Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cơ hội để Việt Nam nâng cấp công nghệ đang đến

(SGTT) - Đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng nắm được các công nghệ cần thiết. Chúng ta đang có nhiều cơ hội thực hiện điều này.
Đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) để trưởng thành hơn, từng là một giấc mơ tưởng như sẽ có ngày trở thành hiện thực. Ảnh: T.L

Đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) để trưởng thành hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, từng là một giấc mơ tưởng như sẽ có ngày trở thành hiện thực. Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều và điều này vừa được nêu ra tại một cuộc hội thảo tổ chức ngày 7-9-2023 tại Hà Nội.

Theo thông tin công bố tại hội thảo, suốt từ tháng 7-2018 tới hết năm 2022 chỉ có 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI, nhưng đều là chuyển giao nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con; công nghệ không lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước. Nhìn lại 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, theo một chuyên gia, chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, điều mà chúng ta từng rất kỳ vọng, dường như không diễn ra.

Phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp FDI không có nhiều động lực để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước khi mà nền công nghiệp, sau gần 40 năm mở cửa, vẫn chủ yếu là gia công trên nền tảng nguồn nhân lực phổ thông là chủ yếu. Một nền công nghiệp dựa vào nhân công giá rẻ để cạnh tranh, thay vì bằng công nghệ và năng suất, thì không có nhiều động lực để nhận chuyển giao công nghệ.

Vòng chuyển giao công ty mẹ – công ty con trong khối FDI xuất hiện một phần vì sự yếu kém này từ phía doanh nghiệp Việt Nam và nó sẽ mãi tồn tại nếu những đối tác chủ nhà không tự nâng cao trình độ công nghệ và/hoặc chúng ta phải tiếp cận với việc chuyển giao công nghệ, với hàm nghĩa rộng nhất là quá trình chuyển tải các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tới thị trường và xã hội, cùng với các kỹ năng và quy trình liên quan.

Trên thực tế, con đường nhận chuyển giao công nghệ của các quốc gia trên thế giới tương đối giống nhau, dù thời gian tới đích và kết quả đạt được sẽ có nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn, sự trưởng thành của nền công nghiệp Hàn Quốc khởi đầu thông qua việc bắt chước hay sao chép các công nghệ đã không còn bị giới hạn về quyền sở hữu trí tuệ hoặc những công nghệ có thể tiếp cận được với giá rẻ.

Tiếp đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm, thông qua việc nhập khẩu các công nghệ sẵn và điều chỉnh để hàng hóa có điểm khác biệt. Sự năng nổ của khối doanh nghiệp trong nước đi cùng với các chính sách về giáo dục giúp nâng cao khả năng hấp thu công nghệ.

Tới thập niên 80 của thế kỷ 20, Hàn Quốc chuyển sang mô phỏng sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và nghiên cứu trong nước, xây dựng công nghệ nội sinh với mức đầu tư công lớn hơn cho R&D, bước sang giai đoạn bắt kịp các nước phát triển đi trước và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới như hiện nay. Tương tự như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng bắt đầu bằng bắt chước giản đơn, bắt chước sáng tạo tới làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ mới.

Không thể trông chờ sự hỗ trợ vô điều kiện của doanh nghiệp FDI nếu Việt Nam muốn nhanh chóng hòa cùng bước tiến công nghệ như các quốc gia nêu trên. Với nguồn lực hạn chế, tính chủ động phải được khuyến khích tối đa theo hướng doanh nghiệp lựa chọn tham gia vào một mắt xích có tiềm năng và phù hợp với năng lực của mình trong chuỗi cung ứng.

Việc đáp ứng công nghệ có thể thực hiện thông qua nhập khẩu dây chuyền sản xuất, mua bán sáp nhập với doanh nghiệp hiện hữu hoặc thành lập doanh nghiệp mới với sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực. Những chính sách ưu tiên sẽ được thiết kế cho các lĩnh vực chuyển giao công nghệ mũi nhọn, chi phí đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm và quan trọng hơn, doanh nghiệp phải được công bằng, bình đẳng và minh bạch trong tiếp cận ưu đãi.

Trong phát triển R&D, thu hút nhân tài các nước và để người tài trong nước tiếp xúc với nền công nghệ nước ngoài theo các chương trình hội thảo, hợp tác, trao đổi học giả… giữa các trường, viện nghiên cứu là đường vòng để học hỏi công nghệ. Những viện nghiên cứu tư nhân càng có nhiều lợi thế hơn trong các phương thức hợp tác nêu trên và khi ấy, cây đũa quản lý nhà nước chỉ cần vạch ra những nhóm công nghệ khuyến khích tiếp thu, cùng với cơ chế chính sách tương ứng tiếp thêm nhiệt huyết cho họ.

Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đàm phán những thỏa thuận chuyển giao công nghệ theo quy trình phù hợp với hạ tầng công nghệ và nhân lực hiện có. Chúng ta đang là điểm đến đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp nước ngoài trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong công nghệ chip bán dẫn, Việt Nam sở hữu nguồn vật liệu quan trọng là đất hiếm với trữ lượng đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau quốc gia láng giềng tỉ dân. Tìm kiếm và tận dụng được các lợi thế cũng như cơ hội sẽ giúp Việt Nam sớm thoát khỏi con đường phát triển dựa vào nhân lực giá rẻ.

Hoàng Hạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối