Thứ ba, Tháng Một 28, 2025

Cô gái Jrai và khát vọng giữ lửa cho trang phục truyền thống

(SGTT) - Từng yêu thích may vá để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm mang nét đặc sắc riêng của dân tộc mình, chị Rmah H’Tuyết (sinh năm 1980, người Jrai, ngụ huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) nay đã thực hiện được tình yêu với thổ cẩm bằng cách mở một tiệm may trang phục thổ cẩm tại gia.

Nuôi dưỡng tình yêu với thổ cẩm

Nhìn các mũi khâu tinh tế, kỹ lưỡng cùng với hoa văn sắc sảo cho thấy sự chỉn chu của chị Rmah H’Tuyết đối với trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Thế nhưng, ít ai biết hành trình của cô gái Jrai đến với thổ cẩm thật ra không mấy suôn sẻ.

Ngay từ nhỏ, chị đã thích thú với việc sáng tạo từ các chi tiết văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc lồng ghép vào những bộ quần áo thổ cẩm. Chị học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm may vá từ mũi may của bà, của mẹ. Cầm chiếc áo thổ cẩm của bố, chỉ tay vào nơi cổ áo, chị nói “Cái áo này là thành phẩm khởi nguồn đam mê của mình. Mình may được hết các công đoạn, chỉ trừ cổ áo. Rồi dùng cái tô úp vào, vẽ và cắt theo để tạo cổ áo. May mắn là bố vẫn thích và giữ đến bây giờ”.

Từ năm 2003, cô gái Jrai với độ tuổi đôi mươi đã quyết định theo đuổi đam mê nên đăng ký lớp học nghề may. Sau đó, chị nhận đơn hàng về gia công kiếm thêm thu nhập. Năm 2008, chị học ngành Thư viện - Thiết bị trường học và hiện nay ngoài là nhân viên thư viện thì chị còn thêm nghề tay trái là may trang phục thổ cẩm tại nhà.

Với hai màu chủ đạo là đỏ và đen của trang phục, người nghệ nhân phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ảnh: NVCC

Năm đầu tiên về làm việc tại trường, chị nhận may 300 bộ trang phục truyền thống cho học sinh tại đây. Ngoài thời gian ở trường, chị dành hết tình yêu cho thổ cẩm. Đối với chị, đây là bước ngoặt xác định con đường của đam mê. “Dù chỉ là nghề phụ, mình vẫn yêu và muốn tự bản thân gìn giữ một chút bản sắc văn hóa dân tộc. Và tình yêu đó được chuyển thể thành những đường nét, hoa văn trên những bộ trang phục truyền thống”, chị tâm sự.

Đảm nhận hai công việc song song, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc mình yêu thích. “Nhất là khi thấy các chị em trong trường diện trên mình bộ trang phục mang nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, mình cũng xốn xang. Nó như liều thuốc tinh thần xua tan những áp lực, đem lại nguồn năng lượng mới”, chị H’Tuyết chia sẻ.

Khi có kinh nghiệm và cứng tay nghề hơn, chị mở rộng sang may các loại trang phục cưới hỏi, khăn choàng, túi thổ cẩm của đồng bào Jrai, Bana, Êđê của các vùng trong và ngoài tỉnh. Đến nay, thương hiệu của chị được nhiều bạn gần xa biết và tìm đến đặt hàng, kể cả một số đơn hàng đưa ra nước ngoài.

Chị kể, có lần đơn hàng ùn ứ hoặc khách cần gấp, chị cần mẫn làm việc quá nửa đêm. Đôi khi chị choáng vì làm việc quá sức, xong gia đình, bạn bè quan tâm và nhắc nhở nhiều, chị cũng phân bổ lại thời gian hợp lý hơn. Lúc áp lực nhất, chị hay nghĩ về con cái mà lấy làm động lực cố gắng.

Nghề tay trái cũng hái ra tiền

Một chiếc máy may, một máy vắt sổ, vải thổ cẩm dệt thủ công có sẵn, lấy vải dệt máy công nghiệp có sẵn nên ai cần may gì, chị đều nhận thiết kế và may cho khách. Ngoài ra, chị còn tìm hiểu thêm một số mẫu hoa văn đẹp của người Jrai vùng Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện rồi đặt dệt thủ công thành tấm vải.

Biết khách hàng ưa chuộng các mẫu hoa văn thời cha ông, chị sưu tầm lại các chi tiết hoa văn dân tộc trên sách vở hay lời kể của người xưa. Vốn đã có niềm yêu thích sợi len đủ sắc màu, từng tấm vải được đặt dệt công nghiệp theo yêu cầu với từng tấm lớn - nhỏ trên chất liệu sợi chỉ, sợi len đủ màu nền để thuận tiện cho khách lựa chọn.

Theo chị, vải được dệt tay sẽ có giá bán cao hơn so với vải dệt công nghiệp. Một bộ trang phục hoàn chỉnh được dệt thủ công, giá từ 2 triệu đồng. Còn trang phục công sở có giá bán từ 500.000 đồng/bộ, trang phục dạ hội được bán với mức giá từ 800.000 đồng/bộ tùy từng kiểu mẫu và công sức người thợ bỏ ra.

Cứ thế từ một gian phòng nhỏ để may vá, nay chị mở rộng thành tiệm may tại gia, đặt thương hiệu là “H’Tuyết thổ cẩm Jrai”. Qua đó, thu nhập của chị khoảng 30-50 triệu đồng/tháng, đủ để xoay sở cho hàng hóa và lo toan cuộc sống gia đình.

Theo chị, trang phục dù dệt thủ công hay dệt công nghiệp đều mang một nét văn hóa riêng của dân tộc. Vì thế, số lượng người đặt các mẫu dệt tay chủ yếu là các vị khách du lịch cần mua quà lưu niệm hoặc những ai thật sự hiểu rõ về giá trị, muốn nghiên cứu thêm về văn hóa dân tộc. Vài năm trở lại đây, cô gái người Jrai tham gia nhiều hoạt động giao lưu để quảng bá thổ cẩm truyền thống đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Chị Rmah H’Tuyết (giữa) tham gia hoạt động giao lưu của ở UBND huyện Phú Thiện để quảng bá thổ cẩm truyền thống đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Ảnh: NVCC

Đối với chị, uy tín và chất lượng sản phẩm vẫn là trên hết. Như bao người khác, chị cũng thích được chia sẻ niềm vui đến mọi người. Sau những thành phẩm mình làm ra, chị “khoe” lên trang mạng xã hội Facebook và may mắn được nhiều bạn trẻ biết, yêu thích mặc thổ cẩm và đặt may.

Chị cho biết cảm xúc khó tả nhất là được nhìn thấy khách của mình khoác lên bộ trang phục thổ cẩm mang nét đặc trưng của dân tộc và mỉm cười. Nói về dự định tương lai, chị khẳng định “Mình vẫn đang trên con đường cố gắng đưa thổ cẩm vươn xa hơn. Với mình, đây là cái duyên với nghề và sẽ không dễ dàng từ bỏ sự yêu thích này. Với bất kỳ khó khăn nào, mình chỉ quan niệm rằng sau cơn mưa trời lại sáng để tiếp tục cố gắng”.

Ngoài kinh doanh, chị còn dành thời gian dạy miễn phí cho những ai yêu mến và muốn theo nghề may vá thổ cẩm. Học viên Siu H’ Hương (sinh năm 1990, ngụ xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia lai) hứng thú chia sẻ “Yêu thích nghề may trang phục thổ cẩm kéo mình đến đây học và làm. Sau hơn một năm gắn bó, mình cảm thấy hài lòng với nghề này. Mình vừa được học nghề miễn phí, vừa phụ tiệm kiếm thêm thu nhập. Tương lai, mình sẽ tìm hiểu thêm nhiều văn hóa đặc sắc dân tộc, học theo chị H’Tuyết, gửi gắm tình yêu dân tộc vào thổ cẩm”.

Trần Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối