(SGTT) – Sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn cùng nụ cười rạng rỡ, ít ai biết cô gái Diêu Phạm Hoàng Vy đam mê chạy địa hình hiện là giáo viên mầm non dạy trải nghiệm ở TP Nha Trang. Ở tuổi 34, chị Hoàng Vy duy trì lối sống lành mạnh kết hợp với rèn luyện thể thao, với chị, đó là cách làm gương cho những mầm non tương lai của đất nước.
- Lỡ hẹn giải chạy ở nước ngoài, runner hoàn thành cự ly 160km trên máy chạy bộ tại nhà
- Chia sẻ từ một runner 42km: Những lưu ý khi tham gia một giải chạy
- Chú khủng long trên đường chạy: “Tôi muốn kéo mọi người cùng về đích”
Chạy vì học trò
Chị Hoàng Vy hay được biết đến với tên gọi Diệu Vy, vốn xuất thân từ một từ một viên chức nhà nước về mảng bảo tồn môi trường. Sau 5 năm làm chuyên viên, chị quyết định về trường mầm non FBT (For the Best Tomorrow) với vai trò giáo viên dạy giá trị sống và trải nghiệm. Chị tâm sự vì quá yêu các bạn nhỏ, muốn truyền lửa tình yêu thương thế giới cùng sự quý trọng thiên nhiên nên chị tâm niệm lấy giáo dục làm gốc, nên duyên cùng nghề "gõ đầu trẻ" cho đến nay ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đến với thể thao từ năm 2015, trải qua nhiều bộ môn khác nhau, chị Hoàng Vy nhấn mạnh mình đã nhận được rất nhiều phần thưởng lớn trong đời từ việc chạy bộ nói riêng và vận động nói chung. Chị tâm sự “Tôi yêu chạy bộ cốt yếu vẫn là vì sức khỏe và khả năng tăng thêm độ bền cho cơ thể để mỗi ngày. Điều này giúp tôi dạy học và chơi với đám trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc mà không quạu. Tôi cũng ý thức được rằng để các em hiểu về thể thao thì giáo viên phải là người làm gương bằng nguồn năng lượng tích cực”.
Theo cô giáo Hoàng Vy, mỗi tiết học chị đều thiết kế xen lẫn giữa vận động tinh gồm các bài học liên quan đến sự khéo léo và vận động thô gồm các hoạt động liên quan đến cơ bắp và cường độ cao để các bạn được phát triển vẹn tròn nhất. Trong các giờ học, các bé nhỏ đều rất thích chạy cùng cô giáo và tỏ ra phấn khích khi được thắng cô, chính vì điều này, mỗi khi lên nông trại, chị luôn cùng các học trò chạy trong khuôn viên, chị chỉ dẫn các bé nên chạy như thế nào, uống nước sau chạy ra sao và xả cơ chân thế nào mới đúng, chia sẻ tầm quan trọng của vận động đối với sức khỏe hằng ngày.
Chị Hoàng Vy cho biết mình từng gặp chấn thương giãn dây chằng gối phải vì sụp hố cát lúc chạy bộ năm 2015. Mất khoảng một năm để phục hồi dây chằng, chị thử sức qua những bộ môn khác như tập Thái Cực Quyền điều hòa khí công, tập chính bơi lội và hai năm trở lại đây là môn yoga cổ điển Sivananda. Liên tục từ năm 2015 đến 2021 chị không tham gia chạy bộ vì nỗi sợ chấn thương, mãi cho đến tháng 10-2021, nhờ một giải chạy từ thiện góp phần trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, chị quyết định quay lại sân chơi này. Nhờ kết quả bất ngờ nằm trong top 12 khi còn là một gương mặt mới trong nhóm Nha Trang runner (NTRU), chị đã tham gia nhóm và được anh Vương Công truyền cảm hứng chạy trail (chạy đường mòn). Đây cũng chính là môn chạy giúp chị Vy “kết” duyên một lần nữa với chạy bộ cho đến nay.
“Cơ duyên đến với vận động cũng không biết nói từ đâu cho đúng, nhưng tôi nghĩ lý do chính vẫn là cân nặng. Tôi cần giảm cân để cơ thể linh hoạt hơn khi chơi và dạy học cùng các em nhỏ của mình. Nhờ vận động, tôi quan sát được các phản ứng của cơ thể để hiểu rõ mình hơn. Đó là một trong những cách mà tôi tu sửa bản thân từ trong chính bản thân (sức khoẻ) của mình”, chị nói.
Vượt địa hình bằng dép chạy
Chị Vy Từng tham gia một số giải chạy marathon và chạy trail như giải DLUT 2022 với cự ly 45km, giải VnExpress Marathon Sparkling Quy Nhơn, sắp tới là giải VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang với cự ly 42km, LaAn ultra trail cự ly 75km. Để chuẩn bị thể lực tốt, chị Vy cho hay mình có thói quen dậy sớm từ 4:00, lên lịch tập luyện bằng cách phân bổ các buổi sáng chạy xen kẽ với bơi dài, trong tuần sẽ có một ngày đi núi và chạy dài. Chiều tan làm chị tự tập yoga cổ điển để thả lỏng cơ thể sau một ngày dài làm việc.
Chị thường xuyên chia sẻ những hình ảnh đời thường chạy bộ cùng dép chuyên dụng. Hiện tại, chị đang sử dụng hai loại dép chính là Xero Z Trek và Luna Oso Flaco Winged. Theo chị Vy, chạy dép đem đến trải nghiệm rất khác với giày, nếu giày hỗ trợ lực nẩy và đáp cho chân của vận động viên thì dép buộc người chơi phải dùng hoàn toàn lực chân. “Tôi có hai trải nghiệm khi chạy đổ dốc. Nếu dùng dép với điều kiện đường đất trong rừng khá ổn, lực tiếp đất bằng một phần ba bàn chân trước khá êm ái. Nhưng chạy đổ dốc đường nhựa thì sẽ bị cản lực nhiều, nếu chân ai không khỏe sẽ bị đau gang bàn chân ngay”, chị chia sẻ.
Chị Vy quan niệm rèn luyện hằng ngày bằng dép giúp đôi chân khỏe hơn nhưng điều đáng lưu ý đó là buộc người chạy bộ phải quan sát chân kỹ hơn. Ngay khi phát hiện triệu chứng đau gang bàn chân hoặc ngón chân thì buộc dừng ít ngày chạy dép để cơ thể phục hồi và quen dần với vận động kiểu chạy dép. Trước ý kiến chạy dép sẽ dễ đau cột sống, chị Vy khẳng định việc đau cột sống hay không phụ thuộc vào dáng chạy, cách tiếp đất cũng như cách chạy, thậm chí là thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Tham khảo ý kiến từ một huấn luyện viên chạy bộ trong nhóm, chị kể họ vẫn khuyến khích chạy chân không trên cỏ hoặc cát mịn, chạy dép trên nền gạch cứng có thể sẽ mang đến chấn thương nếu lực và khối cơ chưa vững. Dù vậy, chạy bằng dép hay giày cũng không quan trọng bằng việc lắng nghe cơ thể, hiểu rõ đôi chân để lựa chọn cự ly tham gia giải cũng như khối lượng tập luyện phù hợp.
“Nếu vận động viên không quan trọng thành tích và đủ sức khoẻ thì có thể chạy dép, còn nếu chưa đủ sức bật đôi chân thì nên chạy giày. Việc chạy giày hay dép là do quyết định chọn lựa của mỗi người muốn đặt ra thử thách cho bản thân như thế nào”, chị Vy bộc bạch.
Trong tương lai, cô giáo tiết lộ mình sẽ rèn luyện thêm bộ môn bơi và thử sức với ba môn phối hợp Ironman nếu có đủ tài chính và thời gian.
An Phú