Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Cơ hội cho sản phẩm hữu cơ mở rộng thị trường

Ngọc Hùng - 

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành các tiêu chuẩn cho những sản phẩm hữu cơ, nhưng ở Việt Nam, một nước có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, vẫn chưa xây dựng xong bộ tiêu chuẩn này. Nhiều người kỳ vọng, một khi đã có nghị định về nông nghiệp hữu cơ, những sản phẩm có gắn logo sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm, qua đó chấm dứt thời kỳ sản phẩm hữu cơ “tự phong” hiện nay.

Sớm có tiêu chuẩn

vuonrauNhiều doanh nghiệp mong muốn sớm có những tiêu chuẩn hữu cơ để áp dụng nhằm tránh bị chậm chân thị trường.

Ngày 22-8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến cho việc xây dựng dự thảo nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là lần đầu tiên bộ tổ chức một hội nghị dành riêng để nói về tiêu chí cho dòng sản phẩm này.

Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, việc có một tiêu chuẩn và hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp nông sản Việt Nam gia tăng giá trị, không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn giúp xóa bỏ tình trạng sản phẩm hữu cơ tự phong trên thị trường nội địa bấy lâu nay.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một tiểu chuẩn, hay nghị định nào có liên quan đến sản phẩm hữu cơ trong khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn. Ông đề nghị doanh nghiệp, người dân và các nhà quản lý khi góp ý cho dự thảo nghị định sẽ phải bao trùm những vấn đề của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tức là phải lường trước những tình huống sẽ xảy ra trong những năm tới, tránh trường hợp nghị định mới ban hành là phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Vì thế, dự thảo nghị định không chỉ đề cập đến chuyện trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mà còn đưa cả dược liệu vào đối tượng có thể sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, dự thảo cũng đưa những tiêu chí phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau, ở đó một người nông dân sản xuất nhỏ đến những doanh nghiệp có quy mô hàng trăm héc ta vẫn nằm trong sự chi phối, quản lý của cơ quan quản lý.

Do nông nghiệp Việt Nam vẫn còn sản xuất ở dạng nông hộ nên dự thảo dự kiến áp dụng tiêu chuẩn PGS (Hệ thống đảm bảo sự tham gia do Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ - IFOAM). Tiêu chuẩn này áp dụng cho thị trường nội địa. Sở NN&PTNN sẽ là nơi cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho nông hộ, hợp tác xã.

Trong khi đó, những sản phẩm xuất khẩu sẽ chịu sự chi phối bởi một tiêu chuẩn khác. Những tiêu chuẩn này phải tiệm cận với tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hay của EU. Tiêu chuẩn hữu cơ dành cho xuất khẩu sẽ do một tổ chức chứng nhận được ủy quyền.

Những sản phẩm dùng cho xuất khẩu hay bán ở thị trường nội địa nếu được chứng nhận sẽ gắn logo sản phẩm hữu cơ Việt Nam trên nhãn. Bộ NN&PTNT là nơi quản lý logo này.

Một số đại biểu cho rằng, đến giờ này Việt Nam mới xây dựng tiêu chí cho nông nghiệp hữu cơ là chậm nhưng có còn hơn không. Hiện các nước trong khu vực ASEAN đã có tiêu chí hữu cơ như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Đông Timor.

Cơ hội mở rộng thị trường

Theo Bộ NN&PTNT, hiện trên thị trường có quá nhiều sản phẩm gắn dòng chữ “sản phẩm hữu cơ” nhưng phần lớn là sản phẩm tự phong của cơ sở sản xuất. Sự bát nháo của sản phẩm hữu cơ bán trên thị trường một phần có lỗi của cơ quan quản lý.

Tại buổi hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có những tiêu chuẩn hữu cơ cho những sản phẩm xuất khẩu để họ sớm áp dụng nhằm tránh bị chậm chân thị trường.

Theo IFOAM, thị trường nông nghiệp hữu cơ thế giới thăng trưởng 10-15% mỗi năm. Những nước có thị trường lớn như Mỹ, Đức, Tung Quốc, Canada và Anh. Đây là những quốc gia đã sớm có tiêu chuẩn hữu cơ, vì thế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nông dân sớm đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường.

Một số doanh nghiệp cho rằng, một khi xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ thì tiêu chuẩn đó phải mang tầm quốc tế hay tương đương với tiêu chuẩn của các nước về nông nghiệp hữu cơ. Điều này giúp tránh trường hợp bên mua hàng phân biệt tiêu chuẩn Việt Nam so với tiêu chuẩn của các nước như Mỹ hay EU.

Ông Nguyễn Công Thành, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng hiện tại, tiêu chuẩn hữu cơ là một trong những tiêu chuẩn cao nhất và có thể xâm nhập vào những thị trường khó tính trên thế giới. “Thời gian qua, đã có một số lô hàng gạo xuất khẩu bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu chúng ta làm theo hướng hữu cơ sẽ không lo bị trả về nữa vì đây là một trong những tiêu chuẩn được xem là an toàn nhất”, ông Thành nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối