THÁI HÀ -
Các mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho những người ít tên tuổi. Điều này cũng đúng với các mạng xã hội chuyên về âm nhạc, khi chúng là bệ phóng cho những nghệ sĩ chưa thành danh.
Đầu năm ngoái, ca sĩ Perrin Lamb ở “thủ đô” nhạc đồng quê Nashville, Mỹ không ký hợp đồng với hãng băng đĩa nào. Những người hâm mộ anh chia sẻ trên dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify rằng họ rất thích bài Everyone’s Got Something của anh.
Spotify và nhiều dịch vụ chia sẻ nhạc khác đang là kênh kiếm tiền dễ dàng cho các nghệ sĩ không chuyên.
Lamb cũng biết Spotify nhưng không dùng. Về sau, anh mới nhận ra bài hát ấy lại nổi tiếng trên Spotify. Cuối năm ngoái, bài hát có hơn 10 triệu lượt người nghe, mang về cho anh hơn 40.000 đô la Mỹ. Ca sĩ 39 tuổi này là một ví dụ cho thấy những nghệ sĩ thường thường bậc trung, hoặc tay ngang, nhiều khi có thể kiếm được khoản tiền tương đối lớn từ các dịch vụ âm nhạc đang rộ lên hiện nay như Spotify hay Pandora.
Nói nôm na, Spotify là một dạng radio trực tuyến, cho phép bạn có thể nghe bất kỳ bài hát nào có trong số hơn 30 triệu bản nhạc mà Spotify đang có (xấp xỉ iTunes của Apple). Bên cạnh đó, Spotify còn là một mạng xã hội âm nhạc cho phép bạn chia sẻ ứng dụng, danh mục bài hát và theo dõi hoạt động của những nghệ sĩ mà bạn quan tâm. Spotify khởi nghiệp từ Thụy Điển năm 2006, đến tháng 10-2008 họ cho ra trang web, nay đã thu hút được 75 triệu người đăng ký sử dụng trên toàn thế giới. Chính nhờ các tính năng chia sẻ của mạng xã hội mà các bài hát như của Lamb đến được với nhiều người. Mỗi lượt nghe bài của anh thì anh lại được cộng thêm vài xu vào tài khoản.
Nhưng Spotify, Pandora và các trang tương tự thường xuyên bị các nghệ sĩ và luật sư của họ tấn công vì phí bản quyền thấp hoặc thậm chí không được trả tiền. Tuần này, Spotify phải xóa đi hàng ngàn bài hát của hãng ghi âm Victory Records vì lý do trên. Khả năng tồn tại của các trang này vẫn còn nhiều bàn cãi vì chúng có tiềm năng thay thế thị trường đĩa CD và mô hình bán nhạc dạng tải về. Ca/nhạc sĩ Mike Doughty nhận xét: “Hơn 10 triệu lượt nghe mà chỉ được trả có 40.000 đô la thì đúng là bi kịch”. Doughty thường xuyên phàn nàn về các vấn đề nảy sinh của ngành công nghiệp ghi âm khi chuyển sang thời đại số hiện nay.
Lamb đến Spotify thông qua trung gian là hãng đĩa CD Baby, nhà phân phối chuyên bán nhạc cho các nghệ sĩ độc lập. CD Baby cắt 9% doanh thu mà các trang Spotify, Rhapsody, iTunes trả cho các nghệ sĩ. Tracy Maddox, Tổng giám đốc CD Baby, cho biết năm ngoái, công ty đã trả cho các nghệ sĩ họ đại diện 55 triệu đô la tiền bán nhạc số và câu chuyện của Lamb không phải quá bất thường.
Bài hát Everyone’s Got Something phát hành năm 2011 trong album Back to You của Lamb. Doug Ford, biên tập viên nhạc, một trong hơn 1.500 nhân viên của Spotify nói rằng thuật toán của công ty giới thiệu bài hát này cho ông khi ông đang tạo một tuyển tập các bài hát chủ đề “Những bài hát dễ thương khi ngồi quán cà phê”. Chủ đề này ăn khách trên Spotify khi có hơn 1,3 triệu người đăng ký theo dõi thường xuyên.
Sau thành công của bài trên, một bài hát khác của Lamb cũng nổi tiếng. Cả hai bài cộng lại có hơn 24 triệu lượt người nghe. Theo Lamb, nhờ có Spotify, tài chính của anh ổn định hơn một chút nhưng đó mới chỉ là một phần sự nghiệp. Công việc hàng ngày của anh là ở một công ty chuyên lồng nhạc cho các phim truyền hình.