THÁI HÀ -
Trong thời đại mà cuộc sống của nhiều người được phô bày trên mạng xã hội cho cả thế giới thấy, vẫn có những người mà câu chuyện của họ nếu không viết hay ghi lại bằng một cách nào đó, có thể sẽ mất. Và từ nhu cầu ấy, thị trường ra đời dịch vụ viết hồi ký.
Kitty Axelson Berry (giữa) và khách hàng Sonia Ehrlich cùng các con cháu.
Isaac Ehrlich, 74 tuổi, muốn con cháu và các thế hệ sau biết rõ về câu chuyện của mẹ ông, bà Sonia. Câu chuyện đời Sonia được dệt lên bởi những thảm kịch trong thế kỷ 20. Bà mất 40 người họ hàng trong lò thiêu người của Đức quốc xã. Bà được đưa từ Ba Lan đến vùng Siberia hoang lạnh, dần dần tìm thấy con đường tới được New York (Mỹ), nơi bà vẫn sống cho đến bây giờ.
Nhưng để bắt lại những ký ức của cụ bà gần 100 tuổi không phải đơn giản, ông Ehrlich phải nhờ đến người chuyên nghiệp: Kitty Axelson Berry, một người chuyên viết hồi ký từ nhiều năm qua. Công ty của bà Berry, Modern Memoirs, đóng trụ sở ở bang Massachussetts gồm 3 nhân viên chính chuyên viết và 10 nhân viên bán thời gian chuyên sao chép, biên tập, kế toán…
Ông Ehrlich từ chối tiết lộ tiền công phải trả cho cuốn sách, nhưng ông nói rằng nó đáng tiền. “Đây là mẹ tôi, tiền không có nghĩa lý gì lớn”.
Dù chưa có thống kê đầy đủ bao nhiêu công ty làm dịch vụ viết hồi ký, nhưng Hiệp hội Những người viết sử cá nhân có gần 600 hội viên từ 13 quốc gia, ngoài ra còn nhiều người chưa là hội viên của hiệp hội này đang hoạt động trong ngành. “Chúng tôi có lúc thăng lúc trầm nhưng tổng thể là đi lên”, Bill Horne, Chủ tịch hiệp hội cho biết, “Không ai trở thành triệu phú nhờ việc này, nhưng với nó, bạn có một cuộc sống khá dễ chịu”. Ông Horne cũng có công ty của mình, Launceston Services, đóng trụ sở ở thành phố Ottawa, Canada.
Hội những người viết hồi ký.
Năm 1995, bà Berry là biên tập viên ở một tờ báo, trong khi viết hồi ký cho mẹ mình, bà nghĩ rằng những người khác cũng có nhu cầu viết hồi ký cho cha mẹ của họ. Vậy là bà thành lập hiệp hội kể trên. Hàng năm, bà Berry xuất bản 12 cuốn sách bìa cứng, trung bình mỗi cuốn dày 300 trang. Bà lấy tối thiểu 5.000 đô la Mỹ (USD) cho mỗi bản thảo cần sửa, có nghĩa là khách hàng tự viết, mang đến cho bà chỉnh lý. Còn với gói viết trọn cuốn sách, bà lấy ít nhất là 35.000 USD. Chi phí đó bao gồm cả việc đi đến nhà khách hàng (ít nhất hai lần trong quá trình làm sách), ở đó vài ngày để thực hiện các cuộc phỏng vấn.
“Cha mẹ chúng ta không sống trên Internet, chúng ta sẽ chẳng tìm kiếm được gì từ họ nếu không nói chuyện với họ”, bà Kit Dwyer nói. Bà lập một công ty cách đây 6 tháng, chuyên làm các hồi ký bằng audio. Để chuẩn bị, Dwyer thuê bà Dhyan Atkinson, một chuyên gia huấn luyện người khác trở thành sử gia dịch vụ, làm việc. Bà Atkinson cho rằng lực lượng tham gia dịch vụ này sẽ ngày càng đông đảo, bao gồm cựu nhà báo, các nhân viên mạng xã hội, những chuyên gia tâm lý về hưu hoặc muốn tìm ngã rẽ khác trong sự nghiệp.
Bà Atkinson mở khá nhiều lớp đào tạo, học phí thường 50 đến 85 USD/giờ. Gói 6 tháng có học phí tới 2.500 USD. Nhiều người mới làm có kỹ năng khi nói chuyện với khách hàng và viết về cuộc đời họ, nhưng họ chưa khai thác tốt các chi tiết vụn vặt và các chiến lược marketing liên quan. Những người học việc không chỉ học các kỹ thuật phỏng vấn, mà còn được tập các kỹ năng điều khiển cuộc phỏng vấn đó theo hướng mình muốn một cách thoải mái. “Một khách hàng có thể ngồi nói cả giờ đồng hồ về chiếc xe hơi ông ấy có hồi năm 1920, nhưng vào sách thì bạn chỉ viết một câu về chiếc xe đó mà thôi, bạn phải lịch sự và khéo léo ngắt ông ấy ra khỏi câu chuyện về chiếc xe đó”, ông Horne nói.
Bà Berry có thói quen nghiên cứu rất kỹ các khách hàng tiềm năng trước khi ký hợp đồng, tìm những điểm nhạy cảm như việc họ đã kiện rất nhiều người hay bị nhiều người kiện, để quyết định có nhận công việc hay không.
Một người viết khác, bà Mary O’Brien Tyrrell thì yêu cầu người thân của khách hàng không vào căn phòng đang làm việc chung với khách hàng. Người thân của khách hàng có xu hướng nhìn nhận người viết hồi ký với khách hàng là những người bạn thân thiết của nhau, vì có gì thầm kín chia sẻ hết. “Một cô con gái của bà khách hàng nói với tôi: mẹ cháu thích làm việc với cô, sau khi kết thúc công việc, mỗi tuần cô ghé chơi một lần được không? Tôi trả lời: không được, tôi còn phải kiếm sống nữa chứ”, bà Tyrrell nói.
Một cuốn hồi ký được viết cho thế hệ kế tiếp, nhưng đôi khi nó lại là cơ hội để cho chủ nhân của nó nhìn lại cuộc đời của mình. Bà Tyrrell nhớ đến khách hàng đầu tiên của mình, là một người phụ nữ qua đời ở tuổi 52 vì bệnh ung thư. Bà ta quá mệt để tự đọc cuốn sách của mình, Tyrrell phải đọc cho bà ta nghe. “Đến hết cuốn sách”, bà Tyrrell nói, “Bà ấy nói với tôi: Giờ tôi mới nhận ra mình có một cuộc đời tuyệt vời đến thế”.