HÀ ĐÌNH NGUYÊN -
Trước 1975, ở Sài Gòn có Ban nhạc tam ca trào phúng AVT nổi tiếng. Những lời ca dí dỏm, lối diễn hài hước rất có duyên của AVT đã mang lại cho công chúng thời ấy những trận cười ý nhị và người nghệ sĩ cuối cùng của tam ca qua đời ngày 6-4-2016.
Tam ca AVT trong thập niên 60 tại Việt Nam, từ trái qua phải: Tuấn Đăng, Lữ Liên và Vân Sơn. Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ Tuấn Đăng.
Ban nhạc AVT ra đời năm 1958 với ba chàng trai: Anh Hải, Vân Sơn và Tuấn Đăng (AVT là lấy từ những mẫu tự đầu tiên trong tên của mỗi người). Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc đồ truyền thống (thời đó gọi là quốc phục) với khăn đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát. Anh Hải chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử dụng contre-bass. Ra sân khấu họ mặc khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau để trình bày những tác phẩm trào phúng mang tính chất châm biếm và hài hước. Những nhạc phẩm trào phúng này hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác, phát triển trên nền âm nhạc dân tộc, đặc biệt là chèo, dân ca Bắc bộ và Trung bộ. Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc.
Dù là bài hát mang tính hài có nội dung xuyên suốt, ca từ không tục và hết sức ý nhị, thâm thúy. Ban tam ca AVT nổi tiếng đến nỗi phòng trà Anh Vũ thời đó ký hợp đồng độc quyền biểu diễn hàng đêm với họ. Tiền thù lao của họ cũng đã đạt kỷ lục thời đó khi Anh Vũ trả cho họ mỗi tháng 1.000 đồng/người (trong khi nghệ sĩ được xem là “quái kiệt” Trần Văn Trạch trả cao nhưng cũng chỉ 700 đồng/tháng).
Với bài Tam nghiệp – sáng tác của Lữ Liên, khán giả được dịp cười hả hê khi thưởng thức những âm điệu cổ truyền với lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động – nhất là lúc Vân Sơn hứng lên múa trống, tung dùi và Tuấn Đăng với cây contre-bass để solo theo nhịp khiến khán giả cổ võ muốn sập rạp… Năm 1962, Anh Hải được thay bởi kịch sĩ Hoàng Hải, rồi Lữ Liên thay Hoàng Hải (1965). Mặc dù lúc này trong ban nhạc không còn ai mang tên có chữ A ở đầu, nhưng cái tên AVT đã ăn sâu vào người hâm mộ yêu âm nhạc thời đó nên trưởng ban là Lữ Liên vẫn giữ nguyên tên gọi. Tuy nhiên, ông đã quyết định lọai bỏ ba nhạc khí của phương Tây, để chỉ sử dụng những nhạc khí cổ truyền Việt Nam.
Từ đó Vân Sơn chơi tỳ bà, Tuấn Đăng chơi đàn sến và Lữ Liên sử dụng đàn nhị. Nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác một loạt các tác phẩm trào phúng như Chúc xuân, Vòng quanh chợ tết, Tiên hạ giới, Đêm Sài Gòn, Gái trai thời đại, Lịch sử mái tóc huyền, Mảnh bằng, Ba bà mẹ chồng, Ba ông bố vợ, Đánh cờ người, Em tập Vespa... Từ đó, ban AVT đã trở thành ban nhạc đắt giá, được hai hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc và băng nhạc, được mời diễn thường xuyên tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai… cũng như các đại nhạc hội và các đài phát thanh, truyền hình.
Khoảng năm 1966-1967, AVT còn được xuất ngoại biểu diễn ở Lào, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản. Qua năm 1968, AVT đi vào một thời kỳ cực thịnh với những chuyến lưu diễn tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Anh, rồi qua tiếp một số quốc gia châu Phi.
Sau 1975, Vân Sơn bị tai nạn và mất ở Sài Gòn, còn Lữ Liên định cư ở Mỹ. Nhạc sĩ Lữ Liên là cha ruột của các ca sĩ có tên tuổi ở hải ngoại hiện nay Tuấn Ngọc, Khánh Hà và Lưu Bích. Tại Mỹ, ông có tái lập Ban tam ca AVT với Vũ Huyến, Ngọc Bích (sau đó thay bằng Trường Duy) nhưng “thời oanh liệt” nay còn đâu. Nhạc sĩ Lữ Liên mất năm 2012, vậy là AVT thuở ban đầu chỉ còn lại Tuấn Đăng.
Trước đây trong ban nhạc AVT, Tuấn Đăng (tên thật là Trần Minh Tuyên) từng sử dụng các nhạc cụ contre-bass, đàn đáy, đàn đoản, trống… bây giờ ông đi hát và kéo violon ở nhà hàng Tiếng Dương Cầm trong cư xá Chí Hòa và một vài nhà hàng khác. Vài năm trở lại đây, do tuổi tác (năm nay ông 79 tuổi) không thể hát được nữa, ông kéo đàn cho một tụ điểm sống qua ngày và người cuối cùng của AVT đã mất ngày 6-4 tại Sài Gòn.