Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

City – trái tim của Sydney

Ngọc Trân -

Khu thương mại trung tâm Sydney – (The) City of Sydney – là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình ghé thăm Sydney của du khách. Đây chính là trung tâm kinh tế của nước Úc, cũng là nơi diễn ra khá nhiều hoạt động văn hóa.

City giống khu vực trung tâm quận 1 TPHCM, nhưng tất nhiên quy mô hơn nhiều. Đó là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng không chỉ của Sydney mà còn của cả nước Úc. Nơi đây cũng chính là một trong những khu vực lâu đời nhất của Úc được người Anh lựa chọn làm điểm dừng chân khi đi khai phá lục địa này.

Trung tâm kinh tế

City hiện đã mở rộng về phía nam khoảng 3 km, tính từ Sydney Cove – địa điểm cư trú đầu tiên của những người Anh di cư. Và bên cạnh những tòa nhà cao ốc hiện đại là các công trình lâu đời như Sydney Town Hall, Queen Victoria Building.

Tuy là nơi tập trung rất nhiều tòa nhà cao tầng nhưng City vẫn có không ít khoảng xanh. Khu vực này được bao bọc ở phía đông bởi một dãy công viên: Hyde Park, The Domain, Royal Botanic Gardens và Farm Cove.

Ở phía tây thì có Darling Harbour, tức bến cảng Người Yêu dấu, một điểm đến thu hút khách du lịch. Dịch như thế cho hấp dẫn, chứ thật ra “Darling” là tên của một vị tướng là thống đốc bang New South Wales từ năm 1825 đến năm 1831. Chính ông ta đã sửa tên bến cảng này – Long Cove – thành tên của mình mà không ai phản đối. Chuyện thật hiếm thấy!

Đường George, trung tâm của City, với tòa nhà lâu đời Queen Victoria.

Đường chính của City là đường George, theo tên một vị vua Anh (George đệ tam), nhưng cũng là một cái tên bình thường như “Tom”, “Johnny” hoặc  “Michael” vậy. Đây là con đường, mà mỗi khi đến Sydney, tôi đều ghé qua vì lúc nào nó cũng vui nhộn.

City hẳn cũng là khu vực được yêu thích của các tín đồ mua sắm vì tập trung nhiều trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu nổi tiếng về đồ chơi công nghệ như Apple, Samsung, Microsoft, về quần áo bình dân như Uniqlo, H&M, Zara… Đương nhiên, thương hiệu cao cấp như Hermès, Louis Vuitton không thể nào vắng mặt.

Và bao quanh trục đường George là nhiều cao ốc, gồm tòa tháp Governor Phillip, trung tâm MLC, tòa tháp Thế giới... làm gợi nhớ đến trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn của quận 1, TPHCM nhưng đương nhiên nó phải to và sầm uất hơn.

Trên đường George còn có tòa Thị chính và tòa nhà thương mại Queen Victoria, hai trong số những công trình lâu đời nhất thành phố Sydney. Trước đây, đất của tòa nhà Queen Victoria là một trang trại chăn nuôi và trồng trọt. Vào thời bấy giờ, nền kinh tế Úc bị suy thoái trầm trọng; nạn thất nghiệp tràn lan. Đến năm 1898 thì Queen Victoria bắt đầu được xây dựng và đã tạo việc làm cho hàng nghìn người dân.

Trên đường George, đoạn đi đến Hyde Park (hướng đông), bạn sẽ thấy nhà sách Dymocks, nơi được quảng cáo là có đến 300.000 đầu sách. Tất nhiên không ai kiểm chứng được rằng con số đó chính xác hay không vì... nhiều quá. Đây cũng là một trong hai nhà sách mà mỗi lần đến Sydney tôi đều nhất định phải vào. (Nhà sách kia cũng trên đường George, nhưng nằm trên lầu của một trung tâm thương mại). Vào để đọc sách mới về kinh tế, thương mại, viết lách, và đặc biệt giờ là thêm cả lĩnh vực đầu tư chứng khoán.

City được coi là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của Úc, cũng như một trung tâm kinh tế của châu Á – Thái Bình Dương. Nơi đây tập trung nhiều trụ sở chính của các công ty, tập đoàn lớn nhất nước Úc hay trụ sở của các tập đoàn tài chính nước ngoài như Citibank, Deutsche Bank, tập đoàn bảo hiểm IAG... Có lẽ cũng vì vậy mà một số người nước ngoài thường nhầm lẫn Sydney là thủ đô của Úc. Trên thực tế, Sydney chỉ là trung tâm kinh tế và thành phố lớn nhất nước Úc thôi; Canberra mới là thủ đô của nước này, giống như TPHCM và Hà Nội...

Với nghệ sĩ đường phố

City luôn nhộn nhịp và sôi động bất kể ngày hay đêm. Ban ngày đây là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế, thương mại, còn đêm đến nơi đây hấp dẫn du khách bởi các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí. Nếu nhà hát con sò Opera Sydney là nơi tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hoành tráng thì City lại là điểm đến yêu thích của các nghệ sĩ đường phố.

Tôi từng bắt chuyện với một nghệ sĩ gốc Algérie nói tiếng Pháp chơi đàn guitar – loại flamenco pha cổ điển. Ông ấy chơi nhạc bên hông tòa thị chính - vừa chơi nhạc vừa bán đĩa với những bản nhạc do mình sáng tác và biểu diễn. Giá 20 đô la Úc một đĩa. Ông ấy nói: “Sống cũng được!”

Có thể bắt gặp ở City và cả hành lang của tàu điện dẫn lên khu này những nghệ sĩ khác: người chơi violon, kẻ đánh trống; người lại biểu diễn xiếc… Và không khác gì Paris hay New York hoặc Singapore, City không thiếu người đứng như tượng, lâu lâu trở mình một cái. Thực ra thì đây là một trong vô số kiểu xin tiền trên những đường phố khu trung tâm Sydney. Họ thường đặt một cái thùng để nhận tiền bên cạnh hoặc trước mặt; thỉnh thoảng khách qua đường cũng dừng lại xem hoặc nghe, chụp hình và rồi cũng thả vào đó vài đồng bạc lẻ. Có người còn sử dụng cả động vật như chó hay chuột bạch để xin tiền. 

Nói rộng ra thì City tập trung nhiều cơ sở văn hoá đặc trưng của Úc, trong đó có Bảo tàng Sydney, thư viện bang New South Wales, thư viện Sydney, rạp hát Royal, rạp hát Recital, và nhà thờ. Một số cơ sở văn hóa khác cũng tập trung quanh khu vực này: Nhà hát Opera Sydney, tức Nhà hát con sò nổi tiếng, Harbour Bridge, gọi nôm na là Cầu Mắc áo – hằng năm tỏa sáng pháo bông đón giao thừa, và năm nay nghe đâu riêng chỉ tại khu vực này và vùng phụ cận đã có đến 1,6 triệu người xem (nhưng không chen lấn). Đó là chưa kể số người ở nhà xem qua ti vi.

Rồi Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, Bảo tàng Úc, Trung tâm Triển lãm nghệ thuật tiểu bang, Bảo tàng Powerhouse… Giữa khu vực sầm uất, giàu có là thế nhưng vẫn xuất hiện không ít người vô gia cư. Dù đã nhận được sự trợ cấp của chính phủ Úc, nhưng họ vẫn đi ăn xin và lâu lâu thì bị “hốt” về đồn cảnh sát. Nghiệp hay nghề?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối