Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chuyện tiêu thụ thịt động vật hoang dã và nguy cơ gây đại dịch toàn cầu

(SGTTO) - Các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi mầm bệnh từ thịt động vật hoang dã tồn tại ở mọi hình dạng và kích cỡ, từ các phân tử đơn lẻ đến ký sinh trùng đa bào như sán dây. Những mầm bệnh này có thể dẫn đến một loạt các bệnh, từ nhẹ như cảm lạnh thông thường đến những căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như bệnh dại.

Khi có đầy đủ các tác nhân phù hợp, virus truyền nhiễm có thể lây lan từ động vật sang người với tốc độ nhanh khủng khiếp và khiến nhiều người thiệt mạng.

Mầm bệnh chết người

Theo thống kê, nhiễm trùng là nguyên nhân khiến hàng tỉ người trên thế giới mắc bệnh mỗi năm. Có thể kể đến những đại dịch gây hoang mang toàn thế giới như Cái Chết Đen - đã giết chết 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14 do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra; đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918; Ebola và cúm gà...

Theo các chuyên gia thì tác nhân có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo sẽ là một loại virus, cụ thể hơn là virus RNA. So với các tế bào tạo nên các sinh vật sống, virus rất tinh gọn. Chúng chỉ mang theo nhiều mã di truyền cần thiết để xâm nhập vào một tế bào và chiếm lĩnh bộ máy quản lý của tế bào này. Và virus RNA thiếu mã di truyền để tạo ra một enzyme sửa lỗi gọi là DNA polymerase. Điều này có nghĩa là chúng phải chịu tỷ lệ đột biến cao gấp nhiều lần so với bất kỳ loại sinh vật nào khác.

Không giống như bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt đã bị loại bỏ và gần như có thể phòng tránh, các bệnh từ động vật không thể bị xóa sổ hoàn toàn trừ khi chúng ta tiêu diệt được hết tất cả các loài là nguồn sản sinh ra các mầm bệnh này. Cụ thể, "Cái chết đen", cúm Tây Ban Nha và HIV - ba đại dịch được cho là lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay, đều là các bệnh xuất phát từ động vật. Và vì vậy, có thể nói, các đại dịch tiếp theo cũng có khả năng như vậy.

Vào năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một danh sách các bệnh mới có khả năng gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trong tương lai gần. Cụ thể, tất cả các bệnh trong danh sách đều là bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ động vật sang người do virus RNA gây ra. Điều này cho thấy động vật, mà chủ yếu là những loài hoang dã, chính là nơi mầm bệnh ẩn náu.

Vì những nguy hiểm cho sức khỏe con người nên nhiều quốc gia trên thế giới đã chú ý đến hoạt động của thị trường mua bán động vật hoang dã. Nhiều nước châu Phi đã đẩy mạnh cuộc chiến chống lại thịt rừng bất hợp pháp. Cụ thể, loài dơi - thủ phạm bị nghi ngờ là gây ra bệnh Ebola được đưa vào danh sách các loài bị cấm săn bắn. Tạp chí Newsweek đã thực hiện bài báo kể về cách người New York có thể dễ dàng mua thịt rừng bất hợp pháp. Mặc dù chúng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh Ebola, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mầm bệnh khác có thể lây sang người, như virus bọt simian và virus herpes.

Làm gì để hạn chế mầm bệnh?

Gà lôi là một món ăn ngon ở Anh. Ở Mỹ, nai sừng tấm là món thịt phổ biến. Đà điểu cung cấp thịt đỏ ngon nhất bạn có thể mua ở Nam Phi. Sóc đất, một con sóc quá khổ, là một món ngon ở Mông Cổ. Danh sách các loại thịt thú rừng cứ ngày càng kéo dài. Và hiện vẫn tồn tại một thị trường khổng lồ buôn bán các động vật bị săn bắn trên khắp thế giới.

Chúng ta nên làm gì để ngăn chặn một ổ dịch sinh ra từ thịt rừng? Đầu tiên, chúng ta có thể tìm cách giảm sự xuất hiện của ngoại tác lan truyền, bằng cách giảm tiêu thụ thịt rừng ở châu Phi và các nơi khác trên thế giới. Thứ hai, chúng ta cần xây dựng một chiến lược để đối phó với sự lây lan khi nó xảy ra, để ngăn chặn nó trở thành một ổ dịch.

Không có dữ liệu và không có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ các nước, thật khó để biết được quy mô của việc buôn lậu thịt rừng bất hợp pháp. Nhưng có một cách để hạn chế thị trường này cũng như nguy cơ xảy ra dịch bệnh tràn lan, đó là tìm một nguồn cung cấp bền vững các loài thú hoang hoang dã mà nhiều người thích ăn.

Ví dụ, tại Hiệp hội Burger Thực nghiệm ở London, bạn có thể thưởng thức các loại thịt kỳ lạ mà không lo gặp rủi ro, nhờ một nhà cung cấp có tên là Freedown Food. Công ty này tuân thủ tất cả các quy định của Vương quốc Anh và châu Âu. Danh sách sản phẩm của họ bao gồm cá sấu từ Namibia, đà điểu từ Tây Ban Nha, bò rừng halal từ Canada, và ngựa vằn và linh dương từ Nam Phi...

Ngay cả một số quốc gia được biết đến là điểm nóng cho thịt rừng cũng đang xem xét giải pháp này. Và dĩ nhiên, người dùng sẽ vui lòng trả thêm tiền để biết rằng những con vật trên đĩa của họ được nuôi ở điều kiện tốt và không có bệnh.

Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ lớn hơn từ các chính phủ và các giải pháp đáp ứng bền vững hơn nhu cầu đối với các loài thú “hoang”, thì việc buôn bán thịt rừng vẫn chưa thể dừng lại hoàn toàn. Việc tiêu thụ mặt hàng này tại vùng nông thôn ở Tây và Trung Phi là không thể kiểm soát. Ngoài ra, các quốc gia nghèo nhất thế giới không thể đủ khả năng đầu tư nhiều vào công tác phòng chống dịch bệnh. Và, vì các bệnh truyền nhiễm không có biên giới, nên một giải pháp hợp tác để chuẩn bị cho sự lây lan và ngăn chặn nó trở thành một đại dịch toàn cầu là rất quan trọng.

Sau khi trải qua hàng thiên niên kỷ gắn bó với các động vật hoang dã, cuối cùng chúng ta cũng bắt đầu hiểu được các kết nối vi sinh vật vô hình giữa con người và động vật. Chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ: đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh làm bùng nổ nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu.

Tâm Anh

Theo qz.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối