Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

‘Cô Dừa’ đưa nông sản Việt vào mỹ phẩm

(SGTT) - Những nguyên liệu như dầu dừa, hoa bưởi, củ gừng, củ nghệ, cây sả, hoa hồng, trái chúc… qua bàn tay tinh chế của chị Ngô Thị Kiều Dương đã trở thành những loại mỹ phẩm phù hợp với làn da phụ nữ Việt. Hiện trong mỗi loại mỹ phẩm của công ty có đến 60-70% hàm lượng nông sản từ địa phương.
Công ty cổ phần Mỹ phẩm Dừa Phú Long có trên 20 loại mỹ phẩm sản xuất theo liệu pháp truyền thống Việt Nam. Ảnh: Lư Thế Nhã

Tận dụng nguồn nông sản tươi nguyên và chất lượng ngay tại vùng trồng, tận dụng nguồn lao động ở ngay tại địa phương, chấp nhận đầu tư và đào tạo để có nguồn lực làm ra những loại mỹ phẩm thiên nhiên, hữu ích. Đó là hướng đi riêng của chị Ngô Thị Kiều Dương – Giám đốc Công ty cổ phần mỹ phẩm Dừa Phú Long, cũng là người nghiên cứu khoa học, dành nhiều thời gian để nghiên cứu cây dừa, các liệu pháp làm mỹ phẩm theo lối truyền thống và mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất.

Đam mê nghiên cứu cây dừa

Là nhà khoa học chuyên về công nghệ sinh học, công tác ở Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu, Bộ Công Thương, chị Kiều Dương có nhiều năm đến Bến Tre nghiên cứu, thực nghiệm về cây dừa, lưu trữ khai thác nguồn gen dừa, nhân giống dừa chất lượng cao được nông dân Bến Tre gọi tên thân thương là “Cô Dừa”.

Từ đó chị nhận ra mỹ phẩm từ dừa là mảnh đất còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực điều chế và sản xuất mỹ phẩm làm đẹp ở Việt Nam. Từ những ghi chép, học hỏi các thầy và anh chị trong ngành, chị đầu tư tài chính nghiên cứu và thực nghiệm đưa dầu dừa thủy phân vào mỹ phẩm. Chị nghĩ có thể tạo nên nhiều loại mỹ phẩm từ dừa khác biệt với các mỹ phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Nhưng nghiên cứu, kết quả thực nghiệm khả quan là một chuyện, chừng nào các nghiên cứu đó được đem ra ứng dụng trong sản xuất thực tế, cho ra những sản phẩm bán được thì mới chứng minh được hiệu quả của công trình nghiên cứu có phù hợp với người dùng, thành công hay không. Chị Kiều Dương vẫn đau đáu với suy nghĩ làm sao có thể sớm chứng minh tính hiệu quả của công việc nghiên cứu.

Nhân viên Dừa LaBo sử dụng thử loại mỹ phẩm mới ra lò. Ảnh: Lư Thế Nhã

Trong lúc tìm lối ra cho công trình nghiên cứu, thỏa mãn đam mê của mình, năm 2016 ở quê chồng chị, tỉnh Bến Tre phát động “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, chị quyết định xin thôi việc ở viện và thành lập Công ty cổ phần mỹ phẩm Dừa Phú Long với thương hiệu Dừa LaBo.

Vạn sự khởi đầu nan

Chị Kiều Dương khởi nghiệp ban đầu với những mẻ dầu dừa được chiết xuất bằng công nghệ enzyme, chị nghĩ chỉ sản xuất dầu dừa theo công nghệ này là đủ bảo đảm mức doanh thu có lãi cho công ty, nhưng đây là công nghệ sinh học mới, ứng dụng thành công vô cùng khó khăn. Tỷ lệ thành công các mẻ phụ thuộc vào thời tiết, kinh nghiệm của công nhân nên số mẻ thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Các sản phẩm ban đầu từ ứng dụng công nghệ enzyme chỉ dừng lại ở dầu dừa như một sản phẩm đa công dụng vừa dưỡng tóc, dưỡng da, vừa tẩy trang… giá bán sản phẩm ra tới thị trường lại cao, lượng khách hàng quay trở lại không nhiều.

Sau hơn bốn năm khởi nghiệp nghiên cứu về dầu dừa, chật vật về sản phẩm đưa ra thị trường, dự án vẫn chưa tới đâu thì đại dịch Covid-19 ập đến, kinh doanh bế tắc, chao đảo, nhân sự công ty không việc làm, thu nhập, không thể trụ lại. Lúc bấy giờ công ty chỉ còn giám đốc mà không có “lính”. Còn lại một mình, chị Kiều Dương lại “rảnh tay” thỏa niềm đam mê nghiên cứu của mình và chị định hướng con đường duy nhất là phải có sản phẩm chuyên biệt cho da, cho tóc, sản phẩm phải được người tiêu dùng ưa chuộng, mua dùng nhiều lần.

Tìm hướng đi riêng

Tự đặt lệnh cho mình rằng “dầu dừa cho mỹ phẩm phải khác biệt dầu dừa thô, xóa định kiến ở người tiêu dùng là dầu dừa gây bết rít, bít lỗ chân lông…”, chị nghiên cứu công nghệ dầu dừa nano cải thiện tính năng dầu dừa phát huy hiệu quả của nó trong mỹ phẩm. Với công nghệ này chị dùng sóng siêu âm tạo nên những phân tử nhỏ hơn, bền hơn, dễ thấm vào trung bì của tế bào, không để lại bết rít, bít lỗ chân lông, người dùng còn cảm nhận được sự dịu mát, thoải mái. Dầu dừa nano là sản phẩm hoàn toàn mới được chị nghiên cứu lần đầu tiên tại Việt Nam. Giờ đây, Dừa LaBo chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất ở quy mô lớn.

Chị Kiều Dương cho hay, trong quá trình “về nguồn” tìm hiểu về những mỹ phẩm của người xưa ở miền Tây, chị được ông Trương Vĩnh Trọng (Hai Nghĩa) nguyên là Phó thủ tướng Chính phủ, gợi ý: “Nước tro củi dừa hay lắm cháu, hồi kháng chiến đâu có xà phòng, cứ dùng nước tro dừa tắm giặt, nó sạch lắm, cháu làm sao tinh chế nó cho thuận tiện người dùng”.

Từ gợi ý trên, chị tìm hiểu thêm về những “mỹ phẩm nhà làm” của người xưa như: dùng dầu dừa tẩm lên tóc cho đen, mượt mà; nấu hoa bưởi gội đầu cho tóc mềm, thơm hương hoa bưởi; dùng ruột trái cau ăn trầu, tán với dầu dừa trị chốc ghẻ (trong ruột quả cau có hoạt chất trị ghẻ); dầu dừa thoa lên da phòng côn trùng cắn; củ gừng sẽ giữ ấm; củ nghệ làm liền sẹo; tinh dầu lá tràm, sả ngừa cảm cúm… và nhiều nông sản có thể đưa vào tạo hương thơm cho mỹ phẩm như trái chúc, hoa hồng… Cũng từ đây, chị phát hiện muối bùn (sản xuất muối không lót vải bạt) ở xã Thạnh Phước, Bình Đại, Bến Tre có nhiều khoáng chất dùng tẩy trắng da như muối hồng của Malaysia…

Tùy công dụng của loại nông sản, chị nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất mỹ phẩm theo liệu pháp truyền thống kết hợp dầu dừa nano, không chỉ làm đẹp mà còn bảo vệ sức khỏe người dùng. Đến nay Công ty cổ phần mỹ phẩm Dừa Phú Long có trên 20 loại mỹ phẩm lưu hành theo giấy phép của ngành y tế với thương hiệu Dừa LaBo. Trong đó nhiều mỹ phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường, như: sữa tắm gội gừng sả, làm sạch gàu và dịu nhẹ bằng “nước tro dừa”, dưỡng ẩm nhẹ nhàng bằng dầu dừa nano, giữ ấm cơ thể bằng gừng, mùi hương gừng, sả giúp thư giãn và an toàn khi tắm đêm; kem rạn da là sản phẩm kết hợp dầu dừa nano với nước nghệ, giúp ngăn ngừa quá trình rạn da, thích hợp với phụ nữ sau khi sinh; còn có combo dầu gội hoa bưởi, xịt dưỡng hoa bưởi, kem ủ tóc hoa bưởi và một túi đai mùi của mẹ… Đây là một bộ sản phẩm mà Dừa LaBo dành cho những bà mẹ trẻ vừa sinh con.

Thân thiện với môi trường

Hiện tại, Dừa LaBo đang tận dụng phế phụ phẩm trong công nghiệp chế biến dừa tại địa phương (nước dừa, xơ dừa, tro dừa…); phụ phẩm trong quá trình canh tác quả bưởi (quả bưởi non, hoa bưởi, vỏ quả bưởi…), góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân, tăng thêm thu nhập cho nhà nông.

“Mục tiêu của công ty là phục vụ nông dân, ứng dụng nông sản của họ vào mỹ phẩm, để khi dùng họ tự hào nói: “Đây là dừa của tui, bưởi của tui, nghệ, hoa hồng của tui à nghen”, chị Kiều Dương nói.

Sản phẩm Dừa LaBo đã có mặt ở hệ thống siêu thị FineLife của Sài Gòn COOP, Công ty Chavana, Salon Tóc Việt… và được nhiều khách hàng trẻ biết đến.

Lư Thế Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối