Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Chuyển phát nhanh chạy đua tìm khách

CHÍNH PHONG - 

Vài năm trước, cứ đến mùa lễ tết là các doanh nghiệp chuyển phát nhanh làm không hết việc khi nhu cầu gửi thư từ, hàng quà tăng đột biến. Nhưng nay thói quen tiêu dùng thay đổi, công việc ít dần, một số doanh nghiệp trong ngành đang phải chạy đua tìm dịch vụ mới, cạnh tranh quyết liệt để tìm khách.

Thị trường thay đổi

Chị Thu Hà, giám đốc một công ty nhập khẩu và phân phối vải sợi tại TPHCM, cho biết mấy năm trước công ty chị thường gửi thiệp, lịch để bàn và các món quà nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước nhân dịp lễ tết. Chuyển phát nhanh là kênh chị chọn để gửi những món quà này. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, thay vì gửi thiệp mừng theo cách trên, công ty chị chọn cách gửi thiệp điện tử.

giaohangnhanhNgày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực chuyển phát nhanh. Ảnh: Thành Hoa

“Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết chúng tôi làm không hết việc. Nhưng gần đây, chuyển phát lịch biếu hầu như không còn và ngay cả thiệp mừng các công ty cũng hạn chế. Trước đây các doanh nghiệp gửi các tập hồ sơ dày cộm đi nước ngoài, nay người ta dùng thư điện tử”, ông Bùi Hoài Nam, Giám đốc Công ty Dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh Eco Post (TPHCM) cho biết. Theo ông, Internet đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này khiến miếng bánh thị trường dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh ngày càng nhỏ lại với từng công ty.

Ông Nam cho biết người tiêu dùng nhỏ lẻ lâu lâu mới gửi bưu phẩm thì không tính, còn các doanh nghiệp thường xuyên cần đến dịch vụ chuyển phát nhanh thì chọn lựa đối tác dựa trên giá cả và tiện ích dịch vụ. “Dù giá đã cạnh tranh rồi, nhưng nếu lơ là về mặt dịch vụ, chẳng hạn không cho người đến tận nơi lấy hàng hay chuyển hàng chậm, là mất khách vào công ty khác ngay”, ông Nam cho hay.

Giống như ông Nam, ông Đỗ Văn Thắng, Giám đốc chi nhánh phía Nam của Công ty cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO), cũng đồng ý rằng tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận gần đây của toàn ngành giảm so với trước.

Nhiều công ty tư nhân tham gia thị trường, tranh thủ hớt phần ngon nhất là chuyển phát nhanh giữa các thành phố lớn bằng các chính sách giá cả và dịch vụ linh động với khách hàng. Trong khi đó, các công ty quốc doanh có độ phủ trên toàn quốc, nhưng phải chịu nhiều chi phí để duy trì do phải lãnh những phần “xương” như vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi. Mặt khác, họ phải xây dựng hệ thống vận hành hoàn chỉnh từ kho bãi đến phần mềm vi tính, thực hiện nhiều quy trình bắt buộc phức tạp nên thiếu linh hoạt hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trẻ.

Sống nhờ thương mại điện tử

Anh Lâm, chủ cơ sở làm giày da trên đường 3-2, quận 10, TPHCM, người chuyên bán hàng qua mạng và Facebook, cho biết mỗi ngày anh xuất trung bình 100 đơn hàng đi TPHCM và các tỉnh. Chi phí cho việc chuyển hàng này vào khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng. Để thực hiện việc giao hàng và thu tiền hộ, anh ký hợp đồng với Công ty EMS (thuộc VNPT).

Thương mại điện tử phát triển, nghiệp vụ Giao hàng và thu tiền hộ (Cash on Delivery – COD) đang trở thành cái phao cho các hãng chuyển phát nhanh. Một loạt công ty trẻ ra đời, bỏ qua mảng bưu chính, nhảy thẳng vào lĩnh vực COD này, chẳng hạn, giaohangnhanh.vn, shipchung.vn, proship.vn…

Một số tìm được khách hàng lớn như các trang thương mại điện tử Lazada.vn, Deca.vn, Tiki.vn, Zalora.vn, Sieumua.com, Sendo.vn, Muachung.vn, Nhanh.vn, hoặc ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị và chuỗi bán lẻ như Big C, Lotte Mart, Metro để cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Rồi sau đó, họ mở rộng ra các khách hàng nhỏ hơn như cơ sở sản xuất giày bán hàng qua mạng của anh Lâm.

Với việc bán hàng qua mạng, chiến lược giao hàng rất quan trọng, là sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu một mặt hàng mà người mua nghĩ có giá phù hợp lại trở nên hơi đắt nếu như cộng thêm cả phí giao hàng thì họ sẽ ngần ngại và bỏ ý định mua hàng. Giao hàng trong phạm vi thành phố thì miễn phí, nhưng giao hàng đi các tỉnh, thành khác là bài toán kinh tế nan giải.

Thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, và thị trường COD đang ghi nhận một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Năm 2012, hãng Kerry Logistics Network của Hồng Kông bắt đầu mua cổ phẩn của Công ty Chuyển phát nhanh Tín Thành, nay đã hoàn tất toàn bộ việc mua bán và đổi tên công ty thành Kerry Express Việt Nam. Trong khi đó, NETCO, một trong năm công ty chuyển phát nhanh nội địa, vẫn còn đang hoàn thiện hạ tầng kho bãi, nhân sự, hệ thống tin học để phát triển COD.

Bỏ ngỏ thị trường quốc tế

Theo sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2014, tổng số doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính năm 2009 là 32 doanh nghiệp tăng lên thành 110 doanh nghiệp vào cuối năm 2013. Dù nhiều doanh nghiệp như vậy nhưng lượng doanh nghiệp tên có đuôi “express” lại làm đại lý chuyển phát nhanh quốc tế cho các hãng nước ngoài khá nhiều.

Hiện nay, thị trường chuyển phát nhanh quốc tế gần như nằm trong tay bốn hãng nước ngoài FedEx, UPS (Mỹ), TNT (Hà Lan), DHL (Đức), trong đó DHL là hãng có độ phủ từ Việt Nam đi toàn cầu khá lớn. Các công ty trong nước vẫn “đứng trên vai” các hãng nước ngoài để làm ăn, hưởng tiền chiết khấu.

Bốn hãng này đều có mặt ở Việt Nam từ những năm 1990 dưới hình thức liên doanh với đối tác trong nước. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam vào tháng 1-2012. Sau thời điểm này, một số hãng nước ngoài trên đã mua lại cổ phần của các đối tác liên doanh trong nước khiến nhiều người lo ngại thị trường chuyển phát sẽ rơi hết vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, một số người trong ngành cho biết dường như các hãng nước ngoài không mặn mà lắm với thị trường nội đia, một phần vì tỷ suất lợi nhuận không cao, một phần vì không quen với các loại phí không hóa đơn trên suốt hành trình giao nhận hàng hóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối