Tại nhiều nơi ở trên thế giới, việc giết thịt và bán thịt chó là phạm pháp. Ngay ở những nơi người dân có ăn thịt chó, việc này cũng thường chịu nhiều dị nghị. Tuy nhiên, vấn đề tế nhị và gây tranh cãi này không che lấp được thực tế rằng một thị trường mua bán thịt chó đang hình thành và phát triển tại khu vực Đông Nam Á.
Chó nuôi là con vật thân tín, trung thành và rất hiểu ý người. Ở vùng Tây Nam Bộ nước ta, chuyện ăn thịt chó có thể làm người xung quanh cảm thấy khó chịu và tức giận. Ngay tại miền Bắc, nơi chuyện này là phổ biến, người ta cũng nói tránh bằng cách dùng từ thịt “cầy” - là một thứ chó rừng nhỏ con hơn chó nhà. Việc giết thịt con vật được coi là trung thành với loài người chỉ vì miếng ăn đôi lúc tưởng như là dần dần mất đi trước sự phản đối ngày càng tăng của những người không ăn thịt chó. Tuy vậy, thực tế là việc mua bán chó hoặc thậm chí nuôi chó lấy thịt đang ngày càng phổ biến ở các nước vùng Đông Nam Á.
Tình trạng trộm và ăn thịt vật nuôi tràn lan
Ở Indonesia, tình trạng ăn thịt chó và mèo tràn lan đang tạo nên các mối nguy chết người từ những vi khuẩn khác nhau mà chúng mang trong mình. Gần đây, chính phủ nước này đã bày tỏ ý định ngăn cấm việc ăn thịt chó. Đầu tháng 8-2018, Vụ sức khỏe cộng đồng thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia đã có buổi họp bàn về vấn đề ăn thịt các loài chó mèo với Liên minh Không thịt chó Indonesia (DMFI). Vụ trưởng Syamsul Ma’arif cho biết thị trường thịt chó tràn lan đã dẫn tới dịch bệnh dại nơi người ở 24 trong số 33 tỉnh của nước này.
Tình trạng bắt trộm chó để bán đang gieo mầm bệnh cho đất nước, vì những con chó bị nhốt chờ chở đến nơi tiêu thụ lại lây bệnh cho nhau. Trong tháng Năm, bệnh dại chó trên người đã nổ ra thành một trận dịch ở miền Bắc Sulawesi, xuất phát từ chợ Tomohon. Một khảo sát sau đó cho thấy có đến 7,8% đến 10,6% thịt chó bán nơi các chợ trong vùng đều nhiễm khuẩn gây bệnh. Phát ngôn viên DMFI, bà Lola Webber cho biết ở Bắc Sulawesi có đến hơn 200 chợ thịt chó dạng này, một con số báo động. Bà nói tiếp “Quy mô của vấn đề đang trở thành thảm họa cho sức khỏe con người và thú nuôi”.
Jakarta Animal Aid Network thuộc Liên minh DMFI cho biết ở Indonesia không có những trại nuôi chó cấp thịt cho thị trường, trái lại nguồn chó cho các chợ đến từ những tên trộm chó có vũ trang. Tình trạng này không chỉ gây nên sự bất mãn trong dân chúng, bất hòa giữa các thôn xóm, mà cả đánh mất tình cảm của những du khách. Bà Webber cho rằng loại tội phạm là “đáng ghê tởm, không thể chấp nhận được” đối với đất nước Indonesia và cả với cộng đồng quốc tế. Dường như chính phủ Indonesia đã đúng khi quan ngại việc bán thịt chó nơi các chợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của mình. Tổ chức Bali Animal Welfare Association cho biết mỗi năm tại hòn đảo du lịch Bali gọi là thiên đường du lịch hạ giới này có đến 60.000 hay 70.000 con chó bị giết lấy thịt, một con số có thể làm kinh hoàng các du khách, đặc biệt là những người đến từ phương Tây.
Một thị trường “chui” đang phình to
Indonesia chưa đưa ra thời biểu cho việc cấm đoán bán thịt chó nơi các chợ, nhưng xem ra họ đã sẵn sàng theo chân các thành viên ASEAN khác như Philippines, Thái Lan và Singapore coi việc bán thịt chó là bất hợp pháp. Mục tiêu chủ yếu là để ngăn ngừa bệnh tật cho người và bảo vệ động vật, ở đây là những loài vật nuôi rất thân thiết với con người. Trên thực tế từ vài năm gần đây thịt chó được coi là món ngon đặc sản với rất nhiều cách chế biến. Việc ăn thịt chó không còn là chuyện tế nhị, lén lút trong nội bộ các gia đình, khu xóm mà xuất hiện công khai ngoài các chợ. Trong khi đó, nguồn chó bắt trộm và nuôi nhốt chung trước khi làm thịt nên chẳng có chứng nhận y tế hay an toàn vệ sinh nào.
Việc tiêu thụ thịt chó cũng đã và đang trở nên ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Trung Quốc ăn thịt chó từ hơn 4.000 năm trước, và ngày nay nhiều lễ hội thịt chó vẫn được tổ chức đây đó trên khắp đất nước. Tại Hàn Quốc, Tổ chức Korean Animal Rights Advocates cho biết mỗi năm người Hàn tiêu thụ khoảng 780.000 đến hơn 1 triệu con chó. Số chó này được nuôi lấy thịt từ hơn 3000 trại nuôi, bao gồm cả những trại cung cấp chó giống.
Giống chó nuôi lấy thịt đầu tiên tại Hàn Quốc là Nureongi, nhưng nay thì nhiều giống khác đang được đưa vào thị trường thịt, kể cả các giống chó quý trước đây chỉ chuyên để nuôi như Labrador, Retriever, Cocker Spaniel, và Mexican Hairless.
Tổ chức Humane Society International (HSI) ước tính mỗi năm có đến 30 triệu con chó bị giết làm thịt trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Đông Á và Đông Nam Á. Các thị trường thịt chó có thể là loại chợ “chui” - bất hợp pháp nhưng rất nhộn nhịp, nhất là ở Philippines, Thái Lan, Lào và Cambodia. Điều cần phải khẳng định là việc hình thành một thị trường thịt chó ở một số nước như Lào, Campuchia hay Việt Nam có thể không vi phạm pháp luật sở tại. Tuy nhiên, việc xuất khẩu và nhập khẩu thịt chó đương nhiên sẽ bị cấm theo nguyên tắc thương mại quốc tế, đơn giản vì hầu như không thể có được giấy chứng nhận kiểm dịch cho từng con chó thịt được đem ra thị trường.
Hoàng Việt