Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Cô giáo đàn tranh thích chạy địa hình: “Không phải cứ nghệ sĩ là phải nhẹ nhàng”

(SGTT) – Từng tham gia nhiều giải chạy đường mòn ở Việt Nam và là chân chạy đạt nhiều thành tích nổi bật, chị Nguyễn Thùy Dung, 33 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội còn là một giáo viên dạy đàn tranh ở thủ đô.

Huy chương “sức khỏe”

Cách đây bốn năm, chị Thùy Dung chuyển về sống tại nơi cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Chị bắt đầu thử chạy bộ khi nhận thấy sức khỏe sau nhiều năm không vận động có dấu hiệu đi xuống, cộng với tinh thần giảm sút do gặp biến cố tình cảm. Chị kể lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản phải tìm một sở thích gì đó để nâng cao thể chất và tinh thần. Tình cờ tìm được một nhóm chạy bộ ở khu vực mình sinh sống, chị quyết định tham gia thử xem có yêu thích không và rồi gắn bó đến tận bây giờ.

Với quỹ thời gian hiện tại, chị sắp xếp tập luyện khá đều đặn môn chạy địa hình là chính, thỉnh thoảng thêm môn bơi lội và đạp xe. Là chân chạy địa hình lâu nay, chị Thùy Dung chia sẻ không thể phủ nhận những lợi ích và “công” lớn mà chạy bộ đã đem lại.

“Chạy bộ giúp khỏe và tinh thần tốt lên chắc điều này ai cũng biết. Ngay cả cái mệt, nhưng mệt mỏi của một ngày làm việc bận rộn và mệt sau khi tập thể thao nó khác lắm", chị nói.

Tôi nhớ lúc mình không tập gì cứ hay bị đau đầu, cơ thể uể oải và cáu gắt. Mỗi lần như thế, tôi cứ cố gắng ra ngoài chạy ngắn mấy cây số thì tâm trí lại ổn hơn hẳn.

Cung đường mòn chị Dung thường xuyên tham gia chạy. Ảnh: Facebook nhân vật

Hiện tại, chị cho biết mình đã tham gia gần như tất cả các giải chạy địa hình ở Việt Nam, một số thành tích có thể kể đến như nhất nữ cự ly 70km Vietnam Mountain Marathon 2020; nhất nữ cự ly 70km Vietnam Jungle Marathon 2020; nhì nữ cự ly 70km Vietnam Trail Marathon 2020; nhất nữ cự ly 25km Mu Cang Chai Ultra Trail 2020; nhì nữ cự ly 42km Vietnam Trail Marathon 2021; nhì nữ cự ly 42km Cuc Phuong Jungle Pass 2022…

Chị Nguyễn Thùy Dung (giữa) trong một giải chạy trail. Ảnh: FBNV

Qua các giải chạy, chị nhấn mạnh huy chương lớn nhất mình đạt được không phải là hạnh phúc khi đứng trên bục nhận thưởng mà là việc chứng kiến bản thân “khỏe” lên từ bên trong, cũng như có thêm cơ hội gặp gỡ bạn chạy cùng nhau vượt qua thử thách để đời.

“Tôi còn nhớ kỷ niệm những buổi tập cùng mấy chị em ở Pù Luông, Thanh Hóa. Chúng tôi đi lạc cả mấy giờ trong rừng sâu, vừa đói vừa sợ, chia vội nhau mấy chiếc kẹo dẻo xong bị vắt bu đầy hai chân. Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi mừng rỡ khi nghe thấy tiếng hát karaoke vọng tới vì biết mình về được với “văn minh” rồi”, chị nhớ lại.

Nghệ sĩ không nhất thiết phải “nghệ sĩ”

In dấu trên nhiều cung đường địa hình hiểm trở, chị cho hay nữ giới chạy trail (chạy đường mòn) không có gì khác biệt so với nam giới trừ việc phụ nữ cần lựa chọn trang phục bên trong chuẩn kích cỡ và tốt hơn bình thường. Riêng những ngày đặc biệt của phụ nữ trúng vào giải đấu thì cơ thể yếu hơn, thể chất có phần ảnh hưởng.

Chị Dung quan niệm thể thao không phân biệt giới tính nhưng khó khăn cho phái nữ chạy cự ly dài chính là dễ yếu hơn phái nam nên người thường mệt hơn, tuy vậy, nữ lại có phần bền và “lì” hơn. “Dù gì đi nữa thì tôi nghĩ quan trọng hơn hết chính là ý chí vượt qua lời thì thầm bỏ cuộc bên tai, không ai khiến mình dừng lại cả, chỉ có mình tự quyết lấy. Nhờ việc chạy giúp tôi giải tỏa đầu óc, áp lực mà tôi cũng trở nên đáng yêu hơn trong mắt học trò. Mỗi khi tập xong tôi vui vẻ, bớt quạu, khi nào không tập học viên cũng nhận ra ngay”, chị nói thêm.

Chị là một giáo viên dạy đàn tranh ở Hà Nội. Ảnh: FBNV

Với công việc chính là dạy đàn tranh, chị tiết lộ mình thích chơi nhạc buồn, giai điệu nhẹ nhàng có chiều sâu. Tuy vậy trên đường đua, chị trở thành một người hoàn toàn khác, chạy hùng hục, mạnh mẽ và đầy quyết tâm băng qua cung đường khó. Chị nhấn mạnh dù ở vị trí nào, chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể thứ mình đang làm, đạt được cảm giác chiến thắng bản thân.

“Hầu hết mọi người gặp tôi đều không biết tôi làm nghề gì, nếu nói là nghệ sĩ, họ sẽ ngạc nhiên. Nhưng theo tôi thì không nên có một suy nghĩ rập khuôn, nghệ sĩ không nhất thiết phải trông nghệ sĩ và cứ nhẹ nhàng, mơ màng. Trên đường chạy, chất nghệ sĩ không cảm hóa được từng cây số khó nhằn mà chỉ có luyện tập mới giúp mình đủ sức cán đích”, chị nhấn mạnh.

Lý giải niềm đam mê với chạy bộ, chị tâm sự mình yêu thích những ổ gà, ổ voi, tảng đá tai mèo nhọn và vũng bùn sình lầy trên đường chạy. Hay nói cách khác, chị yêu những khó khăn mà chạy địa hình, đường núi đem đến. Chạy trail có cơ hội ngắm cảnh đẹp, địa hình phong phú, lúc thì ở trong rừng xanh, lúc lên, lúc xuống dốc, lúc nào mệt quá thì chạy chậm lại hoặc đi bộ, hít thở không khí cũng rất dễ chịu và thư giãn đầu óc.

Hầu hết những người sống và làm việc ở thành phố sẽ rất cần những khoảng thời gian được ngắm nhìn thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng dế kêu, tiếng suối thì chạy trail sẽ giúp mọi người đánh thức giác quan, chị nói thêm.

Chị Dung trong một buổi biểu diễn đàn tranh. Ảnh: FBNV

Ngoài trải nghiệm địa hình ở Việt Nam, chị Dung cho rằng thử thách tăng lên và ở cấp độ cao hơn khi tham gia các giải khắc nghiệt trên núi cao ở Indonesia, Nepal, Pháp, Thụy Sĩ… mà bạn bè chị đã từng đi. Theo chị Dung, runner (người chạy bộ) chỉ cần xác định mục tiêu cộng với huấn luyện đủ sẽ cho ra quả ngọt. Ngược lại, nếu không chăm chỉ thì dù cự ly ngắn, đó cũng là cực hình. Cụ thể, để đi cự ly ultra ở Việt Nam từ 70 - 100km, mỗi tháng runner tập khoảng 250 - 350km, kết hợp chạy thực tế đường trail nhiều thì khi vào đường đua sẽ dễ thở hơn, chị giải thích.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối