn sau đây:

  • Những điều nên làm

Tránh xa những vật dụng kim loại: đây là những thứ dẫn điện rất tốt. Hãy bỏ lại những vật dụng bằng kim loại như gậy đi rừng, balo có khung bằng kim loại… cách xa bạn tối thiểu 30m và tránh xa bất cứ khu vực nào có kim loại như hàng rào sắt, ống nước kim loại... Nếu bạn nghe được tiếng xẹt từ bất cứ vật thể kim loại nào, hãy tránh xa càng nhanh càng tốt.

Tránh xa những hồ nước ít nhất 100m khi có hiện tượng giông sét.

Tránh xa những khu vực có nước, cách tối thiểu 100m: Nước cũng là nguồn dẫn điện.

Nếu bạn đi cùng nhiều người trong một nhóm, hãy tách nhau ra, Mỗi người cách nhau từ 20 đến 30m. Điều này sẽ hạn chế được nguy cơ cả nhóm cùng bị sét đánh trùng. Sẽ dễ hơn nếu nhiều người cứu một người, nhưng nếu cả nhóm cùng bị sét đánh thì sẽ không có ai để giúp.

Ngồi xổm, hãy ngồi gập người lại trên hai bàn chân, hai gót chân chạm vào nhau, hai tay vòng kéo thấp đầu xuống chạm gối, hai tay đặt đặt lên tai. Hãy ngồi gập trên balo, tấm khăn, hoặc bất cứ thứ gì cách ly được với mặt đất. Cách này sẽ giúp tránh được việc bạn bị giật điện nếu sét đánh trúng khu vực bạn đang ngồi, đặc biệt khi mặt đất bị ướt.

Tránh xa các gò đất.

Nếu bạn không có bất cứ vật dụng cách ly mặt đất nào hãy duy trì tư thế ngồi gập người hai bàn chân sát nhau và chỉ để mũi bàn chân chạm đất, gập đầu trên gối. Cách này sẽ giúp bạn tránh bị sét đánh và trong trường hợp sét đánh gần vị trí của bạn sẽ giúp giảm chấn thương đến các cơ quan quan trọng trên cơ thể của bạn.

Những điều không nên

Không được hoang mang. Nếu bạn mất bình tĩnh, bạn thường hành động mất kiểm soát và dễ gây ra hậu quả nghiệm trọng, có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm.

Không được chạy. Khi bạn chạy, bạn sẽ tạo ra một luồng gió hút theo sau lưng bạn và đây cũng là yêu tố dễ bị sét đánh trúng và thường đa số khi bạn chạy bạn sẽ bị té ngã và chấn thương.

Không được ẩn nấp dưới gốc cây cô đơn.

Không được đứng trên các vị trí cao như sống núi, gò đất hay đỉnh núi… bởi vì giông sét thường đánh vào những vị trí này. Hãy ẩn nấp ở một nơi có địa hình thấp. Tuy nhiên, hãy lưu ý tránh những vùng có nguy cơ bị ngập nước.

Không được ẩn nấp dưới một gốc cây đơn độc hoặc bất cứ điểm ấn nấp nào nằm một mình giữa khoảng trống. Nếu sét đánh trúng cây, bạn sẽ rất dễ bị cây gãy đè lên và gây chấn thương. Mặt khác giông sét thường đánh vào các vị trí nhô lên. Bạn không được ẩn nấp ở một vị trí nào nhô lên giữa khoảng trống vì đây là nơi dễ thu điện. Nếu bạn đang ở trong rừng, hãy tránh xa những thân cây cao.

Tư thế ngồi xổm để tránh tiếp xúc với mặt đất và giảm nguy cơ bị chấn thương các vùng nguy hiểm trên cơ thể.

Không được ẩn nấp dưới các vách đá. Nếu sét đánh trúng vách đá, bạn có thể bị chấn thương rất nặng do đá rơi.

Không được ẩn nấp gần các hố hoặc sườn dốc. Rất nhiều trường hợp bị tại nạn khi ẩn nấp tránh sét đánh tại các vị trí nguy hiểm như hố sâu và vách núi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không phải do sét đánh mà do bất cẩn và bị rơi xuống hố hoặc vách núi.

Không được ẩn nấp trong các hốc đá. Những vị trí này rất dễ bị sét đánh trúng. Hãy tìm những hang động rộng lớn và ở vị trí cao để ẩn nấp và tránh mưa giông và sét.

Chúc các bạn có những chuyến dã ngoại an toàn.

Lê Lưu Dũng – Giám đốc Jungle Boss

Công ty du lịch chuyên tổ chức các tour mạo hiểm có trụ sở tại Quảng Bình


Chương trình “Chuyện nghề du dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của các chuyên gia xây dựng tour, đội ngũ hướng dẫn viên trên hành trình dẫn tour; những chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch trong nước, quốc tế, kinh nghiệm trekking, camping, du lịch mạo hiểm… của các chuyên gia – blogger du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối