Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Cô gái 9X và dự án “một chiếc làn cỏ, loại bỏ túi ni lông”

(SGTT) -  Xem khẩu hiệu "một chiếc làn cỏ, loại bỏ túi ni lông" như một hướng đi, cô gái 9x Dương Thùy Dung đã lập ra dự án có tên là Làn, với mong muốn thay đổi thói quen lạm dụng túi ni lông của mọi người trong đời sống.

Từ lối sống xanh đến dự án bảo vệ môi trường

Hiện nay, việc lạm dụng túi ni lông trong sinh hoạt đã và đang mang lại nhiều hệ lụy cho môi trường, trong đó, chỉ một phần nhỏ lượng túi ni lông được thu gom, tái chế, phần lớn thường bị người dùng xả thẳng ra môi trường.

Thể hiện quan điểm sống xanh, cô gái trẻ Dương Thùy Dung (sinh năm 1997, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) có thói quen luôn hạn chế sử dụng túi ni lông để giảm rác thải nhựa ra môi trường. Mỗi khi đi ra ngoài, cô thường mang theo túi cá nhân, bình nước cá nhân thay vì phải sử dụng túi ni lông hay chai nhựa mỗi khi mua hàng.

Chiếc làn cỏ với họa tiết xinh xắn có thể sử dụng với nhiều mục đích. Ảnh: NVCC

Lý do mà Dung đến với dự án này, theo cô là do nhận thấy hiện tại các thông điệp về bảo vệ môi trường sống vẫn còn chưa thực sự được lan tỏa mạnh mẽ và hầu hết nhiều người đang lầm tưởng về ý niệm bảo vệ môi trường phải là những hành động to lớn. Từ đó, cô quyết định sẽ thực hiện kế hoạch lan tỏa lối sống xanh thân thiện với môi trường cho những người xung quanh mình.

“Bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ là cách mình hay áp dụng để thực hiện. Khi đi gặp gỡ cũng bạn bè, mình thường sẽ chủ động truyền tải thông điệp về môi trường cho mọi người như không cần sử dụng ống hút nhựa hay túi nhựa nếu thực sự không cần thiết”, cô chia sẻ.

Làn cỏ có thể gập lại một cách dễ dàng. Ảnh: NVCC

Mọi thứ ban đầu xuất phát từ lối sống yêu môi trường của cá nhân, qua thời gian, những người xung quanh chị như gia đình, bạn bè đã bị Dung thuyết phục. Đó là nhiệt huyết của Dung nhưng để đạt được điều đó, không ít lần cô bị người khác nói là "hâm".

Tiếp đó, cô lập dự án với sự kết hợp của truyền thông, qua mạng xã hội Facebook để kể cho mọi người câu chuyện sống xanh vui nhộn để tiếp cận được nhiều người hơn. Từ đó, mọi người hoàn toàn có thể thay đổi cách nghĩ, từ đó sẽ biến thành hành động.

Bên cạnh đó, dự án khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như các giỏ đan thủ công bằng cỏ bàng thay vì sử dụng túi nhựa trong sinh hoạt. Dự án Làn được cô bắt đầu triển khai từ tháng 4-2020 đến nay.

Sáng tạo với "giải pháp hai làn"

Dung cho biết, khi bắt tay vào thực hiện, cô có nhiều kế hoạch muốn làm nhưng do là sinh viên mới ra trường nên kinh nghiệm còn nhiều chưa nhiều, do đó chưa đủ nguồn lực để triển khai mạnh mẽ mà chỉ là bán lẻ các sản phẩm thông qua cửa hàng online tên gọi là Làn trên mạng xã hội.

Số tiền tích góp 4 năm trước từ công việc làm thêm như dạy học, đi diễn, đuợc cô sử dụng để thực hiện dự án của bản thân. Theo cô, làn cỏ là sản phẩm có độ bền cao, không bục rách, không hỏng, có thể chịu nặng đến 10kg, có thể giặt để tái sử dụng và giá thành lại rẻ. "Ngoài việc là một sản phẩm thân thiện môi trường, cùng với tiêu chí rẻ - bền - tiện nên sẽ đáp ứng đại đa số được nhu cầu của mọi cá nhân, gia đình ở cuộc sống hiện nay", cô nói.

Những chiếc làn đựng đầy rau xanh để giao cho khách. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, với việc sử dụng làn cỏ được đan từ cỏ bàng sẽ một phần nào đồng hành cùng các làng nghề thủ công, qua đó, duy trì quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và cũng mang đến giải pháp thân thiện cho môi trường thay thế cho túi ni lông.

Qua những nỗ lực không ngừng của bản thân, Dung cuối cùng cũng đã thành công với việc cho ra các sản phẩm từ làn cỏ đa dạng về mẫu mã như làn bụng nhỏ, làn trơn to, làn rằn ri được thu gom từ các hộ sản xuất gia đình ở miền Tây. Giá từ 35.000-65.000 đồng/làn tùy loại và được nhiều người đón nhận hưởng ứng, sử dụng khi đi chợ hàng này, không chỉ vậy, dự án Làn cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiệt tình từ các nhóm cộng đồng sống xanh trên cả nước.

Làn cỏ có quay xách nên dễ dàng khi sử dụng. Ảnh: NVCC

“Đến nay, mỗi tháng dự án của mình đang cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 chiếc làn cỏ. Tuy nhiên, với giá thành đó là rẻ so với cá nhân, nhưng với các cửa hàng, nông trại thì giá vẫn còn khá cao so với chi phí bao bì túi nhựa, nên mình đã có giải pháp mới để tiếp nhận được nhiều khách hàng hơn, đó là giải pháp hai làn”, Dung cho biết.

Hiện giải pháp "hai làn" đang được chị hợp tác với một nông trại thực phẩm xanh, để cung ứng làn cỏ giao hàng từ nông trại đến người mua. Cơ bản, giải pháp này là sự kết hợp giữa bên bán và bên mua. Theo đó, hàng tuần, nông trại sẽ đựng toàn bộ rau củ trong làn, mỗi làn khoảng 10kg rau củ để giao cho khách. Sau khi nhận hàng hóa, khách sẽ trả lại làn cho phía nông trại và quy trình cứ thế diễn ra.

“Với giải pháp này, mỗi khách hàng sẽ có 2 làn, trao qua đổi lại. Sau vài lần sử dụng thì  làn sẽ bẩn, người dùng giặt sạch và phơi khô chúng để tiếp tục nhiệm vụ giao và nhận”, cô nói.

Ngoài công việc cung cấp làn cỏ theo các đơn đặt hàng, hiện nay, Dung cũng đang làm thêm về truyền thông để có thể kinh phí bổ trợ cho dự án về làn cỏ. Mặc dù trải qua hiều khó khăn nhưng đó chính là động lực để cô tiếp tục là việc và phát triển. Với cô, luôn có một niềm tin rằng dự án "Làn" sẽ giúp nhiều người thay đổi thói quen tiêu dùng, bớt nhựa, giảm rác thải, góp phần bảo vệ để môi trường ngày một tốt hơn.

Minh Hoàng

Nhiều người quan tâm